Ai cũng vậy thế thì sao

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato là một nhà phê bình nhiệt thành đối với ngụy biện. Ông đã kịch liệt đưa ra quan điểm rằng các lập luận phải nhắm vào sự thật, với tác phẩm nổi tiếng nhất là đối thoại Gorgias, trong đó Socrates và Callicles tranh luận về cái thiện và cái ác của con người. Bên trong từng câu từ và luận điểm của hai triết gia này tồn tại một loại ngụy biện mà cho tới ngày nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Bẻ cong tư duy

Benjamin Curtis chiếu một trích đoạn đối thoại giữa Socrates và Callicles lên màn hình, rồi đặt câu hỏi với sinh viên: điều gì khiến các em cảm thấy không thoải mái khi lắng nghe hai người trò chuyện? Socrates mở đầu bằng lời trách móc Callicles “có lẽ đã phá vỡ lời hứa ban đầu, rằng nếu những gì anh nói mâu thuẫn với suy nghĩ của chính anh thì anh không xứng làm bạn đồng hành với tôi trên con đường kiếm tìm sự thật”. Không một lời đồng tình, Callicles trách móc Socrates “anh cũng vậy, chẳng phải lúc nào cũng nói sự thật, thế thì có khác gì tôi...”.

Cựu Tổng thống Donald Trump thường “bẻ cong” chú ý với lối tư duy “thế thì sao” chỉ bằng một dòng vắn tắt vài chục từ trên Twitter.

Cựu Tổng thống Donald Trump thường “bẻ cong” chú ý với lối tư duy “thế thì sao” chỉ bằng một dòng vắn tắt vài chục từ trên Twitter.

Thực ra, phản biện kiểu này xuất hiện cực kỳ phổ biến trong đời sống hàng ngày. Như chuyện cặp vợ chồng cãi vã, hỏi nhau “anh nói dối em về chuyện đêm qua không về nhà”, buộc anh chồng, thay vì đưa ra lý do giải thích, đáp lại không cần suy nghĩ “em cũng vậy, chẳng lẽ chưa từng dối anh điều gì sao?”. Một sinh viên ngạc nhiên, kể lại cuộc tranh cãi với cô em gái về chuyện dọn phòng mỗi khi bị chỉ trích không quan tâm đến cuộc sống bản thân, đến mức chính anh cũng đuối lý kiểu “phòng em còn tệ hơn đấy, tự ngẫm lại mình trước khi nói người khác”.

Trong tư duy của giới tâm lý học, Benjamin Curtis gọi đây là lối phản biện Ai cũng vậy, hay chiến thuật Whataboutery (gọi tắt là W), nhắm tới thiếu sót, khuyết điểm của người cùng tranh luận để phủ định ý kiến hoặc lý luận của người đó. Khi người A nói rằng gian lận như anh B là sai, thay vì thừa nhận, người B sẽ công kích lại kiểu làm như anh A chưa từng gian lận bao giờ, rằng bất cứ ai cũng đã từng quay cóp hồi đi học nên chẳng thể trách ai được.

Điều buồn cười là, việc chúng ta mắc sai lầm trong quá khứ, có làm được gì hay không làm được gì, đều không liên quan đến tính logic đang tranh luận ở hiện tại. Cách nói của B vô hình chung trở thành mũi tên công kích cá nhân, làm chệch hướng tư duy cho luận điểm ban đầu của A, thể hiện tư duy phản đối kiểu “cùn”, cuối cùng chẳng giải quyết triệt để vấn đề mà khiến tranh luận kéo dài mãi.

Chiến thuật W xảy ra trên mạng xã hội, trong chính trị và cả trong xung đột quốc tế. Chuyện Boris Johnson chẳng hạn, khi cựu Thủ tướng Anh hứng chịu làn sóng chỉ trích từ lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer sau vụ bê bối tiệc tùng Partygate, hay liên tục sử dụng mưu mẹo để cố tình che giấu sự thật, trốn tránh các cuộc điều tra. Trước cáo buộc về hành vi sai trái, Johnson đã tìm cách làm chệch hướng chú ý truyền thông bằng cách tự mình cáo buộc Starmer không truy tố hiệp sĩ nước Anh - Jimmy Savile - về tội lợi dụng, cưỡng bức và bạo hành thời còn giữ chức giám đốc cơ quan công tố, mà không đưa ra được bất cứ chứng cứ xác đáng nào.

Ai cũng muốn nhắm tới khuyết điểm của người cùng tranh luận để phủ định ý kiến hoặc lý luận của người đó

Ai cũng muốn nhắm tới khuyết điểm của người cùng tranh luận để phủ định ý kiến hoặc lý luận của người đó

Giới truyền thông tin rằng, Boris Johnson cũng đang chỉ áp dụng “chiến thuật né tránh” ưa thích của cựu Tổng thống Donald Trump. Khi bị chỉ trích, ông Trump thường “bẻ cong” chú ý với lối tư duy mà nhiều cây viết miêu tả bằng ba chữ thế thì sao. Twitter là phương tiện thích hợp để dùng chiến thuật W, chỉ bằng một dòng vắn tắt vài chục từ nêu vấn đề, không giải thích và không tranh cãi, dẫn tới chuyển sự chú ý qua một hướng khác. Nhiều quan điểm cho rằng, Donald Trump khá lanh trí, đã nhiều lần dùng chiến thuật W trong các cuộc tranh luận hay vận động tranh cử, rồi tiếp tục thế thì sao sau khi trở thành tổng thống Mỹ.

Đơn cử như chuyện ông Trump từng bênh vực chương trình y tế mới của đảng Cộng hòa, không tranh luận về bất cứ số liệu nào do Văn phòng ngân sách quốc hội công bố, mà chuyển mũi tấn công về Obamacare qua một dòng tin trên Twitter với chữ WRONG (sai lầm) in hoa nổi bật. Theo đó, Obamacare chẳng đem lại hiệu quả, bởi lẽ chính quyền cũ phải tiêu tốn hàng chục triệu USD tiền của dân đóng thuế để quảng cáo rùm beng vô ích. Rõ ràng, Donald Trump định hướng dư luận rằng chương trình mới vẫn có những khiếm khuyết nhưng chưa phải tệ, còn Obamacare thực chất mới tệ nhất, là một thảm họa của y tế Mỹ.

Tự ái hay tự vấn

Sự phát triển của mạng xã hội cùng sự phân cực chính trị ngày càng gia tăng khiến “Ai cũng vậy” trở nên rõ nét hơn. Trong một lá thư gửi cho Thời báo Irish xuất bản ngày 30-1-1974, độc giả Sean OConaill phàn nàn về việc sử dụng chiến thuật của những người bảo vệ quân đội cộng hòa Ireland dưới mật danh Whataboutery. Bốn năm sau, thuật ngữ Whataboutery tái xuất trong một lá thư gửi cho tờ Guardian bởi Lionel Bloch - người miêu tả giới chính khách bấy giờ cực kỳ thông thạo tư duy thao túng tâm lý, khẳng định mọi thứ dù hoàn hảo đến đâu, đều sẽ có lỗi lầm để bắt bẻ.

Ít ai biết rằng, chiến thuật W kiểu này không phải sản phẩm của hiện đại, mà do một nhóm những triết gia và nhà văn Hy Lạp cổ đại sáng tạo nên từ cách đây hơn 2.500 năm. Cho đến năm 2008, ký giả Edward Lucas của tờ The Economist là người đầu tiên đã mô tả đầy đủ bản chất của chiến thuật này. W không chỉ là kỹ thuật hùng biện mà là thủ đoạn chính trị rất hiệu quả, được thúc đẩy bởi thành kiến đảng phái. Khi đối đầu với một đối thủ có quan điểm chính trị khác, một chính khách có nhiều khả năng coi những gì họ nói như một lời công kích cần phản bác thay vì một điểm cần tranh luận.

Whataboutery sẽ khiến chúng ta lún sâu vào tư tưởng công kích cá nhân, hạ bệ đối tượng tranh luận bằng ngôn từ.

Whataboutery sẽ khiến chúng ta lún sâu vào tư tưởng công kích cá nhân, hạ bệ đối tượng tranh luận bằng ngôn từ.

Theo triết học, tranh luận là một cuộc đối thoại giàu lý lẽ thấu tình đạt lý, hướng đến chân tướng sự thật. Nhưng trong nhiều ngữ cảnh, chúng ta thường không xem các lập luận theo cách này. Chúng ta coi tranh luận tựa cuộc chiến, mà ở đó mọi phát ngôn giống như vũ khí giúp chúng ta hạ gục đối phương. Chúng ta hơn thua, phải thắng, ghi càng nhiều bàn càng tốt trong khi giữ sạch lưới nhà. Bằng cách tung ra một đòn phản công, chúng ta đặt đối thủ của mình vào thế bị động. Nhìn theo lối tư duy này, W là một chiến thuật hiệu quả, coi tấn công như hình thức phòng vệ tốt nhất.

Các nhà tâm lý học tin rằng W có thể là một chiến thuật phù hợp trong một số trường hợp nhất định như chỉ ra thực tế người cáo buộc mắc lỗi ba phải. Trái lại, trong quan điểm của Benjamin Curtis, W chẳng khác nào một loại ngụy biện, cố tình không tuân thủ các quy tắc logic tư duy logic trong tranh luận thông qua dẫn dắt ý tưởng bất hợp lý. Lý do anh đưa ra rất đơn giản: W cố ý đánh lạc hướng người nghe, người đọc, làm cho họ nhầm tưởng cái sai là đúng và cái đúng là sai. Ai cũng vậy, thay vì bàn đến tính logic, lại xoáy sâu vào sự thiếu sót của đối phương, từ đó phủ định quan điểm của họ.

Chiến thuật này là một phương cách đơn giản để gạt qua sự chỉ trích và chối bỏ việc làm sai trái cùng trách nhiệm. Nhiều ý kiến phỏng đoán, W sẽ khiến chúng ta lún sâu vào tư tưởng công kích cá nhân, hạ bệ đối tượng tranh luận bằng ngôn từ để làm giảm uy tín của họ. Kiểu ngụy biện tấn công cá nhân xuất hiện nhiều trong các cuộc tranh cãi trên mạng, những “anh hùng” núp sau bàn phím tha hồ gõ chữ mà chẳng sợ lộ mặt, với hàng tá quan điểm chụp mũ, suy diễn thiếu căn cứ. Rõ ràng, W, nếu bị lạm dụng, sẽ chỉ khiến mối quan hệ căng thẳng và xấu đi. Bởi lẽ, chúng ta đang không cùng nhìn về một vấn đề nhưng đang nhìn vào lẫn nhau, gây tổn thương để dần đánh mất mối quan hệ.

Giống như những nhà truyền giáo cổ đại, chúng ta ngày nay sử dụng mọi phương tiện để thuyết phục người khác. Trớ trêu thay, chúng ta không thể cùng lúc cổ xúy W hay tránh hoàn toàn tư duy Ai cũng vậy trong cuộc sống. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, người muốn phản biện thực sự muốn gì: quyết liệt bảo vệ quan điểm đến cùng bằng lập luận cá nhân sắc sảo, hay cố ý chê bai hạ thấp đối phương để dễ lấn lướt. Benjamin Curtis thừa nhận, mỗi khi đối diện với thế thì sao, chúng ta cần trả lời khôn khéo, đồng thời tự xem lại chính mình. Điều quan trọng là mạnh dạn thừa nhận điểm yếu, dám thay đổi nếu bản thân thực sự sai, bao dung với mọi người để cùng trở nên tốt đẹp. Đó là một cuộc chiến tâm lý giữa tự ái và tự vấn, giữa hoàn thiện bản thân và tránh các xung đột không cần thiết...

Việt Dũng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/ai-cung-vay-the-thi-sao-i668350/