AI đóng vai trò lớn trong việc giải quyết các thách thức bền vững của châu Á

Trong những năm qua, châu Á đã phải đối mặt với nhiều thảm họa khí hậu, với hiện tượng thời tiết El Ninõ gây ra những đợt nắng nóng gay gắt và hạn hán xen kẽ với những đợt bão mạnh hơn và khó lường hơn. Khu vực này cũng đang phải tiếp tục gánh chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu đang càng trở nên trầm trọng hơn do nhiệt độ toàn cầu tăng cao.

 Các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng có thể giúp giải quyết các vấn đề về khí hậu và môi trường. Ảnh minh họa: Ictvietnam

Các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng có thể giúp giải quyết các vấn đề về khí hậu và môi trường. Ảnh minh họa: Ictvietnam

Giữa bối cảnh đó, nhiều chuyên gia công nghệ tin rằng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất có thể giúp giải quyết các vấn đề về khí hậu và môi trường trong khu vực. “Gã khổng lồ công nghệ” Google đã thực hiện các khoản đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng cơ sở hạ tầng dữ liệu và máy học tại Singapore, và các kế hoạch tương tự dự kiến cũng sẽ được triển khai ở Malaysia. Google cũng cung cấp phần mềm lập bản đồ, xử lý dữ liệu và dự báo thời tiết cho các nhóm địa phương để bảo vệ thiên nhiên và sinh kế tốt hơn.

Mặc dù hữu ích, nhưng AI cũng được coi là “con dao hai lưỡi” trong phát triển bền vững. Các phiên bản AI mới nhất có thể phân tích và tạo thông tin từ dữ liệu mới và hiện có - còn được gọi là “AI tạo sinh” - nắm giữ nhiều tiềm năng để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhưng công nghệ phụ thuộc nhiều vào các trung tâm dữ liệu để xử lý lượng thông tin khổng lồ này cũng tiêu tốn năng lượng và thải lượng khí thải carbon cao, thậm chí có thể tăng vọt nếu không được giám sát.

Được biết, các siêu máy tính nghiên cứu chuyên dụng đã tiến hành lập mô hình khí hậu và quan sát Trái đất trong nhiều thập kỷ, và những cải tiến AI hiện đại hứa hẹn sẽ đẩy mạnh những nỗ lực này trong tương lai.

Một số nghiên cứu điển hình đã bắt đầu xuất hiện. Tổ chức phi lợi nhuận Gujarat Mahila Housing Sewa Trust ở Ấn Độ đang sử dụng AI để dự đoán rủi ro lũ lụt và các khu vực bị ảnh hưởng ở một thị trấn nhỏ - một nỗ lực đã giúp hàng nghìn nông dân tránh được các mối nguy hiểm. Tại Đông Nam Á, Liên minh Giải pháp dựa vào thiên nhiên và khí hậu Đông Nam Á (SCeNe) cũng đang sử dụng cơ sở hạ tầng của Google để lập bản đồ các dự án carbon dựa vào thiên nhiên trong khu vực, nhằm mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương và cả đa dạng sinh học.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, lượng phát thải liên quan đến năng lượng toàn cầu đã tăng 1,1% vào năm 2023. Mặc dù con số này giảm nhẹ so với mức tăng 1,3% của năm 2022, nhưng thế giới vẫn còn lâu mới đạt được các mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030. Theo báo cáo chung của Google và Tập đoàn tư vấn Boston Consulting, các công nghệ AI đã được chứng minh, nếu được nhân rộng, có thể giúp hành tinh đạt được 20% mục tiêu đó.

Theo nghiên cứu, những lợi ích chính của AI bao gồm giám sát dữ liệu tốt hơn, tích hợp năng lượng tái tạo nhiều hơn vào lưới điện và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án loại bỏ carbon. Ngoài ra, khả năng tối ưu hóa quy trình của hệ thống AI cũng có thể giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải – ví dụ như tìm cách đồng bộ hóa đèn giao thông để tránh dừng đèn đỏ không cần thiết – một hệ thống hiện đang được thử nghiệm ở các quốc gia như Indonesia và Ấn Độ.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Aiinasia)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/ai-dong-vai-tro-lon-trong-viec-giai-quyet-cac-thach-thuc-ben-vung-cua-chau-a-142442.html