Ai còn nhớ pano rạp chiếu bóng?
Nha Trang bây giờ có nhiều cụm rạp phim hiện đại. Mỗi lần đến rạp phim, nhìn những tấm áp phích giới thiệu phim, tôi bất chợt nhớ đến những tấm pano ở rạp chiếu bóng xưa. Mới đây, họa sĩ Lê Vũ cũng đưa lên Facebook những dòng đầy luyến nhớ về nghề vẽ pano rạp chiếu bóng.
Một thời đã xa
Theo họa sĩ Trần Hòa Ân (sinh năm 1937, người làm nghề vẽ quảng cáo phim lâu năm nhất ở Nha Trang), rạp phim đầu tiên ở Nha Trang có sử dụng họa sĩ vẽ quảng cáo phim là rạp Tân Tân. “Năm 1953, ông Tôn Thất Đệ mua lại rạp Abraham do người Pháp xây dựng từ những năm cuối thập niên 30 và đổi lại tên rạp là Tân Tân. Để hút khách, ông chủ đã thuê một thợ vẽ người Sài Gòn ra làm quảng cáo cho rạp phim. Tuy nhiên, đến năm 1956, không biết vì lý do gì ông thợ vẽ bỏ Nha Trang vào lại Sài Gòn. Từ vị trí phụ vẽ, tôi được đưa lên làm thợ chính vì ông chủ không kiếm ra người làm”, ông Ân kể. Sau rạp Tân Tân, đến lượt rạp Minh Châu có thợ vẽ quảng cáo. Ông chủ rạp này đã mời ông Chín (thường gọi là Chín “Minh Châu”), một thợ vẽ của đoàn cải lương về vẽ quảng cáo phim cho rạp của mình.
Đến cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, với sự ra đời của nhiều rạp phim mới, những người làm nghề vẽ quảng cáo phim ở Nha Trang khá đông. Họ làm nghề, ăn lương tháng như một thành phần của rạp phim với thu nhập khá ổn định. Ngoài hai họa sĩ Trần Hòa Ân và Chín “Minh Châu”, lúc này làng vẽ pano còn có thêm họa sĩ Phạm Mậu vẽ cho rạp Tân Tiến, Lê Tình vẽ cho rạp Hưng Đạo, Nguyễn Hữu Long (Long Tôm Càng) vẽ cho rạp Tân Thanh và Lê Vũ vẽ cho rạp Nha Trang Ciné… Pano kích thước trung bình 2m x 16m gồm nhiều khung vải ghép nối vẽ bằng bột màu, cứ một tuần là thay mới pano một lần. Chính vì vậy, những họa sĩ phải biết chọn những cảnh ấn tượng để đưa lên bảng pano quảng cáo, phải biết sắp xếp các cảnh sao cho hấp dẫn, nhìn vào tấm pano giới thiệu phim người xem phải thấy diễn viên như đang cử động... Chưa kể những phim hay được các họa sĩ vẽ diễn viên chính trên bìa các-tông cắt ghép với sườn gỗ sau lưng, dựng to cao trước rạp để thu hút sự chú ý của khán giả. “Những bức vẽ quảng cáo phim thời trước có “ma lực” dữ lắm!. Nó lôi kéo người xem vào rạp… Chính vì vậy, các ông chủ rạp không tiếc tiền nuôi họa sĩ”, họa sĩ Lê Vũ cho biết.
Những kỷ niệm về nghề
Trong làng vẽ quảng cáo phim ở Nha Trang, 2 họa sĩ Trần Hòa Ân và Chín “Minh Châu” được người trong nghề xếp vào lớp đàn anh, có ảnh hưởng đến lối vẽ của thế hệ sau. Ông Ân có lối vẽ hiện đại, mạnh về bố cục và ý tưởng, trong khi ông Chín “Minh Châu” lại có kiểu vẽ mang hơi truyền thống (tả thực) bởi ảnh hưởng của lối vẽ cải lương.
Nhiều người lớn tuổi ở Nha Trang vẫn nhớ, có lần nhân dịp Tết năm Ngọ, ông Chín “Minh Châu” vẽ một con ngựa thật to chồm ngang phía trước rạp Minh Châu như một kiểu chào năm mới. Đến phim cao bồi, người họa sĩ tài hoa ấy vẽ thêm người cao bồi tay cầm súng ngồi trên ngựa rất ấn tượng. Đến cảnh khác lại dựa theo đó mà thay đổi. Khi chiếu phim về lực sĩ Hercules, ông lại vẽ hình Hercules cơ bắp cuồn cuộn tay cầm 2 xích sắt đặt ngay cổng rạp, người đi qua đi lại vẫn đi giữa 2 chân của chàng lực sĩ. Họa sĩ Trần Hòa Ân cũng để lại rất nhiều ấn tượng với pano quảng cáo phim The Longest day (Ngày dài nhất) - cuốn phim kể về trận đổ bộ Normandie (Pháp) của quân đồng minh trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. “Cả tấm pano lớn tôi vẽ một bãi biển, lệch về bên trái là một khẩu súng cắm trên cát, phía trên nòng súng chụp cái mũ sắt. Thay vì giới thiệu tên diễn viên như thường lệ, phía trên tôi vẽ từng khuôn mặt diễn viên trong những ô nhỏ liên tiếp nhau như cuộn phim kéo ngang qua màn ảnh…”, họa sĩ Trần Hòa Ân nhớ lại.
Nhắc đến nghề vẽ pano rạp chiếu bóng, họa sĩ Lê Vũ nhớ mãi lần được ông chủ người Ấn Độ lấy xe hơi riêng chở đi Phan Rang vẽ pano quảng cáo phim cho rạp Ninh Thuận vừa mới khai trương. Rồi những lần ông nhận “lệnh” lãnh đạo ngành chiếu bóng Phú Khánh, xách cọ ra Tuy Hòa vẽ phim Tết cho 2 rạp Hưng Đạo và Đại Nam, mỗi rạp 4 phim rồi “ôm tiền về Nha Trang tiêu Tết”!. Thời thế đổi thay, đến những năm 90 của thế kỷ trước, các rạp chiếu phim hoạt động ngày càng khó khăn nên những người làm nghề vẽ quảng cáo phim đã chuyển nghề…
Vài năm trở lại đây, điện ảnh đã hưng thịnh trở lại, nhưng các rạp phim đã “đoạn tuyệt” với việc vẽ pano giới thiệu phim từ nhiều năm trước, thay vào đó là các poster phim được in khổ lớn. Mỗi lần đến rạp phim hiện đại, tôi lại nhớ các tấm pano đơn giản nhưng đầy cảm xúc ngày xưa. “Thời gian đã xóa dần những nét huy hoàng của các rạp chiếu bóng cũ, những người cầm cọ vẽ pano quảng cáo phim đã mất dần theo năm tháng. Còn chăng, chỉ vài cụ già như anh Trần Hòa Ân, Lê Tình và tôi, đang chờ tẩy xóa như những tấm pano cũ muôn màu của thời xa xưa đã từng một thời vang bóng”, họa sĩ Lê Vũ ngậm ngùi!.
THÀNH NGUYỄN
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201906/ai-con-nho-pano-rap-chieu-bong-8119927/