Ai Cập và Việt Nam cùng chia sẻ những giá trị nhân văn sâu sắc

Ngày 23/7 năm nay, Ai Cập kỷ niệm 69 năm Cách mạng 1952 (Quốc khánh), sự kiện quan trọng định hình lịch sử chính trị hiện đại ở Ai Cập và ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia lúc đó đang đấu tranh giành độc lập và chống lại sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nước Cộng hòa Ai Cập đầu tiên được thành lập đã sớm đảm nhận vai trò quan trọng trong các quốc gia đang phát triển, trở thành một trong những nước sáng lập các phong trào quốc tế và tổ chức khu vực, trong đó có Phong trào Không liên kết (NAM), Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) trước đây và ngày nay là Liên minh châu Phi (AU).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Ai Cập Mahmoud Hassan Nayel ngày 13/12/2018. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Ai Cập Mahmoud Hassan Nayel ngày 13/12/2018. Ảnh: VGP.

Trước đó vài năm, nhà lãnh đạo cách mạng lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Ai Cập. Vị lãnh tụ của Việt Nam đã nhận thấy hai nước có chung những giá trị nhân văn, khát vọng độc lập và phát triển. Những điểm tương đồng giữa hai nước đã tạo tiền đề cho mối quan hệ lâu dài và hiệu quả dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau và sự tôn trọng sâu sắc. Tại hội nghị Bandung năm 1955, cột mốc quan trọng trong việc thành lập NAM, Nhà lãnh đạo Ai Cập Gamal Abdel Nasser và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp mặt cùng với các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng khác để đóng góp và duy trì nỗ lực của các quốc gia đang đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đến năm 1963, tầm nhìn chỉ đạo của các mối quan hệ đã được hiện thực hóa bằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ai Cập và Việt Nam, nền tảng để hai nước tiếp tục nỗ lực nhằm bảo đảm một trật tự quốc tế công bằng và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong mối liên hệ này, tôi thật sự ấn tượng về bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những nhận định, phân tích sâu sắc, làm nổi bật vai trò của Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam phải có tầm nhìn như thế nào mới áp dụng những cải cách cần thiết trong công cuộc Đổi mới và từng bước phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, chủ trương cơ bản trong đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Tình hữu nghị giữa Ai Cập và Việt Nam được vun đắp thông qua việc trao đổi các chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi tới Việt Nam vào tháng 9/2017 và chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ai Cập vào tháng 8/2018. Những chuyến thăm này đã góp phần tạo động lực hơn nữa cho quan hệ hai nước, thể hiện qua sự ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế, trong đó Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tích cực với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 sau khi kết thúc thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Kim ngạch thương mại song phương ngày càng tăng, lần đầu đạt mức cao xấp xỉ 0,5 tỷ USD vào năm 2018 và hai bên đang phấn đấu sớm đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên một tỷ USD. Văn hóa và giao lưu nhân dân luôn là một trong những trụ cột hợp tác Việt Nam và Ai Cập. Dù cách xa nhau về địa lý, song giữa Ai Cập và Việt Nam có những điểm tương đồng, với nền văn minh lâu đời, sức mạnh tinh thần đấu tranh giành độc lập, và ngày nay đang cùng phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao trong vài thập kỷ tới.

Trên cương vị Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam hơn ba năm qua, tôi có thể tự tin nói rằng, những giá trị nhân văn và xã hội được chia sẻ giữa nhân dân hai nước là vô cùng sâu sắc. Cả hai dân tộc đều cùng chung nhận thức rằng, đoàn kết là chìa khóa của sự phát triển. Ai Cập đang hướng tới một tương lai thịnh vượng với các ưu tiên quốc gia tập trung vào phát triển bền vững. Chính phủ Ai Cập đang thực hiện kế hoạch phát triển toàn diện, cải cách kinh tế và thông qua khung pháp lý hiện đại nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam mở rộng đầu tư vào Ai Cập.

Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và bầu ra các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ai Cập luôn đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, nhất là kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới. Tôi tin tưởng rằng, Ai Cập và Việt Nam sẽ cùng chung tay khám phá một chân trời hợp tác mới rộng mở ở phía trước, giúp nhân dân hai nước đạt được khát vọng của mình.

MAHMOUD HASSAN NAYEL
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Arab Ai Cập
tại Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/ai-cap-va-viet-nam-cung-chia-se-nhung-gia-tri-nhan-van-sau-sac-656349/