Ai chịu trách nhiệm cho tấn bi kịch của Sài Gòn FC?
Sau 6 năm, Sài Gòn FC phải xuống hạng theo cách nghiệt ngã nhất.
Trước trận Bình Dương, HLV Phùng Thanh Phương đã nói với Saostar là các cầu thủ phải làm việc thanh lý hợp đồng, chấm dứt trả lương từ ngày 19/11. Dù phải kiềm chế cảm xúc để nói với Saostar trước giờ bóng lăn thì ông Phương vẫn rất đau, ánh mắt đỏ hoe trong phòng họp báo để trả lời báo chí.
Ánh mắt của HLV Phùng Thanh Phương đã gây ám ảnh cho chính cả nền bóng đá. Vì không chỉ đau do rớt hạng mà Sài Gòn FC bây giờ chỉ còn mỗi cái tên, thậm chí giấy thanh lý của cầu thủ còn được trả ngay sau trận thắng Bình Dương.
Ai cũng biết bóng đá phải có đội thắng - đội thua, nhà vô địch - đội rớt hạng, có nụ cười - nước mắt, vinh quang - thất bại… Nhưng Sài Gòn FC chia tay V.League 2022 theo cách điên rồ nhất, phũ phàng nhất, bi kịch nhất. Vì chia tay kèm theo việc… chia hành lý để phần ai nấy về. Tất cả mang đến nỗi suy ngẫm cho cả nền bóng đá, rốt cuộc làm bóng đá để làm gì, làm vì ai và hệ lụy để lại thì trách nhiệm thuộc về ai.
Ngày CLB Hà Nội (tiền thân của Sài Gòn FC) vào TPHCM thì nhiều ý kiến đã nghi ngờ về sự sống của đội bóng này. Vì quá khứ đã có những nỗi buồn về các đội bóng gắn hai chữ “Sài Gòn” tham dự V.League, đến ồn ào và vẽ lên sự rực rỡ như lưu tinh rồi chết nhanh giống hồ điệp, thậm chí chết theo cách không bình thường.
Hố sâu của Sài Gòn FC đã được đào ra từ những ngày đầu tiên. Bầu Hiển xuất hiện ở sân Thống Nhất thưởng tiền cho toàn đội. Cầu thủ vui một thì người hâm mộ TPHCM buồn mười. Bởi ai cũng hiểu hình ảnh ấy chỉ đẩy đội bóng này thêm xa cách với khán giả phía Nam.
Sự an toàn của Sài Gòn FC từng tạm ổn khi còn liên quan đến bầu Hiển. Ví dụ cuộc đua trụ hạng với Cần Thơ, Nam Định hồi năm 2017, Sài Gòn FC rơi vào thế khó nhưng họ xuất sắc thắng Quảng Nam, Đà Nẵng, hòa Hà Nội để nhanh chóng trụ hạng. Tình cảnh ấy khác hoàn toàn so với V.League 2022, Sài Gòn FC không còn liên quan đến bầu Hiển thì yếu thế trong cuộc đua trụ hạng. Kết cục đội bóng có tiền thân là CLB Hà Nội chịu cảnh rớt hạng.
Trong quy trình làm bóng đá của Hà Nội FC, những đội bóng được chuyển giao thường đá mùa đầu tiên rất tốt. Mọi thứ khó dần và rơi vào cảnh đứng trước miệng vực. Trong bối cảnh ấy, một số cầu thủ giỏi nhất được đưa trở lại đội bóng Thủ đô như Đình Trọng, Ngân Văn Đại (Sài Gòn FC), Văn Vĩ, Tuấn Hải (Hà Tĩnh)… Thậm chí, có thông tin là Sài Gòn FC bị “rút ruột” sau mùa bóng 2020 để về CLB Quảng Nam.
Câu chuyện kể trên để thấy Sài Gòn FC từng phải rơi vào cảnh chỉ có cái tên, còn bản chất vẫn bị ảnh hưởng. Đó là nghịch cảnh lớn với Sài Gòn FC.
Cổ động viên lâu năm ở TPHCM, ông Trần Hữu Nghĩa bình luận rằng: “Tôi là người từng chứng kiến bao nhiêu cuộc chia tay đau buồn của bóng đá Sài Gòn, và tôi vẫn luôn thắc mắc: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Hay câu trả lời sẽ là "chết ai nấy chịu". Đến bao giờ bóng đá Sài Gòn sẽ làm bài bản để có hiệu quả?”.
Một câu hỏi thiết thực để phản ánh về câu chuyện rớt hạng của Sài Gòn FC. Hai tiếng trách nhiệm là câu hỏi đau đáu từ người hâm mộ.
Tựu trung, Sài Gòn FC rớt hạng là nỗi buồn nhưng bản chất giống như “lưu tinh hồ điệp”, đến trong ồn ào rồi ra đi chóng vánh. Nói ví von thì trong 10 năm qua, các đội bóng gắn tên Sài Gòn là thật, còn sự tồn tại như giấc mơ, tỉnh dậy có thể tan biến.