Ai đang sở hữu tòa nhà Viễn Đông (Hoàng Cầu)?
Vụ việc tranh chấp thuê tòa nhà Viễn Đông (sô 36 Hoàng Cầu) kết thúc với việc tòa án công nhận sự thỏa thuận giữa các bên.
TAND TP Hà Nội vừa xem xét giải quyết phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa CTCP Tân Hoàng Cầu và CTCP Đầu tư Viễn Đông. Vụ việc có 19 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm Ngân hàng Việt Á.
Cho thuê cả đời dự án
Vào năm 2006, Tân Hoàng Cầu thuê diện tích hơn 26.000 m2 đất tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội để xây dựng khu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao và khu đỗ xe Hoàng Cầu. Công ty đã xây dựng Tòa nhà trung tâm chăm sức sức khỏe thể dục thể thao 36 Hoàng Cầu phần diện tích 3.500 m2..
Sau khi xây dựng xong, Tân Hoàng Cầu đã ký hợp đồng với Viễn Đông cho thuê tòa nhà trên. Thời hạn thuê đến năm 2053 (hết thời hạn thuê đất). Giá thuê cho toàn bộ thời gian thuê là 5,3 triệu đồng/m2. Tổng giá trị hợp đồng thuê là 30 tỷ đồng.
Đến năm 2009, hai bên chấm dứt hợp đồng, thay thế bằng hợp đồng khác, thay đổi đơn giá thuê là 4,5 triệu đồng/m2. Tổng giá trị hợp đồng thuê là 25,5 tỷ đồng. Viễn Đông có trách nhiệm thanh toán tiền thuê đất trong toàn bộ thuê tòa nhà.
Trên thực tế, Viễn Đông đã thanh toán đầy đủ tiền thuê nhà. Tuy nhiên, Công ty không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm cho Tân Hoàng Cầu mà thường xuyên chậm trễ, quá hạn.
Theo Tân Hoàng Cầu điều này ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín Công ty. Do Viễn Đông không thực hiện cam kết, Tân Hoàng Cầu gửi văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Ngày 1/10/2010, hai bên đã tiến hành họp nhưng Viễn Đông không đồng ý trả lại tài sản thuê. Năm 2017, Viễn Đông mới thanh toán 700 triệu đồng tiền thuê đất. Năm 2019, hai bên đối chiếu công nợ, xác định Viễn Đông còn nợ Tân Hoàng Cầu 11,8 tỷ đồng.
Theo Tân Hoàng Cầu, Viễn Đông đã tự ý gắn biển đá hoa cương trước mặt nhà là Viễn Đông Group.
Do đó, Tân Hoàng Cầu khởi kiện ra tòa án, yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà, buộc Viễn Đông thanh toán tiền nợ thuê đất từ năm 2010 - 2017 là 17,7 tỷ đồng gồm tiền thuê đất và tiền phạt. Buộc Viễn Đông trả lại tòa nhà trên.
Mang tòa nhà thế chấp ngân hàng
Viễn Đông trình bày lý do chậm trễ nộp tiền thuê đất do Công ty gặp khó khăn. Mặt khác, về bản chất hợp đồng, Tân Hoàng Cầu đã chuyển nhượng toàn bộ 3.500 m2 đất cho Viễn Đông.
Cũng theo Viễn Đông, khi xây dựng tòa nhà trên, Công ty đã chuyển tiền cho Tân Hoàng Cầu vay. Tuy nhiên, đến nay Công ty không còn giữ tài liệu chứng cứ.
Viễn Đông đề nghị tòa án không chấp nhận yêu cầu của Tân Hoàng Cầu. Đề nghị công nhận Viễn Đông là chủ sở hữu hợp pháp với tòa nhà. Công ty xác nhận còn nợ Tân Hoàng Cầu 17,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Viễn Đông thế chấp tòa nhà trên để vay tiền Ngân hàng Việt Á.
Năm 2019, tòa sơ thẩm đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tân Hoàng Cầu. Theo đó, Viễn Đông phải trả 17,7 tỷ đồng tiền thuê đất còn nợ. Tân Hoàng Cầu phải hoàn trả cho Viễn Đông tiền thuê nhà 20,7 tỷ đồng và 16 tỷ đồng do Viễn Đông đã bỏ ra để hoàn thiện tòa nhà. Đối trừ công nợ hai bên, Tân Hoàng Cầu còn phải trả cho Viễn Đông 19,3 tỷ đồng.
Tòa sơ thẩm cũng buộc các đơn vị đang thuê ăn phòng phải bàn giao trả lại mặt bằng cho Tân Hoàng Cầu.
Sau phiên tòa trên, Viễn Đông và Ngân hàng Việt Á đồng loạt kháng cáo.
Chốt phương án hòa giải
Quá trình giải quyết phúc thẩm, các bên đã thống nhất phương án hòa giải. Theo đó, Ngân hàng Việt Á là đơn vị kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Viễn Đông theo hợp đồng năm 2010 giữa Tân Hoàng Cầu và Viễn Đông.
Đồng nghĩa là Ngân hàng Việt Á sẽ thay thế Viễn Đông thuê lại tòa nhà trên với Tân Hoàng Cầu. Ngân hàng Việt Á đã thanh toán toàn bộ tiền thuê đất là 21,9 tỷ đồng gồm tiền thuê và phạt chậm trả.
Theo thỏa thuận ba bên, Tân Hoàng Cầu không phải trả lại cho Viễn Đông 19 tỷ đồng.
Mới đây, TAND TP Hà Nội xét thấy việc thỏa thuận giữa các bên là tự nguyện, không trái quy định pháp luật nên chấp nhận sửa bản án sơ thẩm theo hướng công nhận sự thỏa thuận trên.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ai-dang-so-huu-toa-nha-vien-dong-hoang-cau-post261752.html