Ai Cập quyết không trở thành điểm trung chuyển của người di cư bất hợp pháp

Ai Cập chủ trì đăng cai một hội nghị khu vực tại tỉnh Biển Đỏ nhằm trao đổi kiến thức chuyên môn về chống di cư bất thường.

Ai Cập tiếp đón 9 triệu người di cư từ 133 quốc gia, theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM). (Nguồn: Ahram)

Ai Cập tiếp đón 9 triệu người di cư từ 133 quốc gia, theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM). (Nguồn: Ahram)

Theo trang tin Ahram, hội nghị diễn ra từ ngày 28-30/8 với sự tham gia của 27 quốc gia từ châu Âu, châu Phi và Bắc Mỹ cũng như các tổ chức quốc tế có liên quan.

Do Ủy ban điều phối quốc gia về Chống và ngăn chặn di cư bất hợp pháp và buôn bán người (NCCPIM&TIP) tổ chức, sự kiện là một phần trong chiến lược quốc gia của Ai Cập nhằm chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp. Mục đích của hội nghị còn là tăng cường nỗ lực của các cơ quan hữu quan Ai Cập trong việc chống di cư và bảo vệ người nhập cư, đặc biệt là trẻ em không có người đi cùng.

Trong một tuyên bố với hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập, người đứng đầu NCCPIM&TIP Naela Gabr nhấn mạnh sự quan tâm của Ai Cập trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực để chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp và buôn người.

Theo bà Gabr, việc chống lại hiện tượng này rất khó khăn “nếu không có sự hợp tác khu vực và trao đổi chuyên môn”.

Là điểm đến của khoảng 9 triệu người di cư từ 133 quốc gia, Ai Cập nhiều lần khẳng định rằng sẽ làm mọi điều để không trở thành điểm trung chuyển cho những người di cư bất hợp pháp tìm đường tới châu Âu.

Trên thực tế, Ai Cập đã nỗ lực giải quyết tình trạng di cư bất thường kể từ khi đưa ra chiến lược đầu tiên về chủ đề này vào năm 2016.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi khởi động chiến lược quốc gia nhằm chống lại tình trạng di cư bất thường. Luật 82/2016 đưa ra các hình phạt hình sự hóa mọi hình thức đưa người di cư trái phép, bên cạnh việc đấu tranh chống hoạt động của những người liên quan đến các hành vi đó.

Năm 2022, luật được sửa đổi, tăng mức phạt và trừng phạt những người phạm tội nhưng không tố giác.

Ai Cập cũng đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng thu nhập hộ gia đình và tạo việc làm ở các tỉnh - nguồn chính của người di cư bất thường nhằm giải quyết các nguyên nhân cốt lõi của vấn đề.

Năm 2019, quốc gia Bắc Phi đã triển khai sáng kiến Thuyền cứu sinh, phân bổ 250 triệu EGP (hơn 8 triệu USD) để cung cấp cơ hội việc làm tại 70 ngôi làng trên toàn quốc có mức độ di cư bất thường lớn.

Là một phần trong hợp tác với Ai Cập nhằm giảm tình trạng di cư bất thường, EU đã cấp cho Ai Cập 80 triệu Euro vào tháng Sáu vừa qua để quản lý biên giới, tìm kiếm cứu nạn và tăng cường các hoạt động chống buôn lậu.

Nguyễn Hoàng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ai-cap-quyet-khong-tro-thanh-diem-trung-chuyen-cua-nguoi-di-cu-bat-hop-phap-240045.html