AI mang lại hiệu quả trong kinh doanh

Đối với các tổ chức, trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cả cơ hội lẫn thách thức, đặc biệt liên quan đến vấn đề quản trị, đạo đức và chiến lược dài hạn. Các doanh nghiệp có thể ứng dụng AI một cách hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, nhưng cần tuân thủ các nguyên tắc sử dụng có trách nhiệm và đảm bảo chuẩn mực đạo đức trong quản lý dữ liệu.

Ông Sylvester Kinuthia, Giám đốc Khối Ngân hàng Giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Ông Sylvester Kinuthia, Giám đốc Khối Ngân hàng Giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Vai trò của AI trong việc phát triển tiềm năng con người

Ý tưởng AI sẽ thay thế con người là mối quan tâm chung, nhưng điều đó không phản ánh bức tranh toàn cảnh. AI nên được sử dụng như một trợ lý thông minh, chứ không thể thay thế hoàn toàn công việc của con người. Bằng cách tự động hóa những công việc có tính chất lặp lại, AI giúp người lao động tập trung vào các công việc có giá trị cao như ra quyết định, tương tác với khách hàng và quản trị rủi ro. Tuy nhiên, để AI hỗ trợ công việc hiệu quả, các tổ chức cần ưu tiên chất lượng dữ liệu, độ chính xác của mô hình dữ liệu và giảm thiểu những thành kiến có thể làm sai lệch kết quả.

Lấy ví dụ về một nền tảng thương mại điện tử sử dụng AI để giới thiệu sản phẩm: Nếu dữ liệu được đưa vào hệ thống không đầy đủ hoặc có sai sót, thì các đề xuất có thể sẽ không chính xác. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên tục tinh chỉnh dữ liệu đầu vào và cập nhật các mô hình AI mới, đồng thời duy trì sự giám sát của con người để đảm bảo kết quả đầu ra từ AI phù hợp với mục tiêu kinh doanh và tiêu chuẩn đạo đức.

Tương lai của AI là sự hợp tác giữa con người với máy móc

Tương lai của AI là sự hợp tác giữa con người với máy móc

Xây dựng niềm tin cho các giải pháp dựa trên AI

Trong lĩnh vực như bán lẻ, nơi AI ngày càng được sử dụng nhiều hơn để mang lại trải nghiệm cá nhân cho khách hàng, sự cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và xây dựng niềm tin cho khách hàng là rất quan trọng. Khi các doanh nghiệp triển khai chatbot, nhận diện khuôn mặt và công nghệ thực tế tăng cường, họ phải đảm bảo dữ liệu khách hàng phải được xử lý cẩn thận. Niềm tin của khách hàng được xây dựng không chỉ qua việc sử dụng AI có trách nhiệm, mà còn qua những thông tin minh bạch, chi tiết về cách thức thu thập, sử dụng và bảo vệ dữ liệu.

Tại Standard Chartered, chúng tôi không chỉ đảm bảo tuân thủ quy định quản trị AI, mà còn tập trung vào đổi mới sáng tạo có trách nhiệm. Điều này còn mở rộng đến cách Ngân hàng quản lý dữ liệu của khách hàng và của nhân viên, với đạo đức quản lý dữ liệu là trọng tâm chính.

Năm nguyên tắc cốt lõi trong đạo đức quản lý dữ liệu - trách nhiệm giải trình, tôn trọng, công bằng, minh bạch và giá trị chung - chính là những tiêu chí của Ngân hàng khi xử lý dữ liệu, đảm bảo rằng các sáng kiến thông qua việc sử dụng AI sẽ củng cố niềm tin từ khách hàng và nhân viên.

AI có trách nhiệm và an ninh mạng

Khi việc áp dụng AI tăng nhanh trong các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp cần phải cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và trách nhiệm doanh nghiệp.

Việc tích hợp AI vào quy trình kinh doanh luôn tiềm ẩn rủi ro. Các mối đe dọa mới như deepfake và các vụ lừa đảo được hỗ trợ bởi AI đang dần trở nên phổ biến hơn, đó là lý do các doanh nghiệp cần tăng cường biện pháp đề phòng trước những rủi ro kỹ thuật số thế hệ mới này. AI có trách nhiệm (RAI) không chỉ mang ý nghĩa sử dụng AI để nâng cao hiệu quả và tăng mức độ tương tác với khách hàng, mà còn là nhận thức được các lỗ hổng tiềm ẩn mà AI có thể tạo ra.

Ví dụ, AI tạo sinh (AI tạo ra nội dung dựa trên dữ liệu đầu vào) đã đưa ra những lo ngại xung quanh “ảo giác AI”, là hiện tượng khi AI hiểu sai dữ liệu hoặc tạo ra nội dung không chính xác, nhưng lại được trình bày giống như sự thật. Các doanh nghiệp phải tự bảo vệ khỏi những rủi ro này bằng cách sử dụng các khung quản trị dữ liệu mạnh mẽ, kết hợp với sự giám sát chặt chẽ của con người trong các quy trình đưa ra quyết định quan trọng.

Con đường phía trước: AI và sự hợp tác với con người

Tương lai của AI không phải là cuộc chiến giữa con người với máy móc, mà là sự hợp tác giữa đôi bên. AI có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu với tốc độ vượt trội, tuy nhiên chỉ con người mới có thể diễn giải thông tin, áp dụng các chuẩn mực đạo đức và đưa ra quyết định cuối cùng. Mối quan hệ hợp tác này cũng thúc đẩy nhân sự phải liên tục nâng cao kỹ năng, vì các mô hình AI được cải thiện dựa trên phản hồi của con người.

Để duy trì tính cạnh tranh và trách nhiệm, các doanh nghiệp phải đầu tư vào cả công nghệ lẫn con người. Nâng cao và tái đào tạo kỹ năng cho nhân viên để làm việc cùng với AI là điều cần thiết.

Tại Standard Chartered, chúng tôi nhận ra rằng, chìa khóa thành công khi áp dụng AI không chỉ nằm ở công nghệ tiên tiến, mà còn thông qua văn hóa mạnh mẽ của Ngân hàng - điều khuyến khích việc đưa ra quyết định phù hợp với chuẩn mực đạo đức và chúng tôi thường xuyên trao đổi nhằm nâng cao hiệu quả của việc áp dụng AI trong hoạt động ngân hàng.

Với hơn 300 trường hợp sử dụng AI đã được phê duyệt, bao gồm việc tương tác với khách hàng, đánh giá rủi ro và gia tăng hiệu quả hoạt động, chúng tôi đang tiến tới một tương lai trong đó AI sẽ hỗ trợ cho kiến thức chuyên môn của nhân viên, qua đó đảm bảo luôn hoạt động hiệu quả với mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm. Việc tích hợp RAI là cả một hành trình dài và mỗi trường hợp được áp dụng là một bước đệm để hướng tới tương lai tiến bộ và tươi sáng, đồng thời đảm bảo chuẩn mực đạo đức.

Khi AI ngày càng được áp dụng nhiều hơn trong các hoạt động kinh doanh, các tổ chức cần coi trọng tính minh bạch, ưu tiên các tiêu chuẩn đạo đức và liên tục xem xét tính hiệu quả của các chiến lược AI. Con đường phát triển tương lai chính là nắm bắt tiềm năng của AI, đồng thời đảm bảo việc sử dụng AI được kiểm soát bởi các khuôn khổ quản trị chặt chẽ và chuẩn mực đạo đức. Cuối cùng, mục đích của RAI là tạo ra giá trị cho cả doanh nghiệp và xã hội, đồng thời duy trì niềm tin của khách hàng.

Tại Standard Chartered, Ngân hàng đã thiết lập các tiêu chuẩn AI có trách nhiệm và thành lập Hội đồng AI nhằm đánh giá, phê duyệt hoặc từ chối sử dụng AI trong từng trường hợp cụ thể. Cách tiếp cận của Ngân hàng dựa trên lời khẳng định không vì gia tăng tốc độ xử lý công việc mà gây ra rủi ro về trách nhiệm pháp lý hoặc rủi ro về quản trị. Điều này được thể hiện thông qua việc Ngân hàng thường xuyên xem xét và cập nhật các quy trình để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, đồng thời đảm bảo việc sử dụng AI có hiệu quả và luôn tuân thủ các chuẩn mực đạo đức.

Sylvester Kinuthia

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ai-mang-lai-hieu-qua-trong-kinh-doanh-post359549.html