Ai chủ mưu đường dây buôn lậu xăng trị giá 2.800 tỷ đồng?
Trong 3 người bị cáo buộc cầm đầu, Phạm Hùng Cường đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra phát lệnh truy nã, khi bắt được sẽ xử lý sau.
Trong kết luận điều tra vụ buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng trị giá gần 2.800 tỷ đồng, Công an tỉnh Đồng Nai xác định 3 bị can giữ vai trò cầm đầu. 71 người còn lại là đồng phạm, giúp sức thực hành tội phạm và nhận hối lộ.
Các bị can được cho là chủ mưu vụ án gồm: Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty Đại Dương Hải Phòng) và Phạm Hùng Cường (trú TP Hải Phòng). Trong đó, bị can Cường đang bỏ trốn nên bị truy nã.
Theo kết luận điều tra, sau khi sử dụng 4 tàu thủy Nhật Minh để chở xăng lậu từ Singapore về Việt Nam, các bị can Hữu, Viễn, Cường cùng 2 người khác góp 53,4 tỷ đồng để mua xăng. Viễn là người đưa số điện thoại của chủ hàng ở Singapore cho Hữu liên lạc để mua xăng.
Sau đó, Viễn điều 2 tàu biển chuyên dụng Pacific Ocean và Western Sea (trọng tải 3.000 tấn và 5.000 tấn) để chở hàng lậu từ nước ngoài về vùng biển Việt Nam. Các tàu này neo đậu tại vùng biển tự do, đi giao và nhận hàng theo sự chỉ đạo của Viễn và Cường. Sau khi tiếp nhận xăng lậu, các tàu chở hàng về giao cho 4 tàu Nhật Minh để phân phối, tiêu thụ.
Nhà chức trách xác định Hữu và Viễn quen nhau khi cùng công tác tại Công ty Thủy sản Việt Nam. Trong đó, bị can Viễn chuyên mua bán, vận chuyển xăng dầu và có mối quan hệ với một số cá nhân trong quân đội.
Bên cạnh đó, Viễn còn quen biết Cường và cựu đại tá Phùng Danh Thoại (Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển).
Tháng 9/2019, Hữu tiếp nhận 4 tàu thủy Nhật Minh (trọng tải từ 1.600 đến 1.900 tấn) rồi thuê Công ty Hải Minh Nhật (do Đinh Văn Đoàn làm giám đốc) đứng tên sở hữu các tàu này nhằm che giấu thân phận của Hữu.
Nhóm bị can cầm đầu thỏa thuận trả cho chủ tàu Pacific Ocean 1,6 tỷ đồng mỗi chuyến chở xăng từ Singapore về vùng biển tự do. Chủ tàu Western Sea được trả 2,6 tỷ đồng mỗi chuyến. Còn chủ các tàu Nhật Minh được trả từ 1 tỷ đến 1,8 tỷ đồng cho mỗi lần đưa xăng vào Việt Nam, tập kết ở kho Nam Phong, huyện Bến Lức, Long An.
Kết quả điều tra xác định sau khi tuồn xăng về Việt Nam, Hữu và Viễn mang xăng đi tiêu thụ trong nước và chở xăng sang Campuchia để bán.
Số tiền thu được từ bán xăng lậu, sau khi trừ các chi phí và đưa hối lộ, Hữu hưởng 105 tỷ đồng, Viễn hưởng 45,3 tỷ đồng.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm của Hữu vận chuyển 48 chuyến hàng với tổng cộng hơn 204 triệu lít xăng RON 95 lậu (trị giá gần 2.800 tỷ đồng). Trong đó, hơn 196 triệu lít xăng đã được tiêu thụ.
Ngoài các hành vi trên, nhà chức trách còn xác định Hữu cùng Nguyễn Hữu Tứ (quê Vĩnh Long) nhiều lần đưa tổng số tiền hơn 830 triệu đồng cho bị can Ngô Văn Thụy (cựu Đội trưởng Đội 3 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) để xin không xử lý các tàu Nhật Minh chở xăng lậu.
Đối với Cường, kết luận điều tra cho thấy bị can có nhiệm vụ liên hệ đầu mối mua xăng ở Singapore để cho các tàu đến nhận. Giữa năm 2020, Cường còn góp vốn để mua thêm 2 tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 tham gia vận chuyển xăng lậu.
Tuy nhiên, bị can đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra chưa nêu số tiền Cường hưởng lợi. Ngày 19/8/2021, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định truy nã Cường, khi bắt được sẽ xử lý sau.