Ai là kẻ tiếp tay cho khủng bố trong vụ 11-9 ở Mỹ?
Trong tài liệu do Ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ giải mật ngày 15-7 vừa qua, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục điều tra liên bang (FBI) đã tiết lộ nhiều nhân vật có mối quan hệ với các tên không tặc quốc tịch Saudi Arabia, trước khi bọn chúng tiến hành vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào tòa tháp đôi ở thành phố New York. Tuy nhiên, báo cáo lại không đưa ra được kết luận Chính phủ Saudi Arabia có 'nhúng tay' vào vụ khủng bố ở Mỹ hay không.
Những mắt xích quan trọng
Trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới tại New York ngày 11-9-2001, 15 trong số 19 tên không tặc là công dân Saudi Arabia. Năm 2002, Saudi Arabia đã kêu gọi chính quyền Mỹ công khai báo cáo “tuyệt mật” này để đáp trả những cáo buộc rằng Riyadh đồng lõa, hỗ trợ cho những kẻ khủng bố. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thời đó George Bush đã đưa những thông tin trên vào hồ sơ mật để bảo vệ nguồn tin và các biện pháp tình báo, cũng như không muốn ảnh hưởng đến mối quan hệ với Saudi Arabia. Sau đó, dưới áp lực của gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11-9, Tổng thống Mỹ hiện nay Barack Obama đã yêu cầu minh bạch hồ sơ này và Washington đã chuyển tài liệu này cho Quốc hội để công bố vào sáng 15-7 vừa qua.
Theo CNN, tài liệu dài 28 trang này mô tả chi tiết những cáo buộc về mối liên hệ giữa một số tên không tặc trong vụ 11-9 và những công dân Saudia Arabia đang ở Mỹ vào thời điểm đó. Một trong số những nhân vật được đề cập trong báo cáo của Ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ là Omar al-Bayoumi, được cho là một quan chức tình báo của Riyadh.
Tài liệu mật mới được công bố cho biết, Omar al-Bayoumi đã từng hỗ trợ cho hai tên không tặc Khalid Al-Mihdhar và Nawaf al-Hazmi ở San Diego tháng 2-2000. Omar al-Bayoumi đã gặp chúng tại một địa điểm công cộng chỉ một thời gian ngắn sau khi anh ta có cuộc gặp với một nhân vật trong Lãnh sự quán Saudi Arabia. Có những thông tin cho biết, cuộc gặp này không phải là ngẫu nhiên. Trong khoảng thời gian đó, Omar đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ một công ty của Bộ Quốc phòng Saudi Arabia.
Điều đáng nói là công ty này có mối liên hệ mật thiết với trùm khủng bố Osama Bin Laden và mạng lưới Al-Qeada. Theo FBI, Omar nhận lương hàng tháng ở một công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng Saudi Arabia mặc dù hắn chỉ tới đây duy nhất có một lần. FBI kết luận, Omar al-Bayoumi có mối quan hệ mật thiết với nhiều nhân vật và tổ chức nằm dưới sự theo dõi của FBI.
Ngoài Omar al-Bayoumi, báo cáo của Ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ còn đề cập tới một nhân vật khác có tên là Osama Bassnan. Tên này cũng có các cuộc tiếp xúc với hai tên không tặc Khalid Al-Mihdhar và Nawaf al-Hazmi khi chúng ở San Diego cũng như có quan hệ mật thiết với hai tên không tặc khác là al-Bayoumi và Omar Bakarbashat. Tài liệu của FBI cũng chỉ ra rõ, Bassnan có quan hệ mật thiết với Chính phủ Saudi Arabia và rất có thể anh ta là một nhân viên tình báo của nước này. Trong khi đó, tài liệu của CIA cho hay, Bassnan đã nhận tiền tài trợ từ Đại sứ Saudi Arabia ở Mỹ và có thể sử dụng hộ chiếu giả của quan chức chính phủ Saudi Arabia.
Ngoài hai nhân vật “cộm cán” trên, tài liệu mật còn chỉ đích danh tên của Saleh al-Hussayen, Abdullah Bin Laden. Hai người này đều làm việc cho Chính phủ Saudi Arabia thông qua Đại sứ quán nước này tại Washington. FBI còn xác định Abdullah Bin Laden là anh em họ với trùm khủng bố Osama Bin Laden.
Chính phủ Saudi Arabia có dính líu?
Tuy nhiên, theo Sputnik, tập tài liệu dày 28 trang kia, vốn bị giữ kín suốt hơn một thập kỷ qua này, lại không nêu bật được "bằng chứng hiển nhiên" khẳng định sự can dự của Chính phủ Saudi Arabia trong vụ tấn công khủng bố khiến gần 3.000 người thiệt mạng bởi các thông tin trên vốn chưa được kiểm chứng độc lập khi được biên soạn.
Trong tài liệu này, FBI và CIA đã báo cáo lên Ủy ban tình báo của Quốc hội Mỹ rằng, họ đã nghiêm túc xem xét vấn đề Saudi Arabia nhưng chỉ nhận thấy mối liên hệ rất hạn chế của Chính phủ Saudi Arabia với các nhân tố khủng bố. Cũng theo tài liệu này, sau đó, FBI và CIA đã thành lập một nhóm công tác chung để xem xét về mối quan hệ giữa Saudi Arabia và các nhóm bạo lực cực đoan. Một trong những lý do khiến cơ quan chức năng nắm thông tin rất hạn chế về quy mô hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác của Saudi Arabia với các tổ chức khủng bố là bởi Saudi Arabia là đồng minh của Mỹ nên công tác điều tra không tiến hành quyết liệt.
Với mối quan hệ đồng minh mật thiết đó, các cơ quan tình báo Mỹ đã bỏ qua những nghi vấn về việc Chính phủ Saudi Arabia có quan hệ với các không tặc. “Theo quan điểm của Ủy ban tình báo, lỗ hổng này của các cơ quan tình báo Mỹ là không thể chấp nhận được và các cơ quan tình báo Mỹ cần phải giải quyết vấn đề này càng nhanh càng tốt”, báo cáo viết. Do đó, giới phân tích nhận định, tài liệu mật này thực chất là một bản tổng hợp các thông tin để phục vụ cho công tác điều tra sau này thay vì một sự kết luận đã được xác nhận.
Trước khi tài liệu trên được công bố, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã khẳng định văn bản này xác nhận không có bất kỳ bằng chứng nào chứng tỏ sự liên quan giữa Chính phủ Saudi Arabia với nhóm không tặc trong vụ tấn công thảm khốc ngày 11-9. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã lên tiếng hoan nghênh việc công bố tài liệu trên, đồng thời bày tỏ hy vọng kết quả điều tra trên sẽ giúp chấm dứt mọi nghi ngờ nhằm vào Saudi Arabia trong gần 15 năm qua.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ai-la-ke-tiep-tay-cho-khung-bo-trong-vu-11-9-o-my/