Ai đủ kiên nhẫn chờ đến tuổi nghỉ hưu?

Theo nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động, Luật BHXH nên phân theo nhóm đối tượng và quy định thời gian đóng cũng như việc hưởng BHXH cho phù hợp.

Trong Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động có nhiều bài viết phân tích đa chiều và nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc. Nhiều bạn đọc nhận xét cách đặt vấn đề của bài viết là khách quan, xác đáng, đồng thời phản ảnh được những bất cập của Luật BHXH hiện hành. Bạn đọc báo cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để Luật BHXH được hoàn chỉnh hơn, góp phần là bệ đỡ an sinh bền vững cho người lao động.

Bạn đọc Mục Đồng bày tỏ: "Người lao động làm gì có khái niệm hưu mà quy định tuổi hưu. Chỉ có người hưởng lương từ ngân sách mới gọi là nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu. Còn người lao động tự do khi bị chủ sử dụng lao động cho nghỉ lúc nào thì lúc đó là nghỉ hưu rồi đấy. Không nên dùng khái niệm tuổi nghỉ hưu hay hưu trí để áp dụng các đối tượng. Nên phân loại ra theo nhóm đối tượng và quy định thời gian đóng cũng như việc hưởng BHXH cho phù hợp". Bạn đọc Trần Văn Cầu nhận xét: "Các bài viết rất hay. Chưa có thống kê số người chưa kịp nghỉ hưu và số người nghỉ hưu không quá 5 năm đã chết, nhưng tôi tin con số này là không nhỏ chút nào".

Một bạn đọc giấu tên nêu ví dụ: "Tôi tham gia bảo hiểm lúc 30 tuổi, lúc đó quy định 60 nghỉ hưu, 30 năm công tác thỉ đủ 75%. Bây giờ 59 rồi, bị kéo dài 15 tháng, 61 mới hưu mà tỉ lệ còn 67%. Chính sách làm thiệt cho người lao động. 59 còn chẳng muốn làm nói gì 62. Hiệu quả công việc ở đâu???". Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thị Huyền cho rằng tuổi nghỉ hưu đối với nam 62, nữ 60 thật sự lúc đến tuổi này đi không vững, não lúc nhớ lúc quên thì làm việc sao hiệu quả. Theo bạn đọc này, cần điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu nam 60, nữ 55.

Theo bạn đọc Thiều Quang Tuyên, đúng là rút ngắn thời gian đóng BHXH nhưng người lao động lại phải chờ đến tuổi mới được hưởng lương hưu thì chẳng có ý nghĩa gì, tới khi đó liệu người dân còn được hưởng hay đã chết rồi. Nếu nói là tạo điều kiện để người lao động được cơ hội hưởng lương hưu thì tại sao không giảm tuổi được hưởng lương hưu mà lại giảm thời gian đóng.

Một bạn đọc khác thẳng thắn góp ý: "Tại sao không nhìn nhận thực tế cuộc sống và công việc của người lao động. Hiện nay rất nhiều người lao động không có công việc ổn định, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhân lực, người lao động phải làm nhiều công việc nặng nhọc để trang trải cuộc sống trong khi giá cả ngày càng tăng. Việc giảm năm đóng bảo hiểm xuống không có ý nghĩa gì đối với người lao động trong khi tuổi để được hưởng lương hưu thì tăng". Một bạn đọc tên Chinh thì quả quyết: "Nếu luật sửa đổi mà được thông qua mà không xem xét ý kiến giảm tuổi hưu thì sẽ có 1 cơn bão rút bảo hiểm 1 lần khi NLĐ đóng được 14 năm và rồi 9 năm nếu luật giảm xuống 10 năm".

Một bạn đọc tên Vũ nhẩm tính: "Thử nghĩ 18 tuổi đi làm, cộng thêm 15 là 33 tuổi, nếu nam giới mà nghỉ việc thì phải chờ 29 năm nữa mới nhận được mấy đồng tiền hưu, thay vì 14 năm họ nghỉ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và rút BHXH 1 lần, xong sau đó họ lại đi xin việc làm tiếp theo và cũng lại nghỉ việc 1 lần nữa. Lúc đó mới thấy được cái hạ năm đóng BHXH mà không hạ tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã được nâng lên là đúng, nhưng không phải là tuổi thọ được nâng cao lên là sức khỏe của con người mạnh hơn để kéo dài được sức lao động đâu. Do vậy, theo nhiều bạn đọc, nên xem xét giảm tuổi nghỉ hưu. Nam 55, nữ 50. "Phải cho người đóng BHXH có thời gian nhận lương hưu chứ" – một bạn đọc viết.

Bạn đọc Nguyễn Văn Tú góp ý: "Tôi đồng ý với quan điểm là tuổi nghỉ hưu nam 57 nữ 52, còn năm đóng bảo hiểm nam 30 năm nữ 25 năm được hưởng 75% lương hưu". Theo bạn đọc Ngọc Minh, vấn đề trọng tâm vẫn là giảm tuổi nghỉ hưu. "Nên chăng rạch ròi tuổi hưu giữa người lao động và cán bộ nhà nước, người lao động thì 50-55 tuổi còn cán bộ công chức nhà nước từ 55-6. Đến tuổi thì được nghỉ, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều...". Một số bạn đọc cho rằng tuổi nghỉ hưu nam 55 nữ 50. Còn quy định thời hạn tham gia BHXH từ 15 năm là hợp lý..Vì tuổi thọ và sức khỏe hiện nay ngày một giảm. Còn nếu một số ngành nghề vị trí công việc có thể cống hiến chất xám hay có nhu cầu lao động tiếp thì quy định trả 80% so với người bình thường

Bài và ảnh: An Khánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/ai-du-kien-nhan-cho-den-tuoi-nghi-huu-20230305080137285.htm