Ai chịu trách nhiệm khi dự án Trường Đại học Hoa Lư 10 năm vẫn chưa về đích?
GDVN- Dự án Đại học Hoa Lư phê duyệt cách đây 10 năm với 426 tỷ đồng, nay vẫn chưa đi vào hoạt động thì đó là một vệt mờ của ngành giáo dục, đặc biệt của Ninh Bình.
Hiện nay có tình trạng dự án trường đại học xây dựng nhiều năm vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí.
Đơn cử như Dự án trường Đại học Hoa Lư được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư vào năm 2010 với diện tích 15 ha, có tổng mức đầu tư 426 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và Chương trình mục tiêu quốc gia.
Công trình này là một trong những dự án “trọng điểm” của tỉnh Ninh Bình, nhằm tạo điều kiện phục vụ nhu cầu dạy và học của nhà trường, góp phần nâng cao đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Tuy nhiên, theo Giáo dục Việt Nam thông tin, sau gần một thập kỷ kể từ ngày đặt viên gạch nền móng đầu tiên (năm 2010), dự án trường Đại học Hoa Lư vẫn chưa thể hoàn thiện, khiến người dân không khỏi xót xa, bức xúc vì nơi từng là bờ xôi ruộng mật giờ bỏ hoang khiến nhiều chuyên gia đặt ra vấn đề cần truy cứu trách nhiệm cá nhân.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không chỉ riêng Trường Đại học Hoa Lư mà bất cứ trường nào trong hệ thống giáo dục Việt Nam đã hình thành là phải có hiệu quả. Vì cơ sở vật chất góp phần tạo nên chất lượng giáo dục đào tạo.
Trong khi đó Dự án trường Đại học Hoa Lư được phê duyệt cách đây 10 năm với 426 tỷ đồng mà vẫn chưa đi vào hoạt động thì đó là một vệt mờ của ngành giáo dục Việt Nam, đặc biệt là của tỉnh Ninh Bình.
“Cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành thanh tra, kiểm tra xem vì sao đến nay Trường chưa đi vào hoạt động.
Hơn nữa, việc ngổn ngang xây dựng nhiều năm nay thì Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cần phải kiểm tra lại, tìm ra nguyên nhân để tháo gỡ.
Vì tôi biết có nhiều tỉnh cũng có trường đại học như thế nhưng khi tỉnh vào cuộc, trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực thì đi vào hoạt động, tuyển sinh rất tốt”, Đại biểu Lê Như Tiến nói.
Ngoài ra cũng theo ông Lê Như Tiến: “Cần xem xét trách nhiệm ở dự án này vì nguồn lực của xã hội bị chôn vùi trong đất bao nhiêu năm nay, gây lãng phí”.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh- thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo khi trao đổi với Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm cá nhân bởi đây là việc thiếu trách nhiệm với chi tiêu ngân sách công.
Cụ thể, theo ông Vinh: “Cần phải đi từ khâu đề xuất thiết kế đề án, thẩm định và phê duyệt ở cấp địa phương và trung ương. Đồng thời trách nhiệm người đứng đầu được giao nhiệm vụ triển khai đề án.
Trong giai đoạn đề xuất dự án cần đánh giá quy trình và chất lượng khảo sát nhu cầu, điều kiện khả thi về tuyển sinh, nguồn lực cũng như kế hoạch dự kiến phát triển nhà trường.
Việc thẩm định thành lập trường là cơ quan nào và ai chịu trách nhiệm. Có bỏ sót việc đánh giá khách quan đề án cũng như tính khả thi của đề án hay không”.
Cũng theo ông Hoàng Ngọc Vinh: “Việc xem xét trách nhiệm cần tìm rõ nguyên nhân để bỏ hoang phí và căn cứ vào Luật Đầu tư công để xử lý.
Đây cũng là bài học cho những địa phương về quản lý đầu tư công cũng như hệ thống giáo dục đại học của nước ta”.
Trường Đại học Hoa Lư tiền thân là Trường Cao đẳng sư phạm Ninh Bình được thành lập năm 2007 theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 9/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Trường trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về cơ sở vật chất hiện tại, trường đại học Hoa Lư nằm trên tổng diện tích đất sở hữu 57.000m2 với đầy đủ các phòng ban, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập. Khu kí túc xá Đại học Hoa Lư gồm 2 khu kí túc xá số 1 và kí túc xá số 2 nằm trong khuôn viên của Đại học Hoa Lư với tổng số 108 phòng.
Năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra quyết định đầu tư dự án trường Đại học Hoa Lư với số vốn từ ngân sách Trung ương, trên diện tích 15ha trị giá 426 tỷ đồng, do Trường Đại học Hoa Lư làm chủ đầu tư.
Công trình dự kiến hoàn thành và đi vào sử dụng đầu năm 2016. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, dự án vẫn “bốn bề cỏ dại”.