Tiểu thương thời 4.0
Từ bao đời nay, hình ảnh những tiểu thương ở các chợ truyền thống luôn gắn liền với nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Nhưng giờ đây, khi thời đại số hóa len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống, một lớp tiểu thương mới đang 'âm thầm' chuyển mình - họ là những 'tiểu thương 4.0' biết dùng mã QR, thanh toán không tiền mặt, bán hàng qua mạng xã hội, livestream gọi đơn và ghi chép doanh thu bằng ứng dụng trên điện thoại...

Tiểu thương tại chợ Điện Biên sử dụng mã QR thanh toán, từng bước tiếp cận chuyển đổi số.
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương 43 tuổi, bán rau tại chợ Vườn Hoa là một ví dụ điển hình. Từng chỉ quen với mớ rau, chiếc cân và tiền mặt, chị Phượng giờ đây đã sử dụng điện thoại thông minh để ghi đơn, quét mã thanh toán qua Momo và Viettel Money, thậm chí còn đăng hình rau tươi lên Zalo để khách quen đặt trước.
“Mấy tháng đầu tập dùng công nghệ, tôi lóng ngóng mãi. Có hôm quét nhầm, có lúc bấm sai giá. Nhưng học dần cũng quen. Bây giờ mỗi buổi sáng tôi còn nhận đơn trước qua điện thoại, chuẩn bị sẵn, khách tới lấy là đi ngay, đỡ mất thời gian. Hôm nào rau đẹp, tôi đăng lên Facebook, bán vèo vèo", chị Phượng cười nói.
Sự thay đổi này không chỉ là bước tiến trong phương thức giao dịch, mà còn phản ánh tư duy mới của những người từng gắn bó với nếp cũ. Nếu trước đây, tiểu thương ở chợ thường bị gắn mác là “ngại thay đổi, lạc hậu”, thì nay không ít người đã chứng minh điều ngược lại rằng họ hoàn toàn có khả năng thích nghi với cái mới, miễn là có cơ hội tiếp cận, được hỗ trợ đúng cách.
Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, từ năm 2024 đến nay đã có hơn 2.500 tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh được tập huấn về thanh toán không tiền mặt và kỹ năng bán hàng trên nền tảng số. Các chợ như: Điện Biên (phường Hạc Thành), Bút Sơn (xã Hoằng Lộc), Cột Đỏ (phường Sầm Sơn)... đã và đang triển khai mô hình “chợ văn minh - chợ số” với sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ và tổ chức tín dụng. Đặc biệt, tỷ lệ tiểu thương nữ chiếm tới 85% trong số người đăng ký tham gia chuyển đổi số tại chợ, cho thấy vai trò quan trọng của phụ nữ trong hành trình này.
Không chỉ dừng lại ở việc quét mã QR hay sử dụng ví điện tử, nhiều tiểu thương còn chủ động đưa sản phẩm lên các kênh bán hàng online. Tại phường Tĩnh Gia, chị Đỗ Thị Nhàn - tiểu thương chuyên bán đồ khô tại chợ Còng đã thành công khi xây dựng một gian hàng trên Facebook cá nhân, kết hợp livestream bán hàng mỗi chiều.
“Tôi gọi vui đó là phiên chợ chiều ảo. Khách quen ở tận Hà Nội, Hải Phòng cũng mua mắm tép, ruốc khô của tôi đều đều. Có hôm đơn nhiều quá phải nhờ cả con gái phụ đóng gói”, chị Nhàn cho biết.
Đằng sau sự chuyển mình đó là nỗ lực bền bỉ của nhiều người vốn không có nền tảng công nghệ. Có người phải mượn điện thoại thông minh của con cháu để học cách thao tác. Có người tự mày mò từng bước, vừa bán vừa học. Hỗ trợ họ là các lớp tập huấn được tổ chức định kỳ bởi Sở Công Thương và các đơn vị viễn thông. Đặc biệt, nhiều chương trình về tiểu thương số do phụ nữ làm chủ công nghệ cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp triển khai đã trở thành điểm tựa cho hàng nghìn chị em tiểu thương mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ngô Thị Hồng Hảo chia sẻ: “Phần lớn chị em tiểu thương, đặc biệt là những người lớn tuổi, thường e dè với điện thoại thông minh, càng ngại cài đặt ứng dụng. Nhiều người thú thật, tôi “dốt” công nghệ lắm, không dùng được đâu. Nhưng khi cán bộ hội kiên trì xuống tận chợ, cầm tay chỉ việc, giúp họ thấy được lợi ích thực tế, thì chỉ sau vài buổi, họ đã thành thạo quét mã, ghi đơn, dùng ví điện tử. Chuyển đổi số không loại trừ ai cả, chỉ cần có sự đồng hành và quyết tâm, thì bất kỳ ai cũng có thể làm được”.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiểu thương “tiên phong”, vẫn còn nhiều tiểu thương chưa sẵn sàng bước vào “thế giới số”. Lý do phần lớn đến từ tâm lý e ngại, thiếu kỹ năng công nghệ, điều kiện hạ tầng hạn chế, đặc biệt ở các chợ vùng sâu vùng xa. Mặt khác, nhiều chợ truyền thống vẫn chưa có ban quản lý tích cực đồng hành hoặc thiếu chính sách khuyến khích cụ thể khiến việc áp dụng công nghệ bị chậm lại.
Trước những rào cản này, Thanh Hóa đang xây dựng kế hoạch thúc đẩy mô hình chợ truyền thống hiện đại một cách toàn diện. Ngoài việc nâng cấp cơ sở vật chất, tỉnh sẽ đẩy mạnh số hóa quy trình quản lý chợ, số hóa thông tin tiểu thương, ứng dụng camera, bảng giá điện tử và đặc biệt là phổ cập các giải pháp công nghệ phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Cùng với đó, việc vinh danh và truyền cảm hứng từ các “tiểu thương 4.0” tiêu biểu cũng được đẩy mạnh, để tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.
Chợ truyền thống không mất đi, mà đang dần khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại, minh bạch, gọn gàng hơn, và quan trọng là thân thiện hơn với cả người bán lẫn người mua. Những người như chị Phượng, chị Nhàn... không chỉ đang bán rau, bán hàng khô, mà còn đang lan tỏa niềm tin vào sự đổi mới. Họ là hình mẫu sống động cho thấy công nghệ không phải là rào cản với người buôn gánh bán bưng, mà chính là cây cầu giúp họ bước tới tương lai.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tieu-thuong-thoi-4-0-256098.htm