Ai là thủ phạm thực sự gây nổ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc của Nga?
Kể từ khi các vụ nổ gây hư hại 2 đường ống dẫn khí đốt dưới biển nối Nga với Đức - Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 hồi tháng 9 năm ngoái, đã có rất nhiều cáo buộc về thủ phạm đứng sau sự cố.
Sáng 26/9/2022, thiết bị giám sát của Đan Mạch đã phát hiện một cơn địa chấn tương đương sức công phá của 500kg thuốc TNT gây ra ở phía đông nam đảo Bornholm. Cùng lúc đó, việc giảm áp suất được ghi nhận ở Dòng chảy phương Bắc 2, tuyến phía nam của hai đường ống song song, được thiết kế để vận chuyển khí đốt của Nga dưới biển Baltic.
Một chùm bọt khí metan sau đó được phát hiện trên bề mặt. 17 giờ sau, một vết rò rỉ khác được phát hiện ở phía đông bắc. Các vụ nổ đã làm thủng một số lỗ trên các lớp vỏ thép và bê tông của Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2.
Cả hai đường ống, vốn đều do công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom vận hành, đang không truyền tải khí đốt vào thời điểm đó. Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành vào năm 2021, nhưng chưa bắt đầu hoạt động do Đức đình chỉ dự án trước thềm cuộc xung đột Nga - Ukraine. Moscow đã ngừng bơm khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 khoảng một tháng trước khi xảy ra vụ nổ, với lí do bảo trì.
Một số quan chức châu Âu ban đầu tin, sự cố có thể do Nga, quốc gia đang leo thang chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng và cuộc chiến năng lượng với châu Âu khi đó, gây ra. Họ trích dẫn căn cứ là Hạm đội Baltic của Nga, vốn có thể triển khai thợ lặn hoặc tàu ngầm mini, đang cắm chốt ở Kaliningrad, cách các mục tiêu 300km.
Vụ tấn công cũng diễn ra một ngày trước khi Ba Lan hoàn thành một đường ống mới để nhập khẩu khí đốt của Na Uy qua Đan Mạch, nhằm giảm sự phụ thuộc lâu dài vào nhiên liệu từ xứ sở bạch dương. Vào ngày 12/10, tức 2 tuần sau sự cố, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo cơ sở hạ tầng năng lượng của thế giới đang “gặp rủi ro”.
Ngược lại, Nga cáo buộc Mỹ là thủ phạm thực sự. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần khuyến cáo, việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ “đặt dấu chấm hết” cho Dòng chảy phương Bắc 2, dự án Washington phản đối từ lâu. Hồi tháng 2 năm nay, Seymour Hersh, một nhà báo điều tra người Mỹ đã căn cứ vào một nguồn tin ẩn danh để tuyên bố rằng, các thợ lặn của Hải quân Mỹ đã đặt chất nổ trên các đường ống dẫn khí của Nga. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã bác bỏ nhận định này và phát biểu của ông Hersh được đánh giá là “đầy rẫy sai sót về thực tế và logic”.
Theo tạp chí The Economist, cả hai cường quốc dường như không có động cơ rõ ràng để ra tay. Bằng cách phá hủy cơ sở hạ tầng của chính mình, Nga sẽ tự tước đi đòn bẩy trong tương lai đối với châu Âu đang thiếu năng lượng. Trong khi, một cuộc tấn công của Mỹ sẽ có nguy cơ làm mất lòng các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức. Và ông Biden nhìn chung đã có cách tiếp cận thận trọng đối với cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.
Những đồn đoán mới nhất xoay quanh sự dính líu của người Ukraine, mặc dù bằng chứng được đưa ra cho đến nay là rất mong manh. Ngày 7/3 vừa qua, truyền thông Đức đồng loạt đưa tin, cảnh sát nước này đã xác định được một du thuyền tình nghi được sử dụng để vận chuyển chất nổ đến khu vực sự cố. Du thuyền được thuê ở Ba Lan, từ một công ty dường như thuộc sở hữu của 2 người Ukraine. Cũng theo các nguồn tin, 6 người đã dùng hộ chiếu giả để đi thuyền từ cảng Rostock của Đức bên bờ biển Baltic vào ngày 6/9, gần 3 tuần trước khi xảy ra các vụ nổ.
Thông tin của báo chí Đức trùng khớp với tiết lộ trên tờ báo Mỹ New York Times rằng, tình báo Mỹ nghi ngờ các nhóm thân Kiev đã thực hiện vụ tấn công. (Người Mỹ không cáo buộc chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky hay quân đội Ukraine gây ra vụ việc). Một bài viết đăng tải ngày 8/3 trên tờ Times của Anh cho rằng, chính phủ của các nước thành viên NATO đã che đậy những nghi ngờ về sự dính líu của Ukraine để ngăn cản dư luận Đức phản đối việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Động cơ của Ukraine theo giả thuyết là hợp lý, dù khó mang tính quyết định. Nước này từ lâu đã coi các đường ống Dòng chảy phương Bắc là rủi ro an ninh quốc gia, làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung khí đốt của Nga và tước đi phí vận chuyển mà nước này có thể buộc Gazprom phải trả như đối với các đường ống dẫn trên đất liền. Ngoài ra, sự gia tăng gần đây của các hoạt động phá hoại có liên quan đến Ukraine, bao gồm cả những vụ tập kích vào các sân bay ở Nga và Belarus, ám chỉ sự chú trọng và các hoạt động giao tranh khác thường. Một số nhà quan sát thậm chí suy đoán, người Mỹ có thể đã quyết định cung cấp thông tin tình báo về sự cố như một lời cảnh báo cho Kiev không được leo thang hơn nữa.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các cuộc tấn công có thể được xúc tiến mà không có sự trợ giúp của nhà nước nào đó hay không. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã phủ nhận sự liên quan của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius khuyến cáo không nên có những kết luận vội vàng, đồng thời lưu ý đến khả năng xảy ra một chiến dịch giả mạo để đổ lỗi cho các nhóm người Ukraine.
Nhà chức trách Đan Mạch, Đức và Thụy Điển đều đang tiến hành điều tra vụ việc. Song hiện tại, các manh mối giúp hé lộ thủ phạm thật sự dường như vẫn còn mờ mịt.