AI mạnh không thay được nhà báo 'số'
Không thể phủ nhận những lợi ích mà AI (trí tuệ nhân tạo) mang lại cho nền báo chí hiện đại, nhưng nhìn toàn diện thì AI chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế.
Báo chí thời AI
Hiện nay, ứng dụng AI vào báo chí, đặc biệt là báo chí kinh tế, đang ngày càng trở nên mạnh mẽ và phổ biến: Nhiều tổ chức báo chí lớn trên thế giới như Bloomberg, Reuters, The Washington Post… đã sử dụng AI để tạo ra các bài viết cơ bản, quét tin nóng, tin xu hướng, giúp nâng cao hiệu suất và tiết kiệm thời gian tác nghiệp báo chí.
Năm 2023, dự án “JournalismAI” của Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (Anh) đã khảo sát 120 tổng biên tập, nhà báo, kỹ sư công nghệ và truyền thông của 105 tòa soạn tại 46 quốc gia cho thấy, gần 75% số đơn vị đang sử dụng AI trong việc thu thập sản xuất, phân phối tin tức. Khoảng 80% số người được hỏi kỳ vọng AI sẽ có vai trò lớn hơn trong hoạt động xuất bản tin tức trong tương lai. Hơn một nửa số người cho biết họ ứng dụng AI là vì công nghệ này giúp tăng hiệu quả và hiệu suất công việc.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội nhà báo Việt Nam, trong thời kỳ 4.0, AI đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, báo chí với vai trò cầu nối thông tin giữa công chúng và sự kiện không thể nằm ngoài xu thế đó. AI không chỉ thay đổi cách thức làm báo mà còn mang lại cơ hội và thách thức chưa từng có đối với báo chí ngày nay.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện vô vàn các ứng dụng AI hỗ trợ cho báo chí như ứng dụng chuyên văn bản: Chat GPT, Claude AI, Gemini, Notion; ứng dụng đồ họa: Midjourney, Dall E, Copilot, Stable Diffusion, Canva; đến các ứng dụng video như Invideo, Sora… với lợi thế tốc độ và rất dễ dàng sử dụng.
AI có thể giúp các nhà báo phân tích lượng lớn dữ liệu kinh tế trong thời gian ngắn từ các báo cáo tài chính, biểu đồ thị trường, đến dữ liệu vĩ mô; đồng thời, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, tạo các nội dung đa phương tiện như biểu đồ, infographic giúp nhà báo giải phóng được sức lao động và tiết kiệm thời gian.
Để đưa AI vào báo chí, nhiều tòa soạn, chi hội nhà báo trên cả nước đã tổ chức các buổi tập huấn ứng dụng AI vào tác nghiệp báo chí, giúp các nhà báo tận dụng được sức mạnh công nghệ và nâng cao năng lực làm báo.
Tại buổi nói chuyện “Báo chí trong thời kỳ công nghệ số và sứ mệnh truyền thông chính sách” giữa tháng 9 vừa qua, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, có thể thấy rất rõ lợi ích của công nghệ nhân tạo AI đối với các cơ quan báo chí.
Cụ thể, ứng dụng AI trong việc lập trình, tìm khuôn thức trong dữ liệu, gợi ý các ý tưởng về nội dung, hỗ trợ công việc biên tập, gợi ý ý tưởng bài viết, lập danh sách bài liên quan để bổ trợ cho một bài viết, đưa ra nhiều phiên bản nội dung khác nhau cho từng đối tượng, sử dụng AI trong dẫn chương trình truyền hình…
Theo Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 6/4/2023, việc đưa AI vào các tòa soạn đang là vấn đề vô cùng quan trọng và là xu thế của toàn ngành. Cụ thể, mục tiêu là đến năm 2025, đưa nội dung lên các nền tảng số với tỷ lệ 70% cơ quan báo chí sử dụng các nền tảng số, 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích và xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động.
Đến năm 2030, hướng tới mục tiêu 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động.
Vai trò của nhà báo là không thể thay thế
Dù AI có mạnh mẽ đến đâu, thực tế, chúng chỉ được coi là một công cụ hỗ trợ cho báo chí mà không thể thay thế vai trò của các nhà báo. Báo chí kinh tế thường mang tính chất khô khan do đặc thù của việc truyền tải thông tin về các con số, dữ liệu tài chính và thị trường. AI có thể giúp cho nội dung dễ hiểu, trực quan và hấp dẫn hơn, nhưng AI không thể “mềm mại hóa” báo kinh tế như cách các nhà báo làm được.
Theo một phân tích của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, mặc dù các thuật toán AI vượt trội trong việc xử lý lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng, nhưng chúng thường thiếu sự hiểu biết sâu sắc cần thiết để diễn giải các bối cảnh xã hội, chính trị và văn hóa phức tạp.
Trong khi đó, với báo chí kinh tế, đặc biệt là chứng khoán, việc gắn các vấn đề, sự kiện vào bối cảnh thực tế, tình hình kinh tế - xã hội, chính trị gần như là điều bắt buộc. Thật vô nghĩa khi đánh giá triển vọng của một nhóm ngành, cổ phiếu chỉ thông qua một vài số liệu đơn lẻ mà không gắn với triển vọng tương lai, nhu cầu thị trường…
Mặt khác, khuôn khổ của AI cũng dừng lại ở những dữ liệu có sẵn, không thể tương tác trực tiếp, phỏng vấn chuyên gia, doanh nghiệp hay nhà đầu tư để đưa ra các phân tích sâu sắc hơn, xác thực tính chính xác của thông tin như công việc các phóng viên, nhà báo vẫn thực hiện.
Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định, việc sử dụng AI đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nhân văn và đạo đức. AI dù thông minh nhưng cũng vẫn còn rất nhiều nhược điểm, một trong những điểm yếu lớn nhất chính là AI không phải lúc nào cũng cung cấp những thông tin chính xác.
Chia sẻ với người viết, nhiều đồng nghiệp và nhiều người làm trong lĩnh vực tài chính cho biết, trong quá trình ứng dụng AI, ban đầu có sự kỳ vọng lớn vào việc AI sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian trong xử lý số liệu, tính chính xác cao và mạch lạc, nhưng thực tế trải nghiệm lại không như kỳ vọng.
Anh Tuấn Kiệt, một phóng viên tài chính cho biết, khi đưa cho AI một bảng số liệu và yêu cầu AI tính toán khá cơ bản, nhưng khi kiểm tra lại số liệu vẫn xuất hiện những nhầm lẫn và có sai sót. Đơn giản như việc thường xuyên nhầm số, nhận diện đơn vị, nhầm hàng, cột… Khi đó, việc tính toán lại sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn.
Còn trong việc tìm kiếm thông tin - thế mạnh rất lớn của AI, phóng viên này cũng bày tỏ sự nghi ngại. Theo đó, khi nhập một nội dung, vấn đề và yêu cầu AI tìm kiếm các sự kiện, đối tượng liên quan, tốc độ mà nó cho kết quả thật đáng kinh ngạc, nhưng bỏ qua điều này, rất nhiều thông tin trong đó là không đúng.
“AI tìm kiếm dựa trên từ khóa, nó hoàn toàn có thể ‘chắp vá’ các nội dung, sự kiện không đồng nhất và cho chúng ta một kết quả dường như thật mỹ mãn và hợp lý. Nhưng khi tìm kiếm thông tin một cách thủ công, kể cả trong link nguồn mà AI cung cấp, thì rất nhiều thông tin không đúng. Báo chí, đặc biệt là báo kinh tế cần sự chính xác cao - đây là điều AI không thể đảm bảo cho tôi. Về cơ bản, tôi chỉ sử dụng AI để giúp đọc tài liệu”, anh Kiệt nói.
Một điểm nữa mà AI không thể thay thế nhà báo, đó là nhà báo dựa vào kỹ năng và kinh nghiệm để phát hiện ra những bất thường hoặc vấn đề từ số liệu, còn AI không có khả năng trực giác, vì vậy, nó có thể bỏ qua các dấu hiệu tiềm ẩn hoặc thông tin bất thường. Rõ ràng, AI không có năng lực phân tích và điều tra.
Tuy nhiên, với sự tiện dụng mà AI mang lại đã dẫn đến tình trạng nhiều nhà báo lạm dụng vào công nghệ này. Việc lạm dụng AI có thể dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, giảm đi vai trò của con người trong việc kiểm tra và xác minh thông tin, đồng thời làm giảm khả năng phân tích và sáng tạo của nhà báo. Do đó, các nhà báo nên sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ, không phải là thay thế hoàn toàn cho kỹ năng báo chí truyền thống.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ai-manh-khong-thay-duoc-nha-bao-so-post354341.html