Ai chịu trách nhiệm về việc hàng trăm cột điện bị gãy?
Nếu cơ quan chức năng xác định các đơn vị liên quan có sai phạm trong vụ hàng trăm cột điện gãy thì có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chiều 2/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Zing đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc hàng trăm cột điện ở miền Trung bị gãy trong bão số 5.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đơn vị đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình điện.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, các luật sư cho rằng chủ đầu tư phải có trách nhiệm thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát thi công, vận hành công trình điện. Trong đó, việc hàng trăm cột điện bị gãy làm ngưng trệ sản xuất, thiệt hại tài sản Nhà nước thuộc trách nhiệm của ngành điện.
Có dấu hiệu vi phạm?
Trước đó, ngày 30/9, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, cho biết công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, vị này chưa nói rõ về việc chủ đầu tư có thẩm định hồ sơ dự thầu, thiết kế đối với nhà sản xuất hay không.
Còn ông Hoàng Mai Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp sản xuất thương mại và điện cơ SDC, khẳng định trong quá trình sản xuất, chủ đầu tư không thẩm định thiết kế, giám sát thi công.
Việc nhà sản xuất nói họ không nộp hồ sơ thiết kế và bản vẽ chi tiết mà vẫn trúng thầu thì có dấu hiệu vi phạm Điều 12 Nghị định 63 năm 2014 của Chính phủ
Luật sư Dương Văn Phúc
Luật sư Mai Quốc Việt (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho biết tất cả dự án, công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách, vốn vay, vốn tài trợ... phải tuân thủ Luật Xây dựng 2014, Luật Đấu thầu 2013, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007 và được quản lý thực hiện theo Nghị định số 46 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo vệ công trình xây dựng.
Trong việc mua sắm cột điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung và Điện lực Thừa Thiên - Huế chịu trách nhiệm chính, từ khâu lựa chọn nhà sản xuất, thẩm định hồ sơ thiết kế đến quá trình đấu thầu công khai theo quy định.
Viện dẫn Điều 38, Luật Đấu thầu năm 2013, luật sư Dương Văn Phúc (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết thêm chủ đầu tư phải rà soát, xác định nhà thầu có đáp ứng, phù hợp với các điều kiện dự thầu.
Trong các điều kiện dự thầu, hồ sơ thiết kế, bản vẽ chi tiết về sản phẩm là điều kiện rất quan trọng để đánh giá nhà sản xuất có đáp ứng yêu cầu mà chủ đầu tư đưa ra.
"Việc nhà sản xuất nói họ không nộp hồ sơ thiết kế và bản vẽ mà vẫn trúng thầu thì có dấu hiệu vi phạm Điều 12 Nghị định 63 năm 2014 của Chính phủ", luật sư Phúc nhận định.
Phân tích sâu hơn, chuyên gia pháp lý này cho rằng căn cứ vào từng gói thầu cụ thể, khi lập hồ sơ mời thầu phải cụ thể hóa các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật.
Tiêu chí gồm có đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ, khả năng thích ứng địa lý, môi trường, khí hậu...
"Nếu hồ sơ không thể hiện các nội dung về thiết kế, kỹ thuật thì nhà sản xuất đó không đủ điều kiện dự thầu", luật sư Việt nói và cho rằng quy định rất chặt chẽ nhưng Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế và những đơn vị liên quan có nghiêm túc chấp hành hay không thì cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Cần sớm thanh tra toàn diện
Ông Dương Kim Ái, Giám đốc Công ty cổ phần kiểm định kỹ thuật an toàn và tư vấn xây dựng tại Đà Nẵng (Incosaf thuộc Bộ Xây dựng), nhận định cột điện bị gãy liên quan đến nhiều yếu tố như thiết kế, chất lượng sản phẩm, thi công...
Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự trong việc đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị khởi tố theo Điều 224 BLHS
Luật sư Võ Công Hạnh
Nếu nhà sản xuất đã làm đúng theo TCVN mà cột vẫn gãy thì phải xem lại bản vẽ thiết kế trụ điện. Trong xây dựng phải có đơn vị thẩm tra, phê duyệt thiết kế.
"Sau khi thẩm định, đơn vị trúng thầu sẽ sản xuất cột điện. Quá trình này phải được chủ đầu tư giám sát chặt chẽ", ông Ái cho hay.
Luật sư Việt cho biết tại các Điều 73, 74, 87 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, thi công.
Khi thực hiện việc giám sát, đơn vị liên quan phải trung thực, khách quan và bảo mật thông tin cho doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo nguyên tắc không can thiệp, gây phiền hà cho nhà sản xuất.
"Hoạt động giám sát phải mang tính thường xuyên, nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu đúng quy định của pháp luật", luật sư Việt phân tích.
Nhắc lại vụ hàng trăm cột điện bị gãy, hai chuyên gia pháp lý đều cho rằng để làm rõ nguyên nhân thì Bộ Công Thương (đơn vị phụ trách EVN) phải sớm thành lập tổ công tác, thanh tra toàn diện việc đấu thầu, sản xuất, thi công trụ điện.
Cơ quan thanh tra sẽ làm rõ nguyên nhân vì sao bão chưa lớn mà cột điện bị gãy hàng loạt. Lực lượng chức năng sẽ xác định được các đơn vị sản xuất có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật để sản xuất cột điện theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5847:2016. Việc đấu thầu lựa chọn nhà sản xuất, thi công có đảm bảo đúng quy định pháp luật?
Đồng quan điểm, luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn Luật sư Thừa Thiên - Huế) cho rằng cơ quan chức năng cần giám định nguyên nhân xảy ra sự cố và sớm đưa ra kết luận, xử lý các sai phạm (nếu có) đối với tổ chức, cá nhân liên quan.
"Quan điểm của tôi là ưu tiên giải quyết sự cố công trình xây dựng theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015 của Chính phủ. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự trong việc đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị khởi tố theo Điều 224 Bộ luật Hình sự", luật sư Hạnh nói.
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Trung, 616 cột điện gãy, đổ và nghiêng khi bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Riêng tại Thừa Thiên - Huế, 272 cột điện bị gãy.