Ai đứng sau chỉ đạo vụ thủ tiêu nhà báo Khashoggi?
Quốc vương Saudi Arabia đang cố bảo vệ con trai khi ông này không tránh khỏi việc bị nghi vấn và sẽ phải mất 'thời gian dài' để khôi phục hình ảnh của Thái tử.
Saud al-Qahtani, cố vấn thân cận của Thái tử Mohammed bin Salman, là một trong hai quan chức “ngã ngựa” gần đây trong bối cảnh dư luận quốc tế chĩa mũi dùi vào chính phủ Saudi Arabia liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi.
Ông là cố vấn truyền thông cho Thái tử Saudi Arabia cũng là tác giả của hàng trăm vụ bắt giữ quan chức nước này. Theo hai nguồn tin tình báo, chính người đàn ông này đã dùng Skype từ xa chỉ đạo vụ thủ tiêu nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo hãng tin Reuters, ngày 20/10, truyền thông Saudi Arabia đưa tin Quốc vương Salman đã sa thải Qahtani cùng 4 quan chức khác. Trước đó, Saudi Arabia đã bắt giữ 18 đối tượng tình nghi và sa thải một loạt quan chức tình báo.
Tuy nhiên, theo một vài nguồn tin có mối quan hệ với Tòa án hoàng gia, vì mối quan hệ mật thiết và có ảnh hưởng tới Thái tử Mohammed nên sẽ rất khó cho giới chức Saudi Arabia khi xác định Qahtani là chủ mưu vụ giết người mà không đặt nghi vấn về sự liên quan của Thái tử Mohammed (MbS).
“Sự việc sẽ không lật đổ được MbS, nhưng hình ảnh của ông cần phải thời gian dài để khôi phục. Quốc vương đang bảo vệ ông ấy”, một trong các nguồn tin tiết lộ. Qahtani từng có lần khẳng định ông sẽ không làm bất kỳ điều gì nếu như cấp trên không cho phép.
“Bạn nghĩ rằng tôi tự quyết định mà không có chỉ đạo. Tôi cũng chỉ là một người đi làm thuê và phải trung thành với những mệnh lệnh của nhà vua và thái tử”, Qahtani chia sẻ trạng thái trên mạng xã hội Twitter mùa hè năm ngoái.
Hiện Qahtani chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về thông tin ông là chủ mưu vụ sát bại nhà báo. Phần miêu tả bản thân trên tài khoản Twitter cũng đã đổi từ Cố vấn hoàng gia sang Chủ tịch Liên đoàn An ninh mạng Saudi Arbia – một chức vụ mà ông trước đây từng có thời gian nắm giữ.
Trong khi đó, một quan chức Saudi Arabia ngày 20/10 nói rằng Thái tử Mohammed không hề hay biết âm mưu dẫn đến cái chết của nhà báo Khashoggi và rõ ràng “không ra lệnh bắt cóc hay giết hại ai cả”.
Suốt 3 tuần xảy ra khủng hoảng, Saudi Arabia liên tục thay đổi phát ngôn liên quan đến số phận của nhà báo Khashoggi, lúc đầu họ phủ nhận ông đã chết, sau đó lại nói ông thiệt mạng trong một vụ ẩu đả ở Lãnh sự quán, và giờ xác định nguyên nhân cái chết của ông là do nghẹt thở vì bị siết chặt bằng tay từ đằng sau.
Một quan chức cấp cao Saudi Arabia tiết lộ những kẻ giết người đang tìm cách che giấu sự việc xảy ra. Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ phiên bản câu chuyện của Saudi Arabia, cho biết họ có băng ghi âm xuyên suốt quá trình nhà báo Khashoggi bị sát hại.
Cú điện thoại Skype
Nhà báo Khashoggi, làm việc cho tờ Washington Post ở Mỹ, là nhân vật thường có những bài viết chỉ trích Saudi Arabia và giới chức lãnh đạo nước này. Ngày 2/10, ông bước vào tòa lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để lấy giấy tờ chuẩn bị cho đám cưới.
Quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ngay lập tức ông bị khoảng 15 nhân viên tình báo Saudi Arabia – cách đấy 2 tiếng đã đến Istanbul trên 2 máy bay – bắt giữ ngay trong tòa Lãnh sự.
Theo một nguồn tin tình báo Arab, Saud al-Qahtani tiếp cận tình hình trong Lãnh sự quán ở Thổ Nhĩ Kỳ qua điện thoại Skype. Trên điện thoại, Qahtani bắt đầu có những lời lẽ xúc phạm nhà báo Khashoggi, thậm chí có thời điểm Qahtani nói với tay chân: “Hãy mang đầu hắn về cho tôi”.
Các nguồn tin Arab và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đoạn âm thanh ghi cuộc nói chuyện qua Skype hiện nằm trong tay của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Các nguồn tin khẳng định Tổng thống Erdoran từ chối chia sẻ đoạn âm thanh cho người Mỹ.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/10, Tổng thống Erdogan cho rằng giết hại nhà báo Khashoggi là một âm mưu thủ tiêu được phía Saudi Arabia lên kế hoạch chi tiết từ trước. Mọi camera an ninh trong Lãnh sự quán và nhà riêng Tổng lãnh sự nước này đã được tháo bỏ trước vụ sát hại.
Cố vấn phụ trách truyền thông của Thái tử
Với lối tuyên truyền truyền thông mạnh bạo cùng tài chiến lược hậu trường, Qahtani, 40 tuổi, được mệnh danh là “Steve Bannon” Saudi Arabia - chiến lược gia chủ chốt một thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Qahtani học luật và đã từng giữ chức đội trưởng trong lực lượng Không quân Saudi Arabia. Sau khi viết blog, ông lọt vào mắt của Khaled al-Tuwaijri – người từng đứng đầu tòa án Hoàng gia. Đầu những năm 2000, ông Tuwaijri đã thuê Qahtani về phụ trách lĩnh vực truyền thông điện tử, với nhiệm vụ bảo vệ hình ảnh của Saudi Arabia.
Qahtani gây dựng tầm ảnh hưởng của mình sau khi quen biết với Thái tử Mohammed, người từng nằm trong hội đồng tòa án Hoàng gia với chức vị Thị trưởng Riyadh trước khi được chọn trở thành Thái tử.
Với nhiệm vụ ngăn chặn sự ảnh hưởng của Qatar trên mạng xã hội, Qahtani sử dụng Twitter như một vũ khí để tấn công các lời bình luận chỉ trích vương quốc nói chung và Thái tử Mohammed nói riêng. Qahtani cũng là người điều hành một nhóm trên mạng WhatsApp tập trung các tổng biên tập địa phương và phóng viên kỳ cựu.
Khi chính quyền Riyadh triển khai một cuộc tẩy chay kinh tế chống lại Qatar vào tháng 6/2017, Qahtani đã tăng cường các cuộc tấn công trực tuyến nhằm vào quốc gia vùng Vịnh. Quan chức Arab cấp cao cho biết Qahtani được mệnh danh là "viên cảnh sát xấu xa" của Thái tử Mohammed khi 200 người, bao gồm nhiều hoàng tử Saudi, bộ trưởng và ông trùm kinh doanh, bị bắt và quản thúc tại Ritz Carlton trong một cuộc truy quét chống tham nhũng.