Ai là người phát minh ra tiêm chủng, giúp bảo vệ hàng tỷ người khắp toàn cầu?

Tiêm chủng không chỉ cứu sống hàng triệu người mỗi năm thoát khỏi các bệnh dịch quái ác mà còn đặt nền móng cho sự phát triển vaccine trong tương lai. Vậy việc tiêm chủng có từ khi nào và nó đã thay đổi thế giới ra sao?

Người phát minh ra tiêm chủng và thiết lập “đế chế” vaccine

Ngày nay cả thế giới phải công nhận cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine. Thành tựu y học này đã giúp gần 8 tỷ người trên thế giới tránh khỏi cái chết do những đại dịch hoành hành từ thế kỷ 17 trở về trước. Tiêm chủng được áp dụng cho cả người lớn và trẻ em, hầu như ai cũng hiểu rằng chỉ cần một mũi tiêm, cơ thể chúng ta sẽ được miễn nhiễm với nhiều căn bệnh quái ác không thuốc chữa.

Edward Jenner (1749-1823), một bác sĩ sống ở Berkeley (Gloucestershire, Vương quốc Anh) là người đặt nền móng cho tiêm chủng và có công lao to lớn trong việc thiết lập ra "đế chế" vaccine giúp bảo vệ hàng tỷ người khắp hoàn cầu.

Bác sĩ Edward Jenner (1749-1823).

Bác sĩ Edward Jenner (1749-1823).

Năm 1796, châu Âu chìm trong đại dịch đậu mùa, khi đó không ai có khái niệm về virus. Năm 1798, bác sĩ Edward Jenner công bố kết quả thí nghiệm thì người ta mới hình dung là có các "mầm bệnh" gây nên sự truyền nhiễm.

Lúc bấy giờ quê hương của bác sĩ Edward Jenner cũng bị đại dịch đậu mùa đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người và gia súc. Ước tính năm 1773, cứ 10 người Anh mắc bệnh thì có đến 9 tử vong. Người nào sống sót cũng bị lở loét, mặt rỗ, chịu cảnh cô độc, tủi hổ suốt phần đời còn lại, bị cả cộng đồng ghẻ lạnh, tẩy chay bởi khả năng lây nhiễm khủng khiếp của bệnh.

Triệu chứng ban đầu của đậu mùa là nổi các mụn đỏ, sau đó thành mụn nước lan ra khắp cơ thể, gây sốt, nhiễm trùng, có thể dẫn đến mù lòa và tử vong. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc nên số người mắc tăng lên rất nhanh. Bác sĩ Jenner đã dành suốt nhiều năm tìm hiểu về căn bệnh này nhưng không thể tìm ra cách chữa trị.

Một lần Jenner tình cờ phát hiện bệnh "đậu bò", tức là bệnh đậu mùa ở bò. Vị bác sĩ quan sát thấy một điều lạ là những người vắt sữa bò sau khi mắc bệnh này thì tuyệt nhiên không bị đậu mùa nữa, do các triệu chứng tương tự nhau nên ông gọi tên nó là "đậu bò". Từ đó vị bác sĩ này đã nảy ra ý định tìm hiểu hiểu căn nguyên cũng như phương pháp để chữa bệnh này.

Bệnh đậu mùa nổi các mụn đỏ, sau đó thành mụn nước lan ra khắp cơ thể, gây sốt, nhiễm trùng, có thể dẫn đến mù lòa và tử vong.

Bệnh đậu mùa nổi các mụn đỏ, sau đó thành mụn nước lan ra khắp cơ thể, gây sốt, nhiễm trùng, có thể dẫn đến mù lòa và tử vong.

Sự liều lĩnh và công cuộc thay đổi suy nghĩ của cả nhân loại

Dựa trên những thí nghiệm và quan sát thực tế mà ông đã thu thập được từ những năm 1770, Jenner đã xuất bản một văn bản kinh điển trong biên niên sử của y học: “Điều tra về Nguyên nhân và Tác dụng của Variola Vaccine”. Có nghĩa là lấy vi trùng từ động vật mắc bệnh và làm cho vi rút yếu sau đó tiêm vào cơ thể người qua đường máu được Jenner gọi là “vaccination”.

Theo ông, khi loại vi khuẩn bị suy yếu được tiêm vào người, cơ thể sẽ tự phát sinh ra một yếu tố kháng lại bệnh đó. Vì thế, những người đã được tiêm sẽ không mắc bệnh đậu mùa nữa. Ông khẳng định rằng, bệnh thủy đậu bảo vệ con người khỏi sự lây nhiễm bệnh đậu mùa và đặt nền móng cho vaccine hiện đại.

Jenner đến gặp một người phụ nữ chuyên làm nghề vắt sữa bò đang bị bệnh đậu bò. Bệnh này thường xuyên xuất hiện ở bò làm cho toàn thân con vật nổi các mụn nước. Bác sĩ đã chiết lấy dịch từ các vết đậu bò trên cánh tay của cô gái chăn bò rồi cấy dịch này vào cánh tay của cậu bé 8 tuổi khỏe mạnh cùng làng tên là James Phipps. Sau đó Phipps đã có những triệu chứng của bệnh đậu bò. 48 ngày sau, Phipps khỏi hẳn bệnh đậu bò, Jenner liền tiêm chất có chứa mầm bệnh đậu mùa vào người cậu. Theo dõi cho thấy có một hiện tượng kỳ lạ, đó là Phipps không hề mắc đậu mùa.

Edward Jenner là người đặt nền móng cho tiêm chủng và có công lao to lớn trong việc thiết lập ra "đế chế" vaccine giúp bảo vệ hàng tỷ người khắp hoàn cầu.

Edward Jenner là người đặt nền móng cho tiêm chủng và có công lao to lớn trong việc thiết lập ra "đế chế" vaccine giúp bảo vệ hàng tỷ người khắp hoàn cầu.

Phương pháp "tiêm ngừa" của Jenner xét theo các tiêu chuẩn y đức ngày nay là hoàn toàn sai trái. Tuy nhiên, nếu không nhờ vào sự liều lĩnh của ông thì cả châu Âu khi đó sẽ rơi vào bàn tay tử thần do đại dịch đậu mùa hoành hành. Hành động của Jenner đã giúp đứa trẻ có thể đề kháng được bệnh.

Không dừng lại ở đó, Jenner còn áp dụng cho chính con trai mình, dù đứa trẻ mới 10 tháng tuổi. Kết quả mang lại khá tích cực, em bé cũng không bị bệnh đậu mùa.

Dựa trên nguyên lý trên, vị bác sĩ đã hoàn thành công nghệ chế tạo thuốc tiêm chủng với các công đoạn sau:

- Bước một: Lấy vi trùng bệnh đậu mùa trên một con bò mắc bệnh.

- Bước hai: Làm cho vi trùng yếu đi.

- Bước ba: Tiêm các vi trùng này vào cơ thể người qua đường máu.

Năm 1798, phương pháp tiêm chủng của Jenner được nhân rộng ra khắp thế giới. 2 năm sau, chính phủ Anh đã mời ông tiêm cho binh chủng Hải quân hoàng gia, nhờ khả năng phòng bệnh hiệu quả, vị bác sĩ đã được ban thưởng rất hậu hĩnh. Hoàng đế Napoleon ở Pháp cũng ra lệnh cho toàn bộ binh lính phải tiêm chủng đậu mùa, sau đó Mỹ cũng áp dụng phương pháp này.

“Sự tiêm chủng của Jenner”, nhanh chóng trở thành phương pháp chính để ngăn ngừa bệnh đậu mùa trên toàn thế giới, thậm chí trở thành bắt buộc ở một số quốc gia.

Những nghiên cứu của Edward Jenner đã chính thức ngăn chặn được bệnh đậu mùa.

Những nghiên cứu của Edward Jenner đã chính thức ngăn chặn được bệnh đậu mùa.

Thành công lớn nhất của Jenner là chinh phục được bệnh đậu mùa. Năm 1802, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban quốc tế về phòng chống đậu mùa. Vị bác sĩ lần lượt được nữ hoàng Anh, Nga, hoàng đế Pháp, tổng thống Mỹ trao giải thưởng giá trị vì đã có những đóng góp to lớn cho nhân loại. Sau đó Jenner được mời vào làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Tại các quốc gia hùng cường như Anh, Pháp, Italy... người ta đã đúc tượng của ông để tưởng nhớ và ghi ơn.

Ngày 16/1/1823, Jenner trút hơi thở cuối cùng do tai biến mạch máu não. Chính phủ Anh xin được chôn cất thi hài ông ở Tu viện Westminster, nơi an nghỉ những người con ưu tú của nước Anh và cả nhân loại. Người ta gọi ông là "bác sĩ tài ba bất tử của nhân loại" và "cha đẻ của vaccine" đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho ngành y học dự phòng thế giới.

Theo D.H (th)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ai-la-nguoi-phat-minh-ra-tiem-chung-giup-bao-ve-hang-ty-nguoi-khap-toan-cau-16922102307565048.htm