Ai đã đặt tên cho Hồ sơ Pandora?
Được đặt tên dựa vào chiếc hộp trong thần thoại Hy Lạp, Hồ sơ Pandora đã tiết lộ những bí mật tài chính của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tỷ phú và những người nổi tiếng.
"Hồ sơ Pandora" là tên gọi chung của 11,9 triệu tập tài liệu rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính, được những khách hàng giàu có, quyền lực thuê để tạo lập các tài sản và quỹ tín thác ở những thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ hay quần đảo Cayman.
Sau khi được Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và hơn 150 hãng thông tấn, báo đài cùng công bố vào ngày 3/10, các thông tin từ Hồ sơ Pandora trở thành "quả bom tấn" khi tiết lộ các tài sản bí mật và thỏa thuận từ một số nhà lãnh đạo giàu có và quyền lực nhất thế giới.
Trước đó, ICIJ đã chia sẻ "Hồ sơ Pandora" cho các cơ quan báo chí đối tác, các tài liệu này sau đó được phân tích bởi hơn 600 nhà báo.
Hồ sơ Pandora có thể xem là chương mới nhất, và quy mô nhất trong một loạt vụ rò rỉ hàng loạt tài liệu tài chính được ICIJ thu được, từ Hồ sơ Panama (2016) - vụ việc đã khiến thủ tướng Iceland lúc bấy giờ là ông Sigmundur Davíð Gunnlaugsson từ chức - cho đến Hồ sơ Paradise (2017).
Theo ICIJ, cái tên “Pandora" được chọn một phần vì nó bắt đầu bằng chữ P, thể hiện mối liên kết vì được xây dựng dựa trên di sản của hồ sơ Panama và Paradise. Trên tất cả, nó gắn liền với câu chuyện thần thoại cổ xưa về Chiếc hộp Pandora đầy rắc rối.
Chiếc hộp Pandora
Trong thần thoại Hy Lạp, Pandora là một cô gái tò mò, người đã mở chiếc hộp quà tặng của thần Zeus. Hậu quả là tất cả cái ác trong hộp được giải phóng và xuất hiện lan tràn khắp thế giới. Về sau, cụm từ “Pandora” mang ý nghĩa chỉ những sự thật sẽ gây cho người biết đau khổ, hay nói cách khác đó là “mang tính sát thương cao”.
Theo ICIJ, cái tên Pandora có ý nhắc về huyền thoại này. Nó được mệnh danh là "Hồ sơ Pandora" vì những phát hiện đã làm sáng tỏ các giao dịch bị che giấu trước đây của giới thượng lưu, cũng như cách họ sử dụng các tài khoản nước ngoài để che giấu tài sản trị giá hàng nghìn tỷ USD.
"Hồ sơ Pandora" đã phơi bày những hoạt động ngoại biên của 35 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả tổng thống, thủ tướng và nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và cựu lãnh đạo, theo Guardian.
Hồ sơ cũng làm sáng tỏ nguồn tài chính bí mật của hơn 300 quan chức nhà nước khác như các bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng và tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 quốc gia.
Hơn 100 tỷ phú cũng có mặt trong dữ liệu bị rò rỉ, cùng một số nhân vật nổi tiếng thế giới như ngôi sao nhạc pop Shakira và cựu siêu sao bóng cricket Sachin Tendulkar của Ấn Độ.
Vén màn bí mật Pandora
Dữ liệu của Pandora tiết lộ hoạt động bên trong thế giới tài chính “bóng tối”, mang tới cơ hội hiếm hoi nhìn rõ các hoạt động bí mật của nền kinh tế ngoại biên toàn cầu, giúp nhiều người giàu nhất thế giới che giấu tài sản và trong một số trường hợp phải trả ít hoặc không phải đóng thuế, Guardian nhấn mạnh.
"Hồ sơ Pandora" bao gồm email riêng tư, bản ghi nhớ, hồ sơ doanh nghiệp, hợp đồng bí mật và các tài liệu khác giúp “mở khóa” xác định chủ sở hữu thực sự đằng sau các tài sản bị che giấu.
Hồ sơ đã tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty. Con số này cao hơn gấp đôi so với số lượng chủ sở hữu được tìm thấy cách đây 5 năm trong cuộc điều tra Hồ sơ Panama.
Bên cạnh đó, khác với hồ sơ Panama và Paradise chủ yếu chỉ đề cập đến các công ty ngoại biên (Offshore business entities), cuộc điều tra "Hồ sơ Pandora" đã cho thấy cách các công ty này hoạt động sau khi nhiều nước gây áp lực trước lo ngại gia tăng về rửa tiền, tài trợ khủng bố và trốn thuế.
ICIJ nhấn mạnh ở hầu hết quốc gia, việc có tài sản ở nước ngoài hoặc sở hữu các công ty ngoại biên để kinh doanh xuyên biên giới không phải bất hợp pháp.
Tuy nhiên, tính chất bí mật các công ty này có thể bị sử dụng cho mục đích bất hợp pháp, bao gồm che đậy các dòng tiền bất hợp pháp, tạo điều kiện hối lộ, rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, buôn người và các hành vi vi phạm nhân quyền khác, các chuyên gia cho biết.
Theo Guardian, trong dữ liệu được thu thập, nhiều đối tượng đã sử dụng các công ty vỏ bọc để sở hữu các mặt hàng xa xỉ như tài sản và du thuyền, cũng như các tài khoản ngân hàng ẩn danh. Thậm chí còn có cả việc sở hữu các tác phẩm nghệ thuật như cổ vật bị đánh cắp từ Campuchia đến bức tranh của Picasso và tranh tường của Banksy.
Đặc biệt, các báo cáo rò rỉ cho thấy Mỹ ngày càng trở thành “điểm đến hấp dẫn”, mặc dù nước này và các đồng minh phương Tây lên án các nước khác vì cho phép dòng tiền và tài sản gắn liền với tham nhũng và tội phạm chảy vào.
ICIJ cho biết các tài liệu cung cấp thông tin chi tiết về việc hàng trăm triệu USD từ các thiên đường nước ngoài ở Caribe và châu Âu đã chảy vào Nam Dakota, một bang Mỹ với dân cư thưa thớt.
Điều tra "Hồ sơ Pandora" của ICIJ cho thấy công ty luật hàng đầu của Mỹ Baker McKenzie là một trong số những thực thể đứng đằng sau hệ thống trốn thuế hải ngoại.
“Cuộc điều tra hồ sơ cũng nêu bật cách Baker McKenzie, công ty luật lớn nhất ở Mỹ, đã giúp tạo ra hệ thống trốn thuế hải ngoại hiện đại và tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế ‘bóng tối’ này”, ICIJ cho hay.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-da-dat-ten-cho-ho-so-pandora-post1268347.html