'AI cho cộng đồng': Cơ hội học trí tuệ nhân tạo miễn phí
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Chương trình 'AI cho cộng đồng' tại thời điểm này là rất cần thiết, đáp ứng ngay nhu cầu thực tiễn.
Sáng 2/4, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC - Bộ Tài chính) phối hợp Tập đoàn Intel ra mắt Chương trình “Trí tuệ nhân tạo (AI) cho cộng đồng” (AI for all).
Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc; ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; bà Sarah Kemp, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ quốc tế toàn cầu, Tập đoàn Intel; đại diện các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và sinh viên quan tâm đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo…

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Thanh Tuấn
Hiện thực hóa Nghị quyết 57
Chương trình được triển khai nhằm góp phần phổ cập, truyền tải kiến thức và nâng cao nhận thức về trí tuệ nhân tạo theo chủ trương Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào "Bình dân học vụ số” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động vào ngày 26/3/2025 vừa qua.
Theo NIC, sáng kiến “Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng” là một chương trình tự học trên phạm vi toàn quốc dành cho mọi công dân Việt Nam, từ học sinh - sinh viên, nhân viên văn phòng, các bậc phụ huynh, cho đến người lớn tuổi để mỗi cá nhân có thể thích ứng với một thế giới mà AI ngày càng phổ biến, cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết cho việc phát triển lực lượng lao động và xã hội.
Được phát triển bởi Tập đoàn Intel, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và sự đồng hành của các đối tác như: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông (PTIT), chương trình “Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng” được chia thành hai mô-đun chính:
Nhận thức về AI (AI Aware), giới thiệu về các nguyên tắc cơ bản, ứng dụng thực tiễn và những hiểu lầm phổ biến về AI.
Hiểu biết về AI (AI Appreciate), khám phá sâu hơn về đạo đức AI, cách sử dụng AI có trách nhiệm và tác động của nó trong nhiều lĩnh vực.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: Thanh Tuấn
Nâng cao kỹ năng ứng dụng AI
Với mục tiêu mang đến sự cuốn hút và tính tương tác cao, chương trình “Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng” sẽ cấp huy hiệu kỹ thuật số cho những người dùng hoàn thành khóa học có thời lượng 4 tiếng. Khóa học đóng vai trò bệ phóng để thúc đẩy đào tạo AI và cung cấp tài liệu cho những người muốn nâng cao kiến thức về AI của bản thân.
Thông qua các khóa học trực tuyến dễ tiếp cận, chương trình không chỉ giúp người dân nắm bắt các kiến thức cơ bản về AI, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển các kỹ năng số.
Phát biểu tại Lễ công bố Chương trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: “Trong bối cảnh công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng, một yêu cầu đặc biệt quan trọng và cấp bách hiện nay là cần nhanh chóng phổ cập những tri thức căn bản về trí tuệ nhân tạo đến với toàn dân một cách dễ hiểu nhất, theo chuẩn mực quốc tế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc triển khai Chương trình “Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng” tại thời điểm này là rất cần thiết, đáp ứng ngay nhu cầu thực tiễn và cấp bách về việc học tập, phổ cập kiến thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo của các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Bà Sarah Kemp, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ quốc tế toàn cầu, Tập đoàn Intel. Ảnh: Thanh Tuấn
Trong khi đó, bà Sarah Kemp, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ quốc tế toàn cầu, Tập đoàn Intel chia sẻ: “AI đang định hình lại cách chúng ta làm việc, sống và sáng tạo. Với chương trình ‘AI cho cộng đồng’, chúng tôi vô cùng tự hào khi được đồng hành cùng Việt Nam nhằm mục tiêu thúc đẩy việc ứng dụng AI, đồng thời đáp ứng sự ưu tiên của Chính phủ trong việc trang bị cho người dân những năng lực phù hợp để phát triển trong kỷ nguyên AI.
Theo bà Sarah Kemp, thông qua việc tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với các kiến thức về AI, chúng tôi không chỉ chuẩn bị hành trang cho mỗi cá nhân bước vào thị trường lao động tương lai, mà còn vun đắp một môi trường học tập và đổi mới không ngừng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.