Ai là người Canada điển hình? Ôn hòa hay la hét như Đoàn xe Tự do?

Cảnh tượng của Đoàn xe Tự do - hò hét, bấm còi inh ỏi, gây tắc nghẽn giao thông - đối lập hoàn toàn với hình ảnh thế giới vẫn luôn nghĩ về người Canada: Ôn hòa, tốt bụng, tuân thủ.

Cuối tuần trước, giữa giao lộ trông như “hố rác” và tòa nhà Quốc hội che lấp bởi các biển báo “tin tức giả”, “điều kháng cự tuyệt vời”, một người đàn ông trung niên tên Johnny Rowe ngồi trên dải phân cách, lên tiếng chào.

“Chào mừng đến với Ottawa. Cảm ơn vì đã đến”, ông nói giữa tiếng hò hét của đám đông đang đổ ra đường.

Nếu như thế giới bối rối bởi những cảnh tượng đang diễn ra trên đường phố Canada, thì nhiều người Canada cũng vậy. Họ chết lặng, cảm xúc không khác gì các quan chức chính phủ hay cảnh sát - những người đứng trước đầu xe tải khổng lồ còi kêu inh ỏi làm rung chuyển màn đêm của thủ đô vốn bình yên.

Chính phủ Canada hôm 14/2 đã kích hoạt Đạo luật Khẩn cấp nhằm gia tăng quyền lực trong việc trấn áp các cuộc biểu tình không ôn hòa. Ở Alberta, cảnh sát bắt giữ 11 người và thu một kho vũ khí lớn. Trước đó, cầu Ambassador nối với Detroit, Mỹ đã lưu thông trở lại sau gần một tuần bị Đoàn xe Tự do chặn đứng.

Hỗn loạn trong những tuần gần đây khiến nhiều người tự hỏi liệu Canada có đang chứng kiến sự ra đời của phe phái chính trị cực hữu, hay đó chỉ là cơn giận dữ do đại dịch gây ra, theo New York Times. Nhiều người cho rằng Đoàn xe Tự do không sai, họ chỉ là tấm gương phản chiếu cho một phần không thể thiếu của Canada, đối tượng không phù hợp với khuôn mẫu chung của đất nước nên từ lâu đã không được chú ý tới.

Sự giận dữ mới lạ

Tình trạng bất ổn dường như đối lập với tính cách vốn được biết đến là ôn hòa, tuân thủ quy tắc và tốt bụng của người Canada.

“Cảm giác bây giờ giống như cả quốc gia suy sụp. Mọi người tự hỏi chính xác điều gì đang xảy ra với đất nước của mình”, Susan Delacourt, nhà báo chính trị kỳ cựu của Canada đến từ Ottawa, cho biết.

Các cuộc biểu tình "Đoàn xe Tự do", bắt đầu bởi các tài xế xe tải Canada phản đối quy định phòng dịch Covid-19, đã thu hút thêm những người phản đối nhiều chính sách khác, từ kiểm soát đại dịch đến thuế carbon. Một số người thúc giục thủ tướng từ chức, thậm chí là bỏ tù vì các quy định về vaccine mà chính phủ đã thông qua.

Sự giận dữ những ngày gần đây là điều mới lạ. Trong suốt 2 năm qua, người dân Canada luôn tuân thủ mọi chính sách phòng dịch nghiêm ngặt nhất. Trong đại dịch, đeo khẩu trang và tiêm vaccine là thước đo để thể hiện tình đoàn kết dân tộc. Canada là một trong những quốc gia tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới, với hơn 83% dân số trên 5 tuổi nhận ít nhất 2 liều vaccine.

Mặc dù có một số cuộc biểu tình về vấn đề khẩu trang, ngày càng có nhiều sự phẫn nộ nhắm vào chính quyền địa phương vì không cố gắng thêm nữa để bảo vệ công dân. Họ giận dữ với cả những chính trị gia vi phạm quy định.

 Trung tâm thành phố Ottawa vang vọng tiếng hô và khẩu hiệu bằng ngôn ngữ của cách mạng Mỹ. Ảnh: New York Times.

Trung tâm thành phố Ottawa vang vọng tiếng hô và khẩu hiệu bằng ngôn ngữ của cách mạng Mỹ. Ảnh: New York Times.

“Chúng ta hãy chăm sóc lẫn nhau trong thời điểm cần thiết này, Canada”, Thủ tướng Justin Trudeau nói vào tháng 3/2020, vài ngày sau khi vợ ông xuất hiện triệu chứng Covid-19 và ông trở thành nhà lãnh đạo G7 đầu tiên cách ly. "Bởi vì đó là bản chất con người chúng ta”.

Có thể là do Canada, không giống như quốc gia láng giềng, sinh ra từ các cuộc đàm phán chứ không phải từ cách mạng. Do đó, cách tiếp cận hiện tại, theo kiểu nổi dậy, có vẻ khác thường, thậm chí kỳ quặc. Nhưng có một điều rõ ràng là: Các thành viên của Đoàn xe Tự do không “thỏa hiệp” hay “chăm sóc lẫn nhau”.

Trung tâm thành phố Ottawa vang lên tiếng hô và khẩu hiệu bằng ngôn ngữ của cách mạng Mỹ, trong đó có cả cờ “Don’t Tread on Me” (tạm dịch: Chớ giẫm lên tôi). Tiếng “tự do” lặp lại nhiều lần. Mặc dù lá cờ treo trên cao theo phong cách đặc trưng của Canada, nó được gắn vào cây gậy khúc côn cầu.

Nhiều người dần tin tình trạng bất ổn hiện tại là do du nhập từ Mỹ. Trong hai năm, người Canada phần lớn mắc kẹt ở nhà, và nhiều người dành nhiều thời gian trước TV hơn bao giờ hết. Gerald Butts, người bạn lâu năm và cựu trợ lý chính trị hàng đầu của ông Trudeau, cho biết họ có thể tiếp thu văn hóa Mỹ trên Fox News đến Breitbart, và những ý tưởng theo kiểu Donald Trump dần cắm rễ vào Canada.

Tất cả không chỉ dừng lại ở suy nghĩ. Nhà hoạt động cánh hữu ở Mỹ và các nơi khác không chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần cho nhóm này mà còn mở cả hầu bao. Có một dòng tiền không xác định đã hỗ trợ những người biểu tình mua nhiên liệu cho xe tải và các chi phí khác.

Dấu hiệu nền chính trị thay đổi?

Theo truyền thống, chính trị Canada không phân cực như Pháp, Anh hay Mỹ. Đảng Nhân dân cực hữu của Canada, lãnh đạo bởi Maxime Bernier, người đấu tranh cho cuộc biểu tình của tài xế xe tải, đã không giành được một ghế nào trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2021.

Nhưng chủ nghĩa dân túy không hoàn toàn xa lạ với đất nước này, theo Janice Stein - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto. Một người theo chủ nghĩa dân túy, anh trai của Thủ hiến bang Ontario Doug Ford, từng giữ chức thị trưởng của thành phố lớn nhất đất nước, Toronto.

Trên thực tế, chính trị Canada có thể yên bình hơn nhiều nơi khác, nhưng không phải vì người Canada bẩm sinh đã tử tế hơn. Điều đó đang trở nên rõ ràng hơn rất nhiều.

Không sớm thì muộn, những chiếc xe tải sẽ phải rời đi, nhưng liệu phong trào mà thủ tướng coi là “thiểu số” có tiếp tục phát triển? Một số người nghi ngờ khả năng này.

Tình trạng bất ổn khiến nhiều cư dân Ottawa tức giận khi họ có cảm giác thành phố mình đang bị chiếm đóng. Nhưng các cuộc biểu tình cũng thu hút một số lượng lớn những người ủng hộ, biến trung tâm thành phố thành một bữa tiệc. Những người lạ dừng lại để trò chuyện, ôm và cười rạng rỡ - điều mà sau hai năm đeo khẩu trang họ không được làm. Một phụ nữ diễu hành trên đường phố với tấm biển khuyến khích “mọi người hãy cười nhe răng”.

 Khẩu hiệu treo trên hàng rào ở trung tâm thành phố Ottawa. Ảnh: New York Times.

Khẩu hiệu treo trên hàng rào ở trung tâm thành phố Ottawa. Ảnh: New York Times.

Không mất nhiều thời gian để nghe những câu chuyện cá nhân, và để hiểu tại sao một người tuân thủ quy tắc quyết định tham gia biểu tình.

“Mỗi người đều bị tổn thương theo cách riêng”, ông Rowe nói. Là huấn luyện viên Bikram Yoga từ thành phố Kingston, cách đó thủ đô hai giờ đi xe, ông Rowe liệt kê những khoản lỗ trong hai năm qua, nước mắt lưng tròng: Nhà cửa, công việc kinh doanh và một nửa số tiền tiết kiệm khi nghỉ hưu. Và sau đó là cái chết của anh rể.

“Đau khổ đến mức mà họ không còn gì để mất”, ông nói.

So với nhiều quốc gia, dịch Covid-19 ở Canada nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn phải trả một cái giá đắt. Những hạn chế phòng dịch áp dụng quá lâu và nặng nề.

Gần hai năm sau đại dịch, Canada vẫn ở trong nhiều giai đoạn phong tỏa khác nhau. Gần đây, chính quyền mới cho phép ăn uống trong nhà tại hai tỉnh lớn nhất là Ontario và Quebec. Cư dân phải ở trong nhà hơn một năm trời. Học sinh ở Ontario bỏ lỡ việc học trên lớp nhiều hơn bất kỳ nơi nào tại Bắc Mỹ.

Hầu hết người dân Canada không đồng tình với Đoàn xe Tự do và lo lắng rằng nền dân chủ đang bị đe dọa. Tuy nhiên, nhiều người thông cảm cho nhóm biểu tình, đặc biệt là người Canada trẻ tuổi.

Trong số những người đang xem cảnh tượng diễn ra ở Ottawa, có ông Albert Dumont. Ông Dumont không chỉ bác bỏ khái niệm tự do của những người biểu tình, do ảnh hưởng đối với cư dân địa phương, mà toàn bộ ý tưởng Canada luôn đặc biệt tốt đẹp, hoặc khoan dung.

“Cha tôi không được bỏ phiếu cho đến năm 1960, cách đây không lâu lắm”, ông nói. "Đã có khoảng thời gian Canada xấu xa và rất tàn nhẫn đối với người bản địa".

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-la-nguoi-canada-dien-hinh-on-hoa-hay-la-het-nhu-doan-xe-tu-do-post1296380.html