Ai góp tiền xây nhà cho người nghèo?

UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 539 ngôi nhà cho người nghèo, đặt chỉ tiêu vận động 26 tỷ đồng trong thời gian hai năm (2023-2024).

Huyện nghèo, dân nghèo, để huy động được số tiền trên không dễ, vậy nên, huyện “bổ đầu” chỉ tiêu mỗi gia đình ủng hộ ít nhất 200.000 đồng, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ ít nhất 4-5 ngày lương.

Bản kế hoạch đính kèm phụ lục ghi rõ từng cơ quan, đơn vị, trường học với các số liệu cụ thể về nhân sự, quỹ lương và số tiền đóng góp. Ví dụ, Trường THCS Thanh Đức có 23 lao động, quỹ lương tháng 3-2023 hơn 187,5 triệu đồng, chỉ tiêu vận động 32,47 triệu đồng, bình quân mỗi người đóng góp hơn 1,4 triệu đồng.

Sửa chữa, xây nhà ở cho người nghèo là việc nhân ái rất nên làm. Nhưng có ai biết rằng, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là giáo viên còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, lương thấp, chưa có nhà riêng, đang ở khu tập thể hoặc ở chung với bố mẹ già yếu, bệnh tật; bản thân và con cái họ có khi cũng mắc bệnh hiểm nghèo, nợ nần lâu năm...

 Xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Ảnh minh họa: truyenhinhnghean.vn

Xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Ảnh minh họa: truyenhinhnghean.vn

Sẽ là nghịch lý nếu những người trong hoàn cảnh đó phải trích từ đồng lương ít ỏi của mình để ủng hộ xây nhà cho người nghèo, bởi chính họ cũng đang rất nghèo. Vậy nên, khi UBND huyện Thanh Chương ban hành kế hoạch đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Những ai sẽ góp tiền xây nhà cho người nghèo? Là bất cứ ai có khả năng, có điều kiện tốt và phải tự nguyện. Tự nguyện làm từ thiện là nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động này mà nếu vi phạm thì mục đích, ý nghĩa sẽ giảm sút, thậm chí còn bị biến dạng, để lại hậu quả xấu.

Không riêng huyện Thanh Chương mà ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức lâu nay đã làm như thế: Đặt ra chỉ tiêu, phân bổ đến từng người, từng hộ gia đình mức đóng góp ủng hộ từ thiện mà không xét đến hoàn cảnh, bối cảnh và điều kiện cụ thể. Quyền được tự nguyện đóng góp từ thiện của công dân đã không được thực thi nghiêm túc nên nhiều khi góp tiền từ thiện mà trong lòng băn khoăn, cảm thấy mình bị ép làm một việc mà chưa thông tư tưởng.

Phải chăng nguyên nhân sâu xa là do sự sốt ruột, hối thúc phải nhanh chóng giải quyết khó khăn cho người nghèo, hay là cần có thành tích để báo cáo, cần một hình thức hoạt động nổi bật cho địa phương, đơn vị mình? Dù với động cơ nào thì cách làm theo kiểu mệnh lệnh hành chính như trên đã không còn phù hợp nữa.

Truyền thống dân tộc “lá lành đùm lá rách” không bao giờ phai nhạt. Trong cộng đồng, làng xóm, thôn bản, mỗi ngày nhân dân vẫn giúp đỡ, hỗ trợ nhau từ việc nhỏ đến việc lớn. Những người nghèo, già yếu, bệnh tật luôn được bà con quan tâm chăm sóc tận tình. Cùng đó, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội, dành nhiều ưu tiên, ưu đãi cho người nghèo.

Người nghèo rất cần một mái nhà che nắng mưa, cần cơm ăn, áo mặc nhưng hơn cả, họ cần giúp kế sinh nhai, cần phương sách thoát nghèo. Điều đó thì không thể quyên góp từ thiện được, mà phải là từ sách lược, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và hành động hiệu quả của chính quyền địa phương.

HOÀI LÊ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ai-gop-tien-xay-nha-cho-nguoi-ngheo-737264