Ai được hưởng gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng?
Sau khi Ngân hàng Nhà nước có thông tư hướng dẫn về gói tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều vấn đề được xã hội quan tâm là những tiêu chí về đối tượng cụ thể được hưởng gói tín dụng này,...
Giải ngân 44 tỷ đồng trong đợt 1
Thông tư số 10/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng và thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/3/2022, hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước.
Trường hợp đến hết ngày 5/4/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội không giải ngân hết số tiền đã nhận giải ngân thì trước ngày 15/4/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả Ngân hàng Nhà nước số tiền không giải ngân hết theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất. Trước ngày 20/4/2022, Ngân hàng Chính sách phải báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước số liệu tiền vay tái cấp vốn đã giải ngân, đồng thời gửi Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN mới đây, một đại diện của Ngân hàng Chính sách cho biết, trong những ngày qua ngân hàng này đã gửi thông tin và tiếp cận các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Ngân hàng cũng đã tiến hành họp để lắng nghe các ý kiến, các vấn đề còn vướng mắc, trên cơ sở đó tổng hợp các ý kiến báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Ngày 26/7/2021, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách đã ký hợp đồng tín dụng và từ ngày 27/7, Ngân hàng Chính sách thực hiện phân bổ vốn cho các địa phương. Tổng số tiền vốn phân bổ đợt 1 là 44 tỷ đồng giải ngân cho các doanh nghiệp thuộc địa bàn cho 12 tỉnh. Trong đó, 2 tỉnh được nhận vốn vay nhiều nhất trong đợt này là Bắc Ninh và Bắc Giang.
Thông tư 10 của Ngân hàng Nhà nước là văn bản cụ thể hóa những nội dung tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo Quyết định 23, người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Một điều kiện nữa để được vay vốn là không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Được vay cả khi phục hồi hoạt động
Phạm vi của gói tín dụng 7.500 tỷ đồng theo Quyết định 23 và Thông tư 10 không chỉ dành cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đang bị ngừng kinh doanh, mà còn cả cho giai đoạn hoạt động trở lại sau khi ngừng kinh doanh. Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn từ tháng 5/2021 đến hết tháng 3/2022 nếu có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách, các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cũng được đơn giản hóa tối đa.
Hồ sơ được cắt giảm chỉ có Giấy đề nghị. Theo đó, người sử dụng lao động chỉ cần nộp Giấy đề nghị hỗ trợ tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh để tổng hợp, trình các cấp. Thời hạn giải quyết thủ tục và giải ngân tối đa là 7 ngày, người sử dụng lao động được vay vốn với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.
Về quy mô của từng khoản vay, mức cho vay tối đa đối với khoản vay vốn trả lương do phải ngừng việc và khoản vay vốn trả lương khi phục hồi kinh doanh đều có mức giới hạn tương tự nhau. Cụ thể, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Phương án xử lý nợ quá hạn và rủi ro vốn vay
Đến kỳ hạn trả nợ, nếu người sử dụng lao động vay vốn không trả được nợ hoặc người sử dụng lao động vi phạm hợp đồng tín dụng đã ký thì Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển toàn bộ số dư nợ còn lại của khoản vay sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Sau 3 năm kể từ ngày khoản nợ vay của người sử dụng lao động bị chuyển nợ quá hạn, sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội đã áp dụng mọi biện pháp mà không thu hồi được nợ; Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp, lập hồ sơ xử lý rủi ro theo hướng dẫn và báo cáo Ngân hàng Nhà nước.