AI liệu có soán ngôi chuyên gia tuyển dụng?

Kể từ khi AI xuất hiện, không ít ngành nghề đã và đang đứng trước nguy cơ bị thay thế. Nhưng với những nghề đặc thù như tuyển dụng, liệu AI có thể cạnh tranh?

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Week)

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Week)

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước xâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống, câu hỏi đặt ra là: liệu công nghệ này có thể thay thế được vai trò của những chuyên gia tuyển dụng, những người giữ vai trò cốt lõi trong kết nối giữa con người với con người?

Kể từ khi AI hiện diện mạnh mẽ trong các hoạt động sản xuất-kinh doanh, không ít ngành nghề đã và đang đứng trước nguy cơ bị thay thế. Nhưng với những nghề đặc thù như tuyển dụng, vốn gắn liền với sự thấu hiểu, giao tiếp và cảm xúc, liệu AI có thể thật sự cạnh tranh?

Theo báo cáo công bố hồi tháng 1/2024 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 60% công việc tại các nước phát triển, trong đó có Bỉ sẽ chịu ảnh hưởng bởi AI, so với 40% ở các khu vực còn lại trên thế giới.

Trong số này, một nửa số việc làm có thể được hỗ trợ đáng kể bởi AI thông qua việc tăng năng suất, nửa còn lại phải đối mặt với nguy cơ bị công nghệ cạnh tranh trực tiếp, từ đó làm sụt giảm nhu cầu lao động, lương bổng, số lượng tuyển dụng, thậm chí dẫn đến sự biến mất của một số nghề nghiệp.

Điều đáng nói là khác với trước đây khi công nghệ chủ yếu thay thế những công việc lặp đi lặp lại, dễ tự động hóa, AI ngày nay đang tiến sâu vào cả những lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.

Trong bối cảnh đó, những nghề nghiệp đặt nặng yếu tố con người như tuyển dụng, nơi kỹ năng giao tiếp và sự thấu cảm đóng vai trò then chốt, liệu có còn giữ được vị thế của mình?

Tại châu Âu, AI vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và hỗ trợ hạn chế trong lĩnh vực tuyển dụng.

Ông Joël Poilvache, Giám đốc điều hành khu vực của công ty tư vấn nhân sự Robert Half, cho biết hiện tại, ở Bỉ, AI mới chỉ được dùng để nhận diện hồ sơ, sàng lọc CV, quản lý cơ sở dữ liệu hoặc soạn thảo tin tuyển dụng. Các cuộc phỏng vấn bằng robot là điều hiếm gặp, nhưng tình hình có thể thay đổi nhanh chóng trong tương lai gần.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, AI vẫn chưa, và có lẽ chưa thể, thay thế hoàn toàn vai trò của nhà tuyển dụng. Thay vào đó, AI đóng vai trò là công cụ hỗ trợ, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả trong những quy trình lặp lại.

Bà Clarissa Pryce, quản lý tại công ty tuyển dụng Robert Walters, nhận định: AI nên được dùng như một công cụ gia tăng sức mạnh cho chuyên môn con người. Ví dụ, với công cụ tóm tắt nội dung phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể tập trung lắng nghe nhiều hơn trong cuộc trò chuyện và sau đó vẫn có bản ghi chú mạch lạc, rõ ràng để lưu trữ.

Dù AI ngày càng được cải tiến, nhưng trong lĩnh vực tuyển dụng, yếu tố con người vẫn là trung tâm. Đó là điều không thể số hóa. Một cuộc gặp gỡ trực tiếp, một ánh mắt, nụ cười hay cái bắt tay, những chi tiết tưởng chừng nhỏ bé lại mang ý nghĩa quyết định trong quá trình tuyển dụng.

“Thông thường, một cuộc tuyển dụng kết thúc bằng cái bắt tay, một cảm xúc, đó là sự tiếp xúc giữa người với người. Khoảnh khắc ấy đánh dấu sự khởi đầu của một mối quan hệ làm việc. Vì vậy, nhà tuyển dụng cần tạo dựng sự tin cậy và thân thiện ngay từ lần gặp đầu tiên,” ông Poilvache nhấn mạnh.

Sự phát triển của AI trong tuyển dụng là điều tất yếu. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ nên được xem là công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế hoàn toàn con người, ít nhất là ở hiện tại và trong tương lai gần.

Nhà tuyển dụng không chỉ là người "chọn người," họ còn là người truyền cảm hứng, kết nối và thấu hiểu ứng viên trong một hành trình sự nghiệp.

"Công nghệ có thể xử lý dữ liệu, nhưng chỉ con người mới cảm nhận được cảm xúc, sắc thái và chiều sâu trong mỗi ứng viên. Đó là điều mà doanh nghiệp vẫn luôn cần,” ông Poilvache chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ai-lieu-co-soan-ngoi-chuyen-gia-tuyen-dung-post1051403.vnp