Ai phải chịu trách nhiệm vụ xe đưa đón rơi cửa, khiến nhiều học sinh thương vong?

Mới đây, tại huyện Sông Mã, Sơn La, 1 chiếc xe 16 chỗ trong khi đang chở học sinh về nhà sau giờ tan trường đã bất ngờ rơi cửa, khiến 4 học sinh văng ra ngoài, trong đó có 1 em tử vong tại chỗ. Vụ việc khiến dư luận phẫn nộ đặt câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm với thương vong của những học sinh này?

Liên tiếp các vụ học sinh tử vong khi đi xe đưa đón

Chiếc xe 16 chỗ rơi cửa khiến 4 học sinh bị thương vong mang biển số 26B-007.01. Vụ tai nạn khiến em L.T.T.Q, học sinh Trường THCS Chiềng Sơ (xã Chiềng Sơ) tử vong tại chỗ, 3 học sinh khác bị thương nhẹ. Chiếc xe này đang ký hợp đồng với một công ty xe khách để chuyên chở học sinh trong xã Chiềng Sơ.

Theo dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc xe đưa đón học sinh rơi cửa nhãn hiệu Ford Transit, được sản xuất năm 2005 tại Việt Nam. Phương tiện này được phép chở 16 người. Chủ xe theo giấy đăng ký là Công ty TNHH Du Lịch và thương mại Phú An.

Xe được kiểm định lần gần nhất vào ngày 9-9, tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2601D tỉnh Sơn La, có hạn kiểm định đến hết ngày 8/12/2021. Vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

Hiện trường vụ xe đưa đón học sinh rơi cửa, khiến 1 học sinh tử vong

Hiện trường vụ xe đưa đón học sinh rơi cửa, khiến 1 học sinh tử vong

Trước đó, tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra vụ việc tương tự. Lái xe Trần Văn Liều (SN 1972, trú tại xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) điều khiển xe chở 30 học sinh tới Trường THCS Ama Trang Lơng. Do cửa xe không đóng nên khi đi đến đoạn đường thuộc thôn Ea Sim (xã Dliê Ya) thì em Nguyễn Gia H đứng gần cửa xe ngã xuống đường, bị bánh sau của xe cán tử vong.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, chiếc xe này hoạt động tự phát, Trường THCS Ama Trang Lơng không ký hợp đồng với doanh nghiệp nào để đưa đón học sinh từ nhà đến trường.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau những vụ tai nạn thương tâm từ xe đưa đón học sinh, điều được nhiều phụ huynh và người dân quan tâm là trách nhiệm thuộc về ai và làm thế nào để không tái diễn những vụ việc đau lòng tương tự?

Phân tích dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, do những vụ tai nạn từ xe đưa đón học sinh đều gây hậu quả chết người, nên để xử lý đúng người, đúng tội, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc.

Những nội dung cần xác minh là: Những chiếc xe đưa đón học sinh gây tai nạn còn thời hạn đăng kiểm, hay có đảm bảo an toàn để tham gia giao thông không; Người điều khiển phương tiện có đủ điều kiện theo quy định, có sử dụng chất kích thích khi lái xe; Việc chuyên chở học sinh có được ký hợp đồng, có được cơ quan có thẩm quyền cho phép hay chỉ là hoạt động tự phát; Trong khi tham gia giao thông trên đường lái xe có tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ?...

Nếu kết quả xác minh cho thấy, người điều khiển những chiếc xe đưa đón học sinh đã có lỗi khi không kiểm tra điều kiện an toàn, đưa phương tiện không đủ điều kiện an toàn để tham gia giao thông dẫn đến tai nạn chết người, thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, BLHS 2015.

Trường hợp có đủ căn cứ cho rằng lỗi thuộc về người điều khiển phương tiện thì người này phải bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, đơn vị, cơ quan tổ chức vận chuyển hành khách và gây ra tai nạn chết người cũng có thể phải chịu trách nhiệm liên đới - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc thuê, hợp tác với đơn vị vận chuyển học sinh. Trong khi chờ kết quả xác minh về nguyên nhân tai nạn đối với xe đưa đón học sinh, nhà trường và đơn vị vận tải cần phối hợp thăm hỏi, bồi thường, hỗ trợ các gia đình có học sinh bị thương vong nhằm giúp họ giải quyết khó khăn trước mắt,

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, điều đáng nói là pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển học sinh, các quy tắc an toàn khi đưa đón học sinh mà chỉ thực hiện theo quy định chung về xe hợp đồng.

Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, Bộ GDĐT, Bộ GTVT và các địa phương cần tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc đưa đón học sinh bằng các phương tiện vận tải, đồng thời nhanh chóng ban hành các quy định về dịch vụ vận tải đưa đón học sinh tới trường.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ai-phai-chiu-trach-nhiem-vu-xe-dua-don-roi-cua-khien-nhieu-hoc-sinh-thuong-vong-post487421.antd