AI làm thay đổi thị trường việc làm
Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang chứng tỏ vai trò và tiềm năng ngày càng lớn của công nghệ trong việc giải quyết các thách thức phát triển, trong đó có vấn đề việc làm và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn về mức độ chuyển đổi trong thị trường việc làm giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Không mang lại giá trị gia tăng
Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), quá trình số hóa đang cải tiến cách thức và nâng cao điều kiện làm việc ở cả các nước thu nhập thấp và trung bình, song chưa thể thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu việc làm và kỹ năng của người lao động như tại các nước phát triển.
Nhờ có các nền tảng kỹ thuật số quản lý lao động, nhiều công ty ở Anh, Mỹ, Pháp, Canada đã chuyển các công việc phổ thông như dịch vụ kỹ thuật, tổng đài chăm sóc khách hàng sang các nước đang phát triển như Ấn Độ, Philippines, Ghana, Uganda, Nigeria, Brazil để tiết kiệm chi phí hoạt động. Hàng triệu việc làm đã được tạo ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình nhờ sự xuất hiện của các trung tâm tổng đài như vậy.
Tuy nhiên, người lao động phải làm việc với sự giám sát chặt chẽ, áp lực chỉ tiêu và làm việc nhiều giờ liên tục, trong khi thu nhập thấp và ít cơ hội thăng tiến. Bên cạnh đó, những công việc này thường không liên quan đến bằng cấp của người lao động và gần như không tạo ra cơ hội để họ trang bị thêm các kỹ năng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều công việc khác được tạo ra trong nền kinh tế số. Các tập đoàn công nghệ lớn như Meta, Alphabet hay Microsoft đang thuê các công ty ở Kenya, Ấn Độ và Philippines thực hiện các công việc như xem xét và kiểm duyệt nội dung, chú thích dữ liệu, gắn thẻ hình ảnh và ghi nhãn. Đây chỉ được coi là những việc vặt, yêu cầu trình độ thấp, không mang lại các giá trị gia tăng và do đó không thúc đẩy chuyển đổi kinh tế, xã hội và công nghệ tại các nước đang phát triển.
Còn nhiều hạn chế, rào cản
Nghiên cứu của ILO cho thấy, so với các nước giàu, các nước đang phát triển được đánh giá là cởi mở và nhạy bén hơn trong việc ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực đời sống. Điều này đòi hỏi một lực lượng lao động có kiến thức sâu và kỹ năng cao để tận dụng hết lợi thế công nghệ.
Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển, phần lớn các công việc ứng dụng hoặc liên quan đến AI là các công việc cấp thấp chứ không đi sâu vào nghiên cứu và phát triển AI. Hạn chế về trình độ phát triển và tài chính là rào cản lớn nhất khiến các nước này không thể phát triển nguồn nhân lực mạnh trong các ngành công nghệ. Bên cạnh đó, các nước đang phát triển vẫn có hạn chế, gặp bất lợi trong hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thích nghi mức độ tài chính hóa của các hoạt động kinh tế.
Công nghệ thông tin được coi là động lực để tạo ra một mô hình phát triển mới dựa trên nền kinh tế tri thức, giúp cải thiện năng suất, xây dựng thị trường và tạo ra việc làm mới ở các nước đang phát triển. Nhưng quỹ đạo phát triển còn chịu sự tác động của các yếu tố xã hội, kinh tế và thể chế khác.
Theo ILO, để quá trình số hóa có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển bắt kịp và đạt được những thành tựu như các nước phát triển, cần có các chính sách then chốt hướng tới sự phát triển bền vững, công bằng và bao trùm. Hơn hết, việc ứng dụng công nghệ cũng cần đảm bảo quyền lợi và tạo thêm các cơ hội cho người lao động.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ai-lam-thay-doi-thi-truong-viec-lam-post737837.html