Ai nên lãnh trách nhiệm đá phạt tại MU?

MU đang tỏ ra yếu kém trong các tình huống cố định, nổi bật là đá phạt trực tiếp. Vậy cầu thủ nào là người nên lãnh trách nhiệm thực hiện: Cristiano Ronaldo, Bruno Fernandes hay Alex Telles.

Cuối tháng 2, MU hòa Watford 0-0 trong một trận cầu mà họ sở hữu hàng tá cơ hội song không thể làm rung mành lưới đối phương. Phút 38, MU được hưởng quả đá phạt trực tiếp ở khoảng cách chừng 32 mét, hơi chếch về bên phải so với trung tâm vòng cấm - một cự ly hợp lý để thực hiện một cú sút thẳng về cầu môn Watford.

Ronaldo, Fernandes và Telles đều đứng trước bóng. Mỗi người được biết đến với kỹ năng sút phạt khác nhau. Sau đó, Ronaldo rời bỏ chấm đá phạt, nhường lại quyền thực hiện cho đồng đội khác và Telles là người bước lên tung cú đá bằng chân trái đi chệch cột dọc.

Việc Ronaldo nhường nhịn trước chấm đá phạt trực tiếp như vậy không phải điều thường xuyên xảy ra, song nó có thể đánh dấu một điểm thú vị ở nhiệm kỳ hai khoác áo Man United của CR7. Liệu Ronaldo có nên tiếp tục sút phạt hay nhường hẳn cho đồng đội khác thực hiện?

"Ronaldo thực sự đã ghi bao nhiêu bàn từ đá phạt trực tiếp?", Ian Wright đã hỏi sau khi Bồ Đào Nha bị loại khỏi EURO 2020. "Tôi có đọc một bài báo nào đó nói rằng cậu ấy chỉ ghi 1 bàn từ 50 lần thực hiện. Nó giống như một câu chuyện thần thoại rằng khi nào Ronaldo đứng trước chấm đá phạt trực tiếp, mọi người hãy chú ý, chẳng có gì xảy ra cả".

Thất bại của Bồ Đào Nha tại EURO 2020 là do phong cách chơi bóng quá bảo thủ của HLV Fernando Santos hơn là những pha sút phạt thiếu chuẩn xác của Ronaldo. Dù vậy, Wright đã đúng khi đánh giá về những cú sút phạt của Ronaldo. Thực tế, CR7 chưa ghi bàn nào từ sút phạt trực tiếp trong hơn 600 ngày, với 59 lần thực hiện ở các giải VĐQG.

Pha đá phạt vào lưới Torino ở mùa 2019/20 - thời điểm Ronaldo còn khoác áo Juventus - là gần nhất anh lập công từ những tình huống này. Thành tích đá phạt của Ronaldo tại tuyển Bồ Đào Nha khá khẩm hơn một chút, với lần gần nhất là bàn vào lưới Tây Ban Nha ở World Cup 2018.

Tuy nhiên, từ hè 2018, phần lớn các nỗ lực sút phạt trực tiếp của Ronaldo đều mang đến chung kết quả, đó là ra ngoài hoặc đập hàng rào đối phương. Ronaldo vẫn đứng thứ 5 trong danh sách ghi bàn từ đá phạt trực tiếp mọi thời đại ở Premier League, nhưng con số này đến phần lớn nhờ khả năng đá phạt tuyệt hay của CR7 trong quá khứ.

Ngoài ra, Ronaldo cũng là 1 trong 7 cầu thủ ghi được 4 bàn từ đá phạt trực tiếp trở lên trong một mùa Ngoại hạng Anh (CR7 2 lần làm được điều này). Quãng thời gian Ronaldo đạt đỉnh cao ở kỹ năng sút phạt là từ năm 2007 đến 2013, khi cứ trung bình 13,4 cú sút phạt lại mang về cho anh một bàn thắng - hiệu suất đáng nể. Dù vậy, có rất ít cầu thủ trên hành tinh sở hữu nhiều lần sút phạt hơn Ronaldo.

Trở lại câu hỏi ban đầu: Ai nên lãnh trách nhiệm đá phạt tại Man United? Nếu Ronaldo được "giải phóng" khỏi trách nhiệm đá phạt, Fernandes là lựa chọn tốt nhất cho những quả đá phạt cự ly gần. Cựu tiền vệ của Sporting Lisbon đã có 2 pha đá phạt thành bàn trong sự nghiệp tại 35 (thực hiện 35 lần trên mọi đấu trường), lần lượt vào lưới Bournemouth ở mùa 2019/20 và Liverpool ở FA Cup 2020/21.

Điều gây tò mò về một cú sút phạt thành công của Fernandes là cách ghi bàn của anh mượn từ phương pháp kỹ thuật sút phạt chính thống để tạo ra phong cách riêng biệt. Hãy cùng nhìn lại pha đá phạt của Fernandes trước Bournemouth, được thực hiện từ bên ngoài vòng cấm và hơi chếch về bên phải.

Một số chuyên gia sút phạt trong tình huống này sẽ chọn sút về phía cột gần từ vị trí này, giúp họ có thể đưa bóng đi chuyển khoảng cách ngắn hơn và thủ môn đối phương cũng có ít thời gian hơn để phản ứng. Nhưng, thay vì cố gắng đưa bóng qua hàng rào để hướng trái bóng về góc cao, Fernandes - người thuận chân phải - lại nhắm vào cột xa, tự tin với khả năng tung một cú đá đi nhanh để hạ gục thủ thành Aaron Ramsdale.

Một lưu ý nhanh về hình tư thế của Fernandes khi thực hiện quả đá phạt. Chân trụ đứng chắc, gần với trái bóng khi anh bắt đầu chuyển động. Phần trên cơ thể hơi gập vào thời điểm tiếp xúc với bóng để làm đối trọng với chuyển động của chân. Một động tác dứt khoát sau đó đưa bóng đi nhanh, mạnh, đảm bảo bóng sẽ hướng về phía cột xa.

Fernandes sút phạt vào góc xa thay vì đá vào góc gần

Fernandes sút phạt vào góc xa thay vì đá vào góc gần

Dáng sút phạt của Fernandes

Dáng sút phạt của Fernandes

Fernandes đã lặp lại kiểu đá phạt này trước Liverpool. Lần này là một quả đá phạt rìa vòng cấm, hơi chếch bên trái. Tương tự với Bournemouth, thay vì đá vào cột gần, Fernandes lại hướng đá bóng về cột xa cầu môn Alisson với lực mạnh, quyết đoán. Đây là phong cách sút phạt của tuyển thủ Bồ Đào Nha khi anh tin vào khả năng tung ra các cú đá căng hơn là sút theo kiểu đường cong hiểm hóc đưa bóng vào góc gần. Nếu muốn tiếp tục với phương pháp này, lý tưởng nhất Fernandes nên thực hiện các quả đá phạt cách khung thành từ 20 đến 30 mét.

Ngoài Fernandes, Man United còn một cầu thủ đá phạt rất tốt khác, đó là Telles. Hậu vệ người Brazil được biết đến như một chuyên gia đá phạt, cả khi tạo cơ hội cho đồng đội lẫn sút thẳng vào khung thành. Telles đã ghi 3 bàn từ đá phạt trực tiếp, tất cả đều đến khi anh còn là cầu thủ của Porto, từ 57 lần thực hiện.

Là một cầu thủ thuận chân trái, phong cách đá phạt bằng mu bàn chân mạnh mẽ của Telles sẽ đặc biệt hữu ích cho Man United, nếu giành được quả phạt trực tiếp ở chếch về bên phải của sân, nơi Telles có thể thực hiện cú sút về góc gần. Nếu Telles không có mặt trên sân và một quả đá phạt xuất hiện từ vị trí mà Fernandes không cảm thấy tự tin, Rashford có thể là một lựa chọn để "chọn mặt gửi vàng".

Rashford đã ghi một bàn từ quả đá phạt trực tiếp cho MU trong trận gặp Chelsea ở League Cup 2019/20, và 1 bàn vào lưới Benfica (2017/18) và Celta Vigo (2016/17) tại cúp châu Âu. Bàn từ đá phạt duy nhất tại Ngoại hạng Anh của Rashford đến trước Cardiff vào tháng 12/2018. Đây là cũng trận đầu tiên Ole Gunnar Solskjaer dẫn dắt Quỷ đỏ trên cương vị HLV tạm quyền.

Theo Đỗ Trung/Bongdaplus

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/the-thao/ai-nen-lanh-trach-nhiem-da-phat-tai-mu/20220305103120229