Ai Cập trả giá đắt cho cuộc thanh lọc trong đại dịch Covid-19
Ba tháng cách ly làm chậm lại nhịp đập của Cairo, lột bỏ bụi bẩn và phơi bày một khía cạnh mới của thành phố mệt mỏi này. Nhưng không ồn ào và náo nhiệt, đó có thực sự là Cairo?
Nếu có một thành phố nào cần sự thanh lọc, thì đó là Cairo.
Lịch sử hỗn loạn kéo dài hàng thế kỷ, cùng với đô thị hóa ồ ạt trong những thập kỷ gần đây đã phá nát vẻ ngoài của thành phố lâu đời này.
Virus corona đã làm chậm lại nhịp sống hối hả của thành phố. Ba tháng đóng cửa, bao gồm giới nghiêm 23h đêm, đã làm trẻ lại Cairo. Những con đường từng nghẹt thở với tiếng còi xe nay trở nên thông thoáng. Không khí, không có khói bụi, dường như sáng lấp lánh. Các con phố chìm trong tĩnh lặng.
Cuộc sống thay đổi
Vào buổi tối, các gia đình sống gần sông Nile có thể quây quần trên ban công để ngắm hoàng hôn. Ứng dụng ô nhiễm trên điện thoại phát ra một màu xanh lạ.
Nhưng cũng như một lẽ tất nhiên, những sự bình yên và sạch sẽ ấy phải chịu đựng một cái giá đắt.
Sáng sớm, trên những con đường vắng, những người đeo khẩu trang đầy lo lắng đứng chen chúc quanh lối vào bệnh viện.
Và rồi cảnh tượng đó cũng kết thúc.
Đến cuối tháng 6, chính phủ tuyên bố sẽ cho phép các nhà thờ Hồi giáo, nhà hàng và quán cafe mở cửa trở lại. Vào đêm cuối cùng có lệnh giới nghiêm, hàng trăm người ra đường để cảm nhận những thú vui tinh tế lần cuối.
Họ tụ tập trên một cây cầu vào lúc hoàng hôn, ngắm nhìn những cánh diều đang bay trong làn gió nóng trên sông Nile. Những nam thanh niên mặc quần jean bó sát đang kéo dây diều. Những phụ nữ che kín mặt, đi theo sau những cặp đôi và cố gắng mời họ mua hoa hồng.
Và có một điều không thể tránh khỏi, rằng những người cầm quyền Ai Cập luôn cảnh giác với các cuộc tụ họp như vậy. Một nhà lập pháp cấp cao cảnh báo rằng bầu trời đầy diều đe dọa an ninh quốc gia vì kẻ thù của Ai Cập có thể lẩn vào những cánh diều và qua mắt camera giám sát.
Nhưng trên cầu, chẳng ai quan tâm đến những phát biểu như vậy. Họ chỉ thích đắm mình trong cái khoảnh khắc kỳ quặc giữa sự thanh thản và lo lắng này, khi thành phố "điên cuồng" của họ bị một con virus làm chậm lại.
Cô Meneim, một y tá đã nghỉ hưu, cho rằng virus là một lời nhắn của Chúa, rằng: "Ngài muốn chúng ta nhìn cuộc sống khác đi".
Cairo những ngày đóng cửa
Bệnh tật đã quyết định nhịp sống ở Cairo những ngày này. Khi màn đêm buông xuống và giờ giới nghiêm chính thức bắt đầu, trung tâm thành phố Cairo chỉ còn là một mớ lộn xộn của những tòa lâu đài cũ kỹ và mặt tiền những cửa hàng lộng lẫy. Chúng đều vắng lặng đến lạ, dù đông đúc đến nghẹt thở trong thời gian bình thường.
Những người lang thang đã "tiếp quản" thành phố từ đây. Những con mèo gầy gò sải bước trên đại lộ trống trải, và một cặp chó đường phố hợm hĩnh nằm trên chiếc SUV đậu bên đường.
Rạp chiếu phim Metro, với mặt tiền phủ đầy bụi, đã khai trương vào năm 1940. Giờ đây, nó mang không khí kỳ lạ của một tòa nhà bị bỏ hoang.
Vào cuối thế kỷ 19, người cai trị Ai Cập, Khedive Ismall, đã mô phỏng lại khu vực này theo sự thanh lịch, thoáng đãng của Haussmann, Paris. Nhưng qua nhiều thập kỷ, các tòa nhà duyên dáng ấy đã dần sụp đổ. Dường như chúng đã lấy lại sự tự hào năm nào một lần nữa, so sánh với sự hoang tàn trong giờ giới nghiêm.
Trong thời điểm này, những người giao hàng có thể phóng đến bất cứ địa chỉ nào chỉ trong vài phút. Nhưng Cairo mà thiếu đi tiếng cằn nhằn, ngột ngạt và nhộn nhịp của con người - liệu đó có thực sự là Cairo?
Hậu quả của bệnh dịch
Vài thế kỷ 14, đây là thành phố lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc với 500.000 cư dân. Và một đợt bùng phát bệnh dịch có thể giết hàng nghìn cư dân thành phố.
Lần này càng khó để ngăn chặn bệnh dịch hơn khi dân số Cairo đã vượt ngưỡng 100 triệu, một cột mốc đáng kinh ngạc ở một quốc gia đông đúc.
Bên ngoài trung tâm thành phố, việc đóng cửa được giám sát một các lỏng lẻo - giãn cách xã hội chỉ là một ý tưởng đáng ngưỡng mộ trong những khu ổ chuột chật chội của thành phố.
Ai Cập có hơn 77.000 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận và số ca lây nhiễm đã tăng khoảng 1.400 người mỗi ngày trong tháng qua. Ai Cập đã báo cáo hơn 3.400 ca tử vong, con số cao nhất trong khu vực Arab. Tuần trước, Tổng thống Ai Cập, ông el-Sisi, đã mở một bệnh viện dã chiến 4.000 giường để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus.
Và ảnh hưởng kinh tế trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Hàng triệu công nhân đã mất thu nhập, và các gia đình phải cắt giảm thịt và các mặt hàng khi không thể chi trả nổi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cho vay 8 tỷ USD để đưa Ai Cập vượt qua cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, chừng đó có thể vẫn chưa đủ.
Cairo sau đóng cửa
Một ngày sau khi lệnh đóng cửa được dỡ bỏ, khung cảnh lại thay đổi một lần nữa.
Các sĩ quan cảnh sát tuần tra trên cây cầu rợp bóng diều. Tiếng xe cộ ầm ầm quen thuộc vang lên khắp trung tâm thành phố, nơi một số nhà hàng đã mở.
Tuy nhiên, những thứ còn lại vẫn yên ắng. Abou Tarek, quản lý của trung tâm thương mại lớn nhất thành phố, nói với tờ New York Times, rằng một số hạn chế có thể sẽ không được dỡ bỏ.
Các quy định bắt buộc rằng các nhà hàng và quán cafe phải đóng cửa lúc 22h kể cả sau dịch đã gây ra phẫn nộ trong thành phố nổi tiếng vì hoạt động suốt đêm này.
Giới cầm quyền Ai Cập đã công bố các biện pháp thanh lọc tương tự trong quá khứ nhanh đều không thành công. Cho đến bây giờ, điều chắc chắn là những cư dân Cairo đang ở nhà, mắc kẹt trong mong muốn trở lại bình thường và nỗi sợ hãi về những gì có thể xảy ra tiếp theo.