Ai có khả năng miễn dịch với virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19?

Một trong số nhiều vấn đề không chắc chắn và vẫn còn tồn tại đến giờ phút này về bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là cách hệ thống miễn dịch của con người phản ứng thế nào với 'cuộc tấn công ồ ạt' của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và điều đó có ý nghĩa gì đối với việc ngăn chặn sự lây lan khủng khiếp của dịch bệnh nguy hiểm này.

khả năng miễn dịch của con người với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vẫn chỉ là những dữ liệu ít ỏi?. (Nguồn: AP)

Hệ miễn dịch gồm nhiều cấu trúc và quá trình sinh học, là hệ thống “phòng thủ” tự nhiên của cơ thể, chống lại bệnh tật. Bình thường, hệ miễn dịch có thể phát hiện “kẻ xâm lược” là các mầm bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… mang đến và triển khai các cơ chế sinh học bảo vệ cơ thể. Một số miễn dịch sau khi bị nhiễm trùng có thể tồn tại suốt đời, một số khác chỉ tồn tại trong một giai đoạn.

Tuy nhiên, cho đến nay, khả năng miễn dịch của con người với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vẫn chỉ là những dữ liệu ít ỏi.

Vẫn chỉ là quan sát và thử nghiệm

Những tình huống như thế này luôn đặt các nhà khoa học, cũng như các nhà hoạch định chính sách về y tế vào thế khó. Cách tiếp cận tốt nhất được lựa chọn vẫn là xây dựng một mô hình khái niệm - một tập hợp các giả định về khả năng miễn dịch của con người có thể kích hoạt dựa trên các kiến thức hiện có, đồng thời tiếp tục quan sát và thử nghiệm.

Kịch bản lý tưởng là khi một người bị nhiễm bệnh có thể nhận được sự bảo vệ suốt đời của hệ miễn dịch. Trên thực tế, cơ thể con người đã có được khả năng này đối với một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn, bệnh sởi. Bác sĩ người Đan Mạch Peter Panum phát hiện ra khả năng miễn dịch suốt đời của con người đối với bệnh sởi khi ông đến thăm một ổ dịch tại Quần đảo Faroe (giữa Scotland và Iceland) vào năm 1846. Khi đó, ông đã nhận thấy những cư dân trên 65 tuổi sống sót qua đợt bùng phát dịch trước đó (năm 1781) không tiếp tục nhiễm bệnh. Quan sát nổi bật này đã giúp giới y học mở ra các nghiên cứu mới trong các lĩnh vực miễn dịch học và dịch tễ học.

Một ví dụ khác về một vấn đề phức tạp hơn, đó là khả năng miễn dịch với các chủng virus corona. Corona là một họ virus lớn, được tìm thấy ở nhiều loài động vật khác nhau từ lạc đà, mèo, dơi... Chúng đã có những "cú nhảy thành công" từ vật chủ sang người. Và Covid-19 là dịch do virus corona chủng mới lớn thứ ba ảnh hưởng đến con người trong thời gian gần đây, sau khi dịch SARS bùng phát năm 2002 và dịch MERS bắt đầu vào năm 2012.

Tuy nhiên, phần lớn sự hiểu biết của con người về khả năng miễn dịch đối với virus corona không phải từ SARS hay MERS - với số lượng nhỏ người bị lây nhiễm, mà từ các virus corona tấn công đường hô hấp vẫn đang lan truyền hằng ngày trong cuộc sống con người gây bệnh, từ cảm lạnh thông thường đến viêm phổi. Trong các nghiên cứu riêng biệt, các nhà khoa học đã cho thấy, con người có khả năng miễn dịch lâu dài đối với một số chủng virus corona nhất định đã gặp trong quá khứ, nhưng không có sự miễn dịch vĩnh viễn hoặc bền vững vì virus corona thường có biến chủng rất lớn theo thời gian.

Tất nhiên, sau “thử thách” ban đầu, phản ứng của mỗi người sau khi bị virus corona tấn công ở lần sau khác nhau, một số người có biểu hiện các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, một số người lại có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Hiện chưa có thử nghiệm nào trên con người nghiên cứu khả năng miễn dịch với SARS và MERS. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác, các phép đo kháng thể trong máu của những người sống sót sau khi bị nhiễm 2 bệnh trên cho thấy, “khả năng phòng vệ” của con người chỉ tồn tại trong một thời gian, 2 năm đối với SARS và gần 3 năm đối với MERS. Tuy nhiên, khả năng trung hòa của các kháng thể này - thước đo mức độ chúng ức chế sự nhân lên của virus - đã giảm dần trong thời gian nghiên cứu.

Những nghiên cứu này tạo cơ sở cho một phỏng đoán về những gì có thể xảy ra với bệnh nhân mắc Covid-19. Sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2, hầu hết các bệnh nhân sẽ có phản ứng miễn dịch, nhưng một số trường hợp sẽ tốt hơn những người khác. Phản ứng đó được giả định, sẽ cung cấp sự bảo vệ cho cơ thể con người trong trung hạn - ít nhất là 1 năm - và sau đó hiệu quả của nó có thể suy giảm. Một bằng chứng khác có điểm khá tương đồng với mô hình này là kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Erasmus, Hà Lan về kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Miễn dịch và tái nhiễm?

Nếu đúng như vậy, nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tạo ra khả năng miễn dịch ở hầu hết, hoặc tất cả các cá nhân với thời gian bảo vệ kéo dài 1 năm hoặc hơn, thì việc số người lây nhiễm bệnh ngày càng tăng trong bất kỳ cộng đồng nào sẽ dẫn đến sự tích tụ của cái gọi là miễn dịch bầy đàn hay miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, trong khi vấn đề miễn dịch cộng đồng còn gây nhiều tranh cãi, bởi những hệ lụy mà một cộng đồng đó có thể sẽ phải đối mặt, vấn đề tái nhiễm đối với SARS-CoV-2 đã lại nổi lên.

Ai có khả năng miễn dịch với virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19?. (Nguồn: CNN)

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) gần đây phát hiện 91 bệnh nhân được chữa khỏi Covid-19 đã dương tính trở lại với SARS-CoV-2. Nếu một số trong những trường hợp này thực sự tái nhiễm, thì hoàn toàn có thể nghi ngờ về khả năng miễn dịch của con người đối với virus này.

Tuy nhiên, cũng có một khả năng khác được nhiều nhà khoa học tin tưởng đó là nguyên nhân virus hoạt động trở lại chứ không phải bệnh nhân bị tái nhiễm. Những bệnh nhân này đã có xét nghiệm âm tính giả trong giai đoạn nhiễm trùng, hoặc nhiễm trùng tạm thời lắng xuống và sau đó xuất hiện trở lại.

Hồi tháng 3, các bác sĩ ở Vũ Hán, Trung Quốc cũng cho biết khoảng 10% bệnh nhân Covid-19 tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi hồi phục. Những bệnh nhân này không có triệu chứng và những người tiếp xúc gần với họ cũng không bị nhiễm. Khoảng 80-90% những người hồi phục này không còn SARS-CoV-2 trong cơ thể 1 tháng sau khi xuất viện. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết, mẫu khảo sát của nghiên cứu này là rất nhỏ và có thể cho kết quả chênh lệch. KCDC hiện đang tiến hành kiểm tra tất cả các khả năng trên.

Trong lúc đó, một nghiên cứu gần đây lại cho thấy, không phải mọi trường hợp nhiễm bệnh đều có thể “đóng góp” vào khả năng miễn dịch của cộng động. Trong số 175 bệnh nhân Trung Quốc có triệu chứng Covid-19 nhẹ, 70% đã phát triển các phản ứng kháng thể mạnh, nhưng đã có khoảng 25% phát triển khả năng đáp ứng thấp và khoảng 5% không có phản ứng nào. Số liệu này cho thấy, tầm quan trọng của việc nghiên cứu các phản ứng miễn dịch của những người bị nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng để xác định liệu người đó có khả năng miễn dịch thật hay không.

Tất cả những nghi ngờ này đến nay vẫn còn là những câu hỏi chưa có lời giải, cần tiếp tục được nghiên cứu trên những mẫu lớn. Và chúng ta vẫn phải… tiếp tục chờ đợi tin vui từ các nhà nghiên cứu.

Dù biết rằng, nhiều câu hỏi vẫn đang thách thức con người, để các nghiên cứu dịch tễ học có thể tìm ra tất cả những câu trả lời là không dễ dàng. Tuy nhiên, việc chạy đua với thời gian là vô cùng quan trọng, nó không chỉ ước tính được khả năng miễn dịch của cộng đồng, mà còn xác định được chính xác những bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh thật sự, có thể tái gia nhập xã hội một cách an toàn, không bị tái nhiễm bệnh hoặc lây lan virus cho người khác.

Minh Châu

(theo SCMP, Nytimes)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ai-co-kha-nang-mien-dich-voi-virus-corona-chung-moi-gay-benh-covid-19-113664.html