Ai đã 'hy sinh' để giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba?

60 năm trước, khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba khiến thế giới đứng trước nguy cơ hạt nhân, Tổng thống Mỹ khi đó là John F. Kenedy đã chấp nhận 'hy sinh' ông Adlai Stevenson - Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc để bảo vệ chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Tác giả Peter Kornbluh - người đứng đầu Dự án lưu trữ tài liệu về Cuba tại Đại học George Washington đã làm rõ tình tiết câu chuyện không phải ai cũng biết này.

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, thông báo trên truyền hình về cuộc phong tỏa chiến lược đối với Cuba và cảnh báo Liên Xô về các lệnh trừng phạt liên quan đến tên lửa vào ngày 22-10-1962

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, thông báo trên truyền hình về cuộc phong tỏa chiến lược đối với Cuba và cảnh báo Liên Xô về các lệnh trừng phạt liên quan đến tên lửa vào ngày 22-10-1962

Từ tác giả lộ trình xử lý khủng hoảng

Sáng 16-10-1962, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã lần đầu tiên thông báo cho Tổng thống Kennedy về sự hiện diện của tên lửa ở Cuba. Tại cuộc họp bàn xử lý khủng hoảng đầu tiên với Ủy ban điều hành của Hội đồng An ninh quốc gia - một nhóm cố vấn đặc biệt về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba - các thành viên đều đồng thuận là tiến hành không kích để phá hủy các vị trí đặt tên lửa. Quan điểm này được Tổng thống ủng hộ mạnh mẽ. “Chúng ta sẽ hạ gục những tên lửa đó, nên chuẩn bị cho những thứ đó” - hệ thống ghi âm mà Tổng thống đã bí mật lắp đặt trong các phòng họp của Nhà Trắng ghi lại lời ông Kennedy.

Gặp riêng Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Adlai Stevenson buổi chiều cùng ngày, ông Kennedy đã chia sẻ quan điểm đó. “Tôi cho rằng, lựa chọn là không kích quét sạch chúng hoặc thực hiện các bước khác để khiến vũ khí không thể hoạt động được” - Tổng thống nói. Nhưng ông Stevenson ngay lập tức khuyên vị lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ nên xem xét các giải pháp ngoại giao thay thế: “Chúng ta đừng không kích cho đến khi tìm ra khả năng của một giải pháp hòa bình”.

Ông Stevenson lập luận, trước khi dùng đến lựa chọn có rủi ro cao là sử dụng sức mạnh quân sự, Tổng thống Kennedy nên mở kênh liên lạc với nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev và Chủ tịch Cuba Fidel Castro, tham khảo ý kiến của các đồng minh châu Âu, những người có thể nhìn nhận tình hình theo cách khác và tạo điều kiện cho một thỏa thuận thương lượng.

Đại sứ Stevenson sau đó đã gửi Tổng thống Kennedy một bản ghi nhớ mật, trong đó nêu lên một loạt quan ngại và khuyến nghị để xử lý cuộc khủng hoảng một cách tỉnh táo và hợp lý. Đầu tiên và quan trọng nhất, ông đã thúc giục Tổng thống xem xét việc rút các địa điểm tên lửa của Mỹ ở châu Âu để đổi lấy việc Liên Xô rút tên lửa ở Cuba.

Ông viết: “Tôi sẽ chỉ lặp lại rằng Mỹ đã, đang và sẽ sẵn sàng đàm phán về việc loại bỏ các căn cứ và bất cứ điều gì khác”. Ông mạnh dạn khuyên Tổng thống đưa ra phương án với ban cố vấn, bởi tấn công vào Cuba sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Ông cũng gợi ý mở liên lạc kênh sau với lãnh đạo Liên Xô và Cuba đồng thời nhấn mạnh: “Sẽ là sai lầm vào lúc này nếu tiết lộ rằng một cuộc tấn công sắp xảy ra. Không bao giờ uy hiếp và hăm dọa, luôn đàm phán và tỉnh táo”.

Nhà sử học về chiến tranh hạt nhân Martin J. Sherwin đã đề cập đến vai trò của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc trong cuốn sách về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, được xuất bản vào năm 2020: “Ông Adlai ủng hộ mạnh mẽ và sớm khám phá ra khả năng của một giải pháp hòa bình nên đã đưa cho Tổng thống Kennedy một bản thiết kế để thực hiện chính xác điều đó”.

Thật vậy, trong 10 ngày tiếp theo, ông Kennedy đã làm theo gần như mọi khuyến nghị ban đầu của Đại sứ Stevenson. Thay vì thực hiện không kích ngay lập tức như ý kiến của ban cố vấn “diều hâu”, vào ngày 20-10, Tổng thống Kennedy tuyên bố bao vây hòn đảo Cuba, thực chất để “câu giờ” cho các cuộc đàm phán nhằm thúc ép Liên Xô xem xét lại việc lắp đặt tên lửa ở Cuba. Cũng vào ngày 20-10, ông Stevenson đã trình bày một kế hoạch đàm phán toàn diện với ban cố vấn, thể hiện quan điểm rõ ràng: Mỹ muốn một dàn xếp chính trị, chứ không phải một sự can dự quân sự leo thang.

Thượng nghị sĩ John F. Kennedy (trái) gặp ứng cử viên đảng Dân chủ Adlai Stevenson tại hiên nhà của gia đình Kennedy vào năm 1960

Thượng nghị sĩ John F. Kennedy (trái) gặp ứng cử viên đảng Dân chủ Adlai Stevenson tại hiên nhà của gia đình Kennedy vào năm 1960

Trở thành nhân vật bị “hy sinh”

Vào sáng 28-10, Đài phát thanh Matxcơva đã phát đi một thông điệp mới từ nhà lãnh đạo Liên Xô: “Chính phủ Liên Xô ban hành một lệnh mới về việc tháo dỡ vũ khí được mô tả là vũ khí tấn công và sẽ đưa trở lại Liên Xô”. Tổng thống Kennedy sau đó đưa ra một tuyên bố ca ngợi quyết định của ông Khrushchev là “một đóng góp quan trọng cho hòa bình”. Mối đe dọa hiện hữu của một vụ nổ hạt nhân đã qua đi, thế giới thở phào nhẹ nhõm.

Tuy nhiên, Đại sứ Stevenson, người lẽ ra có công rất lớn trong kế hoạch xử lý cuộc khủng hoảng bỗng nhiên trở thành nhân vật “chịu trận” theo ý đồ của ông chủ Nhà Trắng, xuất phát từ bài xã luận trên tờ Saturday Evening Post có tựa đề “Trong thời kỳ khủng hoảng”. Bài báo tường thuật về việc Tổng thống Kennedy và các trợ lý hàng đầu của ông đã xoay xở để giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong bối cảnh đây có thể là cuộc xung đột nguy hiểm nhất mà thế giới từng phải đối mặt.

Bài viết mô tả ông Kennedy là một nhà lãnh đạo can đảm và quyết đoán, “không bao giờ mất bình tĩnh”. Ngược lại, tác giả Stewart Alsop và Charles Bartlett, đều là bạn tâm giao của Tổng thống Kennedy, cáo buộc Đại sứ Stevenson là cố vấn Tổng thống duy nhất không đồng thuận với các phụ tá khác, thậm chí chế giễu “không nghi ngờ gì rằng ông ấy thích đàm phán chính trị hơn là hành động quân sự”.

Câu chuyện theo ngôn ngữ phổ biến hiện nay là một loại “tin tức giả” - thông tin không có thật nhưng phục vụ cho các mục đích chính trị của Nhà Trắng. Nó đã giúp che giấu một sự thật khó nói mặc dù ngoại giao, đàm phán và thỏa hiệp đã giải quyết cuộc khủng hoảng này. Sự thật đó là, hầu hết các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Mỹ Kennedy đều không biết được rằng, Tổng thống đã âm thầm xác định rằng, việc 2 bên cùng rút tên lửa theo một thỏa thuận bí mật sẽ là cái kết đẹp để tránh được thảm họa hạt nhân.

Tối 27-10, căng thẳng lên đến cao trào vì trong ngày được gọi là “Thứ bảy đen tối” đó, máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn rơi ở Cuba, đồng thời tàu Hải quân Mỹ và một tàu ngầm Foxtrot của Liên Xô được trang bị với ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân đối đầu nhau. Tổng thống John F. Kenedy đã cử em trai mình - ông Robert Kennedy, khi đó là Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ - đề xuất một thỏa thuận bí mật với ông Anatoly Dobrynin, Đại sứ Liên Xô tại Mỹ. Ông Robert Kennedy đã hứa với Đại sứ Dobrynin rằng, trong vòng vài tháng, Mỹ sẽ bắt đầu tháo dỡ các tên lửa Jupiter của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vì các nghĩa vụ của NATO, chính quyền Kennedy sẽ không bao giờ công khai thừa nhận việc này. Lãnh đạo Liên Xô Khrushchev khi đó cũng muốn tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng nên đã nhanh chóng phản ứng.

Để bảo vệ thỏa thuận bí mật của mình, Nhà Trắng muốn công chúng tin rằng, Liên Xô đã rút lui trước sự kiên quyết của chính quyền Tổng thống Kennedy, khẳng định vị thế, sức mạnh của nước Mỹ. Như nhà sử học về khủng hoảng tên lửa Sheldon Stern đã nhận xét, bài báo “hoàn toàn phù hợp với điều mà chính quyền muốn vẽ ra, đó là Tổng thống đã không nhượng bộ trước, buộc Liên Xô phải lùi bước”.

Trong những ngày sau, khi câu chuyện của tờ Saturday Evening Post được công bố, báo chí đã rộ lên tin đồn rằng Tổng thống Kennedy sắp sa thải Đại sứ Stevenson. Bản thân nhà ngoại giao Stevenson sau đó thừa nhận rằng, bài báo đã gây ra thiệt hại khôn lường đối với ông. Tổng thống Kennedy sau này đã nói lời xin lỗi trong bức thư gửi ông Stevenson vào ngày 5-12-1962, liên quan đến bài xã luận trên tờ Saturday Evening Post.

60 năm sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và thế giới lại đối mặt với một nguy cơ hạt nhân khác. “Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, chúng ta có một mối đe dọa trực tiếp đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu mọi thứ tiếp tục theo con đường mà chúng đã đi” - Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo trong tháng 10 này.

Nhưng chính quyền của ông Biden ít nhất cũng có nhiều bài học lịch sử về xử lý khủng hoảng. Chưa biết bài học về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba sẽ được sử dụng như thế nào trong việc ngăn chặn sự leo thang của cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng “câu thần chú” mà Đại sứ Stevenson chia sẻ với Tổng thống Kennedy vào tháng 10-1962 còn nguyên giá trị: “Không bao giờ uy hiếp và hăm dọa, luôn đàm phán và tỉnh táo”.

(Theo Foreign Policy)

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ai-da-hy-sinh-de-giai-quyet-cuoc-khung-hoang-ten-lua-cuba-post520714.antd