Ai mang ngân sách 'hóa vàng'?
Mấy hôm lâu lâu, Ngô có viết bài đại ý quốc gia của mình giàu hay nghèo. Đây là một câu chuyện nảy sinh rất nhiều ý niệm kỳ lạ.
Chẳng hạn, quốc gia mình nghèo mà sao các công trình lại đội vốn khủng khiếp vậy, quy đổi ra tiền đô toàn trăm triệu với tỷ đô. Nếu quốc gia mình nghèo sao dầu khí thản nhiên cầm mỗi lần hàng núi tiền ném sang các nước khác một đi không trở lại, mà không chỉ có ông dầu khí mới phá tiền.
Quốc gia mình nghèo, sao nhiều cán bộ lãnh đạo lại giàu đến vậy. Có cán bộ lãnh đạo tí tuổi đầu đã vi vu tận trời Tây học hành thụ hưởng, rồi siêu xe, rồi biệt phủ biệt thự. Ngay như mấy ông lãnh đạo có sai phạm bị bắt, nhìn cảnh khám xét nhà, nhà ông nào ông nấy lên báo đều ngang nhà các triệu phú ở nước ngoài.
Quốc gia mình giàu hay nghèo, thật sự là câu hỏi khó có câu trả lời. Nhưng câu trả lời chắc chắn nhất vẫn là, nếu các công trình công cộng sử dụng tiền ngân sách vẫn không ngưng phá như hiện tại thì quốc gia có giàu cỡ nào cũng sắp thành con nợ, còn quốc gia mà đương nghèo chắc chắn mạt luôn.
1. Kiểm toán Nhà nước vừa công bố một loạt thông tin rất sốc, chủ yếu là chuyện Bộ ngành địa phương với Tập đoàn Nhà nước đập tay đồng lòng phá ngân sách ra sao.
Ví dụ, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn từ 8.700 tỷ đồng lên đến 18.000 tỷ nhưng Bộ Giao thông Vận tải không báo cáo Chính phủ để xin chủ trương của Quốc hội về vấn đề tăng vốn này. Trong khi theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án có mức vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng thì phải báo cáo Quốc hội.
Ngoài ra, khi phân tích tính kinh tế của dự án, chủ đầu tư chưa xem xét đến chi phí vận hành. Đây lại là chi phí chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dẫn đến đánh giá tính hiệu quả của dự án không chính xác, nếu tính đủ thực tế dự án này có thể lỗ ngay từ đầu. Mà nếu đã lỗ ngay từ đầu thì đầu tư làm gì, có ai thực hiện một cuộc giao dịch mà ngay khi bắt đầu giao dịch đã biết lỗ vẫn cố thực hiện hay không?
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) bị Kiểm toán Nhà nước xác định, "PVN có 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án với tổng chi phí 773 triệu USD. Dự án Daman - Iran và dự án Junin - Venezuela dừng, giãn tiến độ với 660 triệu USD. Hai dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng 849 triệu USD. Bên cạnh đó, PVN chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ dự án lô 67 chuyển vượt 142 triệu USD và dự án SK 305 chuyển vượt 15 triệu USD".
Tiếp đến là 4 công trình đội vốn nghìn tỷ từng được thống kê trước Quốc hội vào tháng trước:
Dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.325 tỷ đồng, dự kiến tăng 29.937 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.891 tỷ đồng, dự kiến tăng 21.775 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 32.910 tỷ đồng, dự kiến tăng 14.502 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 30.427 tỷ đồng, tăng 5.602 tỷ đồng.
Đọc những thông tin này, phải ghi nhớ những thông tin này, luôn là một điều quá sức với Ngô. Bởi với một kẻ chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi, mưu sinh bằng nghiệp cầm bút thì thật sự vừa hoang mang vừa hoảng loạn, vừa buồn bã vừa phẫn uất, vừa đau lòng vừa giận dữ.
Lúc lâu lâu, Ngô có đọc cái truyện cười cũng vui vui. Chuyện kể có hai quốc gia luôn hằm hè nhau, một ngày quân lính của quốc gia này bắt được một điệp viên của quốc gia kia. Mà điệp viên ấy không làm gì khác, chỉ đợi đêm khuya lẻn vào phủ của một viên quan ném sâm vào trong thư phòng của viên quan đó.
Bổ đầu thẩm tra kỹ càng, xét nghiệm sâm cũng là sâm xịn, bèn hoàn tất cáo trạng bẩm lên triều đình. Cáo trạng ghi, "Điệp viên khai, loại quan lại tham ô như viên tri phủ, càng sống dai quốc gia càng suy yếu. Không cần động binh động đao, cứ vậy mà suy tàn, có thể thôn tính không mất một mũi tên, không khuyết một người lính".
Gần hai mươi năm trước, khi Ngô chập chững bước vào nghề báo, nghe tin thất thoát, nghe tin sai phạm, vài mươi tỷ, trăm tỷ là thấy khiếp lắm rồi. Bây giờ, cũng chẳng còn thấy xa lạ khi nghe chuyện nghìn tỷ bị hóa vàng nữa, bất chấp, nghìn tỷ mang đi hóa vàng thì nợ công phải nhiều thêm ra. Đó là chuyện hết sức hiển nhiên thôi, kiểu một gia đình tiết kiệm không tiết kiệm, chăm chỉ không chăm chỉ, suốt ngày tính chuyện yến tiệc chơi bời thì lấy gì không ngập trong nợ nần.
Mà có phải đâu chỉ công trình trọng điểm nên bánh nhiều mật nhiều, thớt nhiều thịt nhiều mới xảy ra chuyện đội vốn nghìn tỷ. Ngay cả địa phương hay công trình nhỏ xíu cũng chuyện đau lòng.
Dự án Sào Khê (Ninh Bình) ngày trước được các Đại biểu Quốc hội phản ứng gay gắt, cuối cùng thì sao, cuối cùng thì huề cả làng. Làm sao một dự án nạo vét sông có dự toán ban đầu là 72 tỷ đồng lại biến thành 2.600 tỷ đồng được. Đây là chuyện mà Ngô tin rằng vô tiền khoáng hậu trên thế giới, nói dân dã hơn thì, ăn không còn sợ bất cứ thứ gì.
Ở Đắk Lắk có dự án Hồ thủy lợi Krông Bách Thượng, hơn mười năm rồi làm mãi không xong, vốn đội hơn cả nghìn tỷ rồi. Dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt vào tháng 5-2009, tổng vốn đầu tư gần 3 nghìn tỷ. Mãi đến tháng 7-2019 vẫn chưa đâu vào đâu trong khi kinh phí ban đầu đã tăng thêm gần 1.500 tỷ, thành hơn 4.400 tỷ.
2. Sòng phẳng mà nhìn nhận với nhau, Ngô tin lãnh đạo đều biết vì sao có chuyện đội vốn, không chỉ đội vốn vài lần mà đội vốn mấy chục lần. Đội vốn đến phi lý, đội vốn đến không tưởng, đội vốn đến độ Ngô tưởng rằng chị buôn bán đồng nát hoạch định chi phí kinh doanh sinh lãi còn tốt hơn bao nhiêu ban bệ hưởng áo mão cân đai, hưởng xe công thư ký, hưởng tiền lương ngân sách.
Từ chuyện đội vốn quay ngược lại những phát biểu kiêu hãnh ngay từ ban đầu khi công trình nào đó chuẩn bị khởi công sẽ thấy. Hóa ra, là lời đường mật chót lưỡi đầu môi để đánh lừa cả, lừa từ Trung ương đến lừa người dân, vượt mặt cả Chính phủ để tiện bề tăng vốn đầu tư.
Ngay như sự vụ đang rất nóng là Thủ Thiêm cũng vậy, Ngô hỏi khí không phải, làm sao có thể gây ra một vụ siêu khó như vậy.
Thanh tra Chính phủ gay gắt, "UBND TP HCM đã tạm ứng, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa đúng với quy định; không hoàn trả tạm ứng hàng năm theo Luật Ngân sách với tổng giá trị hơn 26.300 tỷ.
Cơ quan này yêu cầu UBND TP phải thu hồi và hoàn trả ngay 26.300 tỷ đồng đã tạm ứng không đúng quy định từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm tính đến ngày 30-9-2018".
Thủ Thiêm nhiều phiền muộn, đằng đẵng hơn hai mươi năm dài người dân khiếu kiện, dân ra Trung ương thiếu điều muốn lập nên làng Thủ Thiêm để gửi đơn tố cáo. Bao nhiêu đời Chủ tịch, bao nhiêu đời Bí thư, toàn hứa với hẹn, toàn đối thoại rồi gặp gỡ dân, nhưng mà có gặp bao nhiêu, có hứa bao nhiêu thì dân mất đất vẫn hoàn mất đất.
Dân mất đất rồi, ngân sách lại còn mất thêm 26.300 tỷ đồng, nghĩa là hơn 1 tỷ đô. Lãnh đạo TP HCM xuống tay cú này mạnh quá, một phát sạch luôn. Có đời thuở nào làm một dự án mà dân mất đất còn Chính phủ mất tiền bao giờ, ăn gì mà trọn, ăn đầu ăn luôn đuôi, còn khúc giữa làm lợi cho doanh nghiệp.
Có điều sống trên đời đâu ai lại cho không ai một món lợi bao giờ. Vậy là suy ra, ăn tất, ăn đầu ăn giữa ăn đuôi luôn. Mình cứ ăn cho mập thây cho đầy két, hậu quả ra sao thì từ từ tính, ai oán ai thán thì miệng gần tai ai khóc nấy tự chùi nước mắt vậy.
Ngô nghĩ rằng, pháp luật của nước mình đã không theo kịp biên độ của lòng tham rồi. Khi không theo kịp biên độ của lòng tham, pháp luật không đủ sức răn đe nữa. Ngô lấy một giả thuyết, chẳng hạn cứ công trình nào tăng vốn quá bao nhiêu phần trăm hay tăng vốn tổng số tiền, thì người đứng đầu Bộ ngành, địa phương đang làm chủ đầu tư sẽ bị xử lý. Nhẹ thì cắt chức, nặng thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra khởi tố.
Chỉ cần như vậy thôi, chúng ta sẽ sớm dẹp được cái chuyện của công không ai tiếc, cha chung không ai khóc này. Chứ hiện trạng bây giờ có thấy quan chức đầu ngành đầu Bộ nào sợ đâu, ông nào cũng cười cũng nói, mỗi kỳ chất vấn mặt mày nhăn nhó xíu cho qua truông rồi mọi thứ lặp lại y như cũ.
Mà tâm lý thông thường, thấy tiền sẵn đó lại không ai giám sát canh chừng, tội gì không “thuổng” một chút. “Thuổng” được một chút thấy an toàn, lại tiếp tục thuổng một chút nữa.
Quốc khố có một chỗ cho chuột chui ra chui vào cũng cạn, huống hồ ngân sách đang loạn chuyện đội vốn nghìn tỷ như thế này.
Làm sao mà không khó cho được, muốn hết khó cũng không biết phải làm sao.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/ai-mang-ngan-sach-hoa-vang-553443/