Ai được hưởng lợi từ 'Bộ tứ Tây Á' I2U2?
Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Đông vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo đầu tiên của 'Bộ tứ Tây Á' I2U2 bao gồm Israel, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Mỹ. I2U2 được thành lập vào mùa thu năm 2021 để tăng cường hợp tác công nghệ và khu vực tư nhân trong khu vực; đồng thời giải quyết các thách thức xuyên quốc gia trong 6 lĩnh vực trọng tâm: nước, năng lượng, giao thông vận tải, không gian, y tế và an ninh lương thực.
Địa điểm hợp tác với nhiều sáng kiến
Mặc dù trong tuyên bố chung của mình, các nhà lãnh đạo I2U2 đã khẳng định nhóm muốn tìm cách đẩy nhanh “các khoản đầu tư chung và các sáng kiến mới trong lĩnh vực nước, năng lượng, giao thông vận tải, không gian, y tế và an ninh lương thực” nhưng giới phân tích vẫn đặt nghi vấn về động cơ thành lập Bộ tứ này.
Thậm chí, một số người còn cho rằng đây là một trong những bước phát triển mới nhất trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden. Trong khi đó, một số người khác tin rằng, đó có thể là một sáng kiến chủ yếu do UAE điều hành nhằm tăng cường sức mạnh công nghệ và kinh tế.
Bởi lẽ, dù cơ sở hạ tầng thương mại và vận chuyển, năng lượng sạch, xử lý chất thải và các công nghệ quan trọng, mới nổi đều được xác định là ưu tiên nhưng thiếu sót lớn nhất là không có bất kỳ tầm nhìn tổng thể, có tính nguyên tắc nào về những gì hợp nhất giữa 4 quốc gia trong mối quan hệ đối tác này. Sự thiếu sót đáng chú ý một phần là do I2U2 thường được so sánh với “Bộ tứ” của Ấn Độ - Thái Bình Dương gồm các thành viên Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ thường nhấn mạnh sức mạnh thống nhất trong các thực hành dân chủ của họ.
Hợp tác thực tế có thể đủ để duy trì I2U2 nhưng khó mà tìm được một tầm nhìn đầy khát vọng cho bản sắc cốt lõi của nhóm bởi với sự đa dạng tôn giáo nổi bật của các thành viên. Bằng cách nêu bật cam kết chung của họ đối với đa nguyên và hợp tác giữa các tín ngưỡng, I2U2 có thể trở thành địa điểm hợp tác với nhiều sáng kiến khác nhau. Nó có thể kết hợp việc giải quyết vấn đề theo định hướng phát triển, thực dụng với việc xây dựng hòa bình giữa các phân chia tôn giáo và cộng đồng. Thêm nữa, một I2U2 thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên trên khắp các quốc gia thành viên cũng có thể khuyến khích việc thực hành các giá trị liên quan, bao gồm cả việc bảo vệ các quyền thiểu số, tôn giáo và nhân quyền trong các quốc gia đó.
Mục tiêu của Ấn Độ -UAE
Ấn Độ nhận thấy những lợi ích rõ ràng và hữu hình từ I2U2, bắt đầu với hai thông báo đầu tiên của nhóm: khoản đầu tư 2 tỷ USD và hỗ trợ công nghệ cho các sáng kiến nông nghiệp ở hai bang của Ấn Độ là Gujarat và Madhya Prades cũng như hỗ trợ cho một dự án năng lượng tái tạo kết hợp ở Gujarat. Chưa hết, I2U2 còn đưa ra một mô hình và nền tảng để huy động vốn bền vững từ UAE được hỗ trợ bởi các công nghệ của Israel và Mỹ. Ngoài ra, với mối quan hệ chặt chẽ với cả Israel và UAE, New Delhi rất thích I2U2 như một công cụ ngoại giao để đẩy nhanh, làm sâu sắc hơn và đảm bảo bình thường hóa quan hệ đang diễn ra giữa Jerusalem với chính quyền Abu Dhabi.
Israel cung cấp các công nghệ quân sự quan trọng cho Ấn Độ, nhưng các thế hệ lãnh đạo trước của Ấn Độ có xu hướng hạ thấp các mối quan hệ quốc phòng đó, một phần vì lý do chính trị trong nước và một phần để xoa dịu các nước láng giềng Arab của họ. Ngày nay, Thủ tướng Narendra Modi có quan điểm là không hối lỗi khi tiếp cận với những người đồng cấp Israel. Để chắc chắn, Hiệp định Abraham và I2U2 không hoàn toàn giải quyết được hành động cân bằng của Ấn Độ ở Tây Á và New Delhi vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp, có ích với cả Iran.
Chưa hết, I2U2 còn mang đến cho Ấn Độ cơ hội hợp tác với Mỹ theo các điều kiện của riêng mình: không phải với tư cách là một cộng sự cấp dưới hay một đồng minh chính thức mà với tư cách là một đối tác tự tin và “tự chủ về mặt chiến lược”. Sự nhấn mạnh của I2U2 vào các sáng kiến kinh tế tự nguyện thay vì các thỏa thuận thương mại đa phương ràng buộc (như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) mà Ấn Độ đã nhiều lần từ chối cũng rất hấp dẫn. Về khía cạnh hẹp đó, I2U2 giống với khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mới của Washington mà Ấn Độ cũng đã tham gia.
Còn UAE đang nỗ lực để trở thành một trong những quốc gia có kết nối toàn cầu nhất trong khu vực. Một trong những trụ cột của chiến lược này là xoay trục sang châu Á. Nhưng trái ngược với việc Mỹ xoay trục sang châu Á nhằm đối đầu với Trung Quốc, UAE coi Trung Quốc là một trong những đối tác chính của mình để đạt được mục tiêu này. I2U2 cũng là một trong những cách UAE đang cân bằng quan hệ với hai đối tác chính ở châu Á: Trung Quốc và Ấn Độ.
Sự thăng tiến nhanh chóng trong quan hệ UAE - Ấn Độ bắt đầu vào khoảng năm 2015. UAE là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ và đầu tháng 7, họ đã ký một hiệp định thương mại tự do dự kiến sẽ tăng thương mại song phương từ 59 tỷ USD lên hơn 100 tỷ USD. UAE gần đây cũng đã ký một hiệp định thương mại tự do với Israel và họ đang có kế hoạch tăng thương mại song phương hàng năm lên hơn 10 tỷ USD trong 5 năm tới.
Ai hưởng lợi?
Trước chuyến đi của Tổng thống Joe Biden đến Tây Á, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã mô tả ý định của Mỹ là “tập trung vào sự hội nhập ngày càng tăng của Israel vào khu vực”, bằng cách không chỉ củng cố các mối quan hệ hiện có với các quốc gia gần đây đã bình thường hóa quan hệ theo Hiệp định Abraham (chẳng hạn như UAE), mà còn tăng cường quan hệ giữa "các nhóm đối tác hoàn toàn mới, bao gồm Israel, Ấn Độ, UAE và Mỹ". Trong tuyên bố của mình, 4 nhà lãnh đạo cũng đã tái khẳng định “sự ủng hộ của họ đối với Hiệp định Abraham và các thỏa thuận hòa bình cũng như bình thường hóa khác với Israel”, đề cập về “các cơ hội kinh tế đến từ những phát triển lịch sử này, bao gồm cả việc thúc đẩy hợp tác kinh tế ở Trung Đông và Nam Á".
Trong khi một số người coi sự tham gia của Ấn Độ vào nhóm I2U2 là có động cơ kinh tế, thì cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ M.K. Bhadrakumar mô tả cuộc gặp là một phần của trò chơi ngoại giao lớn hơn mà ông Joe Biden đang chơi trong khu vực, với mục tiêu cuối cùng là thu lợi từ dầu mỏ của Arab Saudi. Ông Bhadrakumar giải thích: “Tổng thống Mỹ đã tuyên bố công khai rằng chuyến đi “là để Mỹ trở lại Tây Á” với mục đích “lấy lại ảnh hưởng đã mất trong khu vực” và “chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga”. Như vậy, "không có thứ nào trong số này thực sự phục vụ lợi ích của Ấn Độ".
Cũng theo cựu quan chức ngoại giao này, cuộc họp của “Bộ tứ Tây Á” diễn ra vào thời điểm mà quan hệ Ấn Độ - Israel đã có sự cải thiện rõ rệt. Israel đã nâng cao đáng kể quan hệ với Ấn Độ kể từ những năm 1990. Các cuộc đàm phán xung quanh một hiệp định thương mại tự do đã đạt được những tiến bộ lớn, trong bối cảnh hợp tác kinh tế Israel - Ấn Độ đang tăng cường. Israel hiện đang là nhà cung cấp quốc phòng lớn của Ấn Độ: Ấn Độ chiếm 42% xuất khẩu vũ khí của Israel với giá trị hàng năm ước tính là 1 tỷ USD. Trong giai đoạn 2015-2019, nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ từ Israel đã tăng 175%. I2U2 và các dự án được nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh có khả năng làm tăng đáng kể thương mại song phương Ấn Độ-Israel.
Về khoản đầu tư 2 tỷ USD từ UAE “để phát triển một loạt các công viên thực phẩm tích hợp trên khắp Ấn Độ” và việc “thúc đẩy một dự án năng lượng tái tạo hỗn hợp ở Gujarat của Ấn Độ bao gồm công suất gió và mặt trời 300 megawatt (MW)”, với sự đầu tư từ UAE và dự kiến hỗ trợ từ Israel và Mỹ, theo ông Bhadrakumar là “không có gì mới”. Hiện UAE và Ấn Độ đang tập trung theo đuổi hợp tác kinh tế thông qua I2U2 và có vẻ như Mỹ cùng Israel sẵn sàng đi cùng với cách tiếp cận này. Tuyên bố Jerusalem được ký kết đã phản ánh sức mạnh của mối quan hệ giữa Israel với Mỹ.
I2U2 cũng là một minh chứng về mức độ mà Mỹ cam kết thúc đẩy quá trình hội nhập của Israel trong khu vực, đặc biệt kể từ khi Hiệp định Abraham đặt cơ sở thành lập “Bộ tứ Tây Á” và chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ hỗ trợ quá trình này. Mối quan hệ mới được thiết lập của Israel với UAE khá nồng ấm và đang tiến triển với tốc độ nhanh chóng, thậm chí có thể gây ngạc nhiên. Ngoài Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải và Diễn đàn Negev gần đây, I2U2 là nền tảng dễ thấy nhất mà Israel chia sẻ với một quốc gia Arab.
Rõ ràng, I2U2 có tiềm năng rất lớn và thành phần của nó cung cấp nhiều cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi. Mỹ có khả năng rộng lớn trong mọi lĩnh vực có thể hình dung được; Ấn Độ có nguồn nhân lực và nhân tài đồ sộ; Israel có công nghệ tiên tiến trong một số lĩnh vực quan trọng; và UAE đang thúc đẩy các chính sách đổi mới, thu hút các công ty khởi nghiệp cũng sẵn sàng đầu tư các nguồn lực đáng kể. Tuy nhiên, gánh nặng về tính bền vững của “Bộ tứ Tây Á” lại chủ yếu thuộc về UAE và Israel - những người hưởng lợi chính - để duy trì lợi ích của Mỹ và Ấn Độ và biện minh cho sự tiếp tục của nó.