Ai giỏi kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam?
Ngày 21/11 tới, VFF sẽ tiến hành Đại hội thường niên 2020 để bầu Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ.
Từ chuyện kiếm tiền của VPF
Năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đội tuyển quốc gia nghỉ thi đấu do các giải quốc tế dời sang năm 2021. Những hoạt động chính của bóng đá chủ yếu là ở các giải chuyên nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, VPF cũng phải rất vất vả để đưa giải đấu về đích sau nhiều lần tạm dừng vì dịch bệnh. Một trong những vấn đề đau đầu nhất của VPF chính là làm sao trả quyền lợi đủ cho nhà tài trợ. Đó là quãng thời gian mà Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cùng HĐQT VPF đã phải đàm phán với các nhà tài trợ không giảm kinh phí tài trợ, thay vào đó, số trận đấu ít đi nhưng việc quảng bá được đẩy đậm lên.
Nhìn lại nhiệm kỳ 3 (2017 -2020) của VPF, ông Trần Anh Tú trong vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã kêu gọi được nguồn tài trợ cho các giải chuyên nghiệp quốc gia từ V.League đến hạng Nhất và Cúp Quốc gia. Đó là một trong những công việc khó khăn. Như ông Tú chia sẻ thì: “Kiếm tiền luôn luôn là một việc chẳng bao giờ dễ dàng, ngay cả khi thành tích của đội tuyển gây tiếng vang và nhiều nhà tài trợ đến với Liên đoàn thì việc kiếm tiền cho VPF vẫn vô cùng khó khăn. Nếu dễ dàng, chưa chắc chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty VPF đã đến lượt tôi”.
Thực tế ông Trần Anh Tú từng muốn tranh cử chức Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Bởi như thế ông có nhiều cơ hội gặp gỡ các nhà tài trợ, có thể kết nối tài trợ cho VPF. Bởi lẽ với đặc thù của bóng đá Việt Nam, để các doanh nghiệp quan tâm ngay đến các giải chuyên nghiệp quốc gia là rất khó. Chỉ tiếc rằng, quan điểm của ông Tú lại được nhìn nhận với những động cơ thiếu tích cực. Cũng vì nhiều ý kiến trái chiều mà sau đó ông Tú xin rút, không ra tranh cử. Thực tế, năm 2019, doanh số mà VFF thu được vượt trội hẳn so với VPF là điều đáng suy ngẫm.
Nhiều người nói ông Tú đã “bỏ tiền túi” ra tài trợ V.League 2020 với sự xuất hiện của Tập đoàn LS. Khi được hỏi về điều này, ông Tú từng mỉm cười và nói rằng, đó là chuyện của dư luận. Tất cả cần nhìn vào thực tế, bóng đá vẫn đang có nguồn tài trợ. Ông Tú từng đưa ra quan điểm, bản thân khi ra làm bóng đá là xác định có điều kiện về tài chính. Đến bây giờ, điều mà Chủ tịch VPF vẫn đang đeo đuổi là kiếm tiền từ thị trường thay vì quan hệ.
Đến “ghế” Phó Chủ tịch tài chính VFF
Như ông Trần Anh Tú chia sẻ thì rõ ràng vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ đóng vai trò quan trọng và có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của nền bóng đá. Trước đó, các doanh nhân Lê Hùng Dũng, Đoàn Nguyên Đức đều đã để lại ít nhiều dấu ấn. Thậm chí, đây còn là những người ảnh hưởng đến cả VPF. Và bây giờ, VFF đang khá vất vả đi tìm người kế nhiệm cho các ông bầu này.
Sau Đại hội VFF khóa 8, ông Cấn Văn Nghĩa trúng cử Phó Chủ tịch Tài chính. Tuy nhiên, ông Nghĩa mới ngồi ở vị trí này được 6 tháng thì xin từ chức vì những vấn đề cá nhân. Kể từ đó đến nay, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn vừa phải phụ trách chuyên môn và phụ trách tài chính. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, VFF bắt đầu suy giảm nguồn thu thì tất cả mới lại thấy cần phải bổ sung vị trí này thay vì chờ hết nhiệm kỳ.
Ngày 21/11 tới, Đại hội thường niên VFF sẽ tiến hành bầu bổ sung vị trí này. Lẽ ra, Đại hội đã diễn ra hồi tháng 8/2020, nhưng sau đó tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện tại, có 3 ứng viên: Ông Phạm Thanh Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành VFF, Trưởng ban Bóng đá nữ khóa 8; ông Trần Văn Liêng – Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Cacao Việt Nam; ông Lê Văn Thành – Ủy viên Ban Chấp hành VFF, Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ VFF khóa 8.
Trong số này, ông Lê Văn Thành và Trần Văn Liêng từng là “bại tướng” của ông Cấn Văn Nghĩa. Nếu như ông Trần Văn Liêng là gương mặt ngoại đạo với bóng đá với một bản đề án gây tranh cãi thì ông Lê Văn Thành trong vài trò Trưởng Ban Tài chính và vận động tài trợ của VFF cũng chưa có nhiều dấu ấn. Bên cạnh đó, ông Thành cũng đang là Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền. Việc kêu gọi tài chính, tài trợ ở Liên đoàn này cũng không thực sự thuận lợi. Thế nên, câu hỏi được đặt ra, ông Thành liệu có thể làm được điều gì khác cho bóng đá? Người đang phần nào nắm ưu thế chính là ông Phạm Thanh Hùng với lời hứa không để cho VFF chịu lỗ năm 2020 nếu làm Phó Chủ tịch tài chính.
Hiện tại, vẫn chưa có ứng viên nào xin rút lui khi Đại hội đang đến gần. Người mà VFF cần lúc này là có tiền và giỏi kiếm tiền để chuẩn bị cho năm 2021 với nhiều sự kiện quan trọng của bóng đá Việt Nam.
Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu Vòng loại Wolrd Cup 2022 vào tháng 3/2021
Ban thi đấu Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã thảo luận và thống nhất phương án tổ chức các giải đấu sẽ diễn ra trong năm 2021. Theo đó, năm 2021 dự báo là một năm rất khó khăn vì lịch thi đấu châu Á sẽ diễn ra với mật độ dày đặc trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát.
Thông qua phiên họp này, Ban thi đấu AFC đã ấn định thời gian tổ chức các trận đấu còn lại tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Cụ thể, lượt trận thứ 7 sẽ diễn ra vào ngày 25/3/2021, lượt 8 vào ngày 30/3/2021, lượt 9 vào ngày 7/6/2021 và lượt 10 vào ngày 15/6/2021.
Tuy nhiên, thời điểm tổ chức các lượt trận còn lại sẽ vẫn dựa trên điều kiện thực tế. Trong trường hợp 2 Liên đoàn bóng đá thành viên tự thương thảo với nhau về thời điểm tổ chức trận đấu cũng sẽ được AFC chấp nhận, sau khi đề xuất được FIFA phê chuẩn.
Dù tổ chức vào thời gian nào thì Vòng loại thứ 2 cũng sẽ phải kết thúc vào ngày 15/6/2021 để có quỹ thời gian chuẩn bị cho vòng loại cuối cùng World Cup 2022, dự kiến diễn ra từ ngày 2/9/2021 đến 29/3/2022.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/ai-gioi-kiem-tien-cho-bong-da-viet-nam-619690/