Ai quan trọng hơn ai?
Cảm giác ghen ăn tức ở có lẽ cũng là một cảm xúc tự nhiên. Nhưng nếu nó tác động quá mạnh đến cuộc sống của bạn, khiến bạn đứng núi này trông núi nọ, lúc nào cũng tính toán chi li, hay nghi ngờ, đố kỵ với người khác, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công việc chung.
Bạn thân mến! Trong cuộc đời mình, bạn đã từng ganh tị với ai đó chưa? Bạn đã từng đặt ra câu hỏi, giữa mình và họ, ai quan trọng hơn chưa?
Trong câu chuyện chiều nay, để Hường kể bạn nghe câu chuyện của một thính giả vừa gửi về cho Hường. Em ấy chia sẻ: “Chị biết không? Con người sinh ra với nhiều tham vọng, ước muốn và mong đợi. Khi những điều đó chưa đạt được, ta chưa tìm được sự thỏa mãn và thường nhìn những người đang vui vẻ hưởng thụ, đang sung sướng với cuộc sống bằng 1 ánh mắt khó chịu. Em biết, người ta hay gọi đó là sự ghen tỵ. Nhưng em không hiểu, như thế thì có gì không tốt.
Có những lúc bất tri bất giác, em đã tự so sánh mình với người khác trong vô thức. Đi học thì ghen tị điểm số, đi thực tập thì ghen tị nhiệm vụ được giao, đi làm thì ganh đua lương bổng, lúc bận rộn thì ganh tỵ với kẻ rảnh rỗi.
Chị biết không? Sự đố kỵ ghen ghét đã kích thích em không bao giờ nhìn thế giới như nó vốn vậy, thay vào đó, nó bảo em hãy bóp méo thế giới này đi, như thế em mới cảm thấy vui.
Chẳng hạn như, khi đứa bạn em mua một chiếc váy nó thích, nhìn nó mặc khá vừa vặn, tôn thêm vẻ xinh xắn, em lại thấy ngứa mắt. Sự đố kỵ lại thôi thúc em phải tìm cho ra bằng được một điểm xấu của nó. Nhìn mãi, cuối cùng em cũng phát hiện ra, dù chiếc váy khá vừa vặn với người nó, họa tiết cũng rất xinh xắn, nhưng da nó hơi đen, không phù hợp lắm với màu váy.
Phát hiện ra điều đó, em nhẹ cả lòng. Dù em biết thừa, quần áo không làm nên cốt cách con người, chỉ có cốt cách mới làm nên thần thái cho bộ quần áo. Nhưng không sao, nó cứ có điểm để em chê, là em thấy thoải mái hẳn. Mấy hôm nay, chắc vất vả thức khuya dậy sớm với công việc sếp mới giao nên da nó còn có vẻ hơi sạm đi, đầu tóc hơi xơ xác, nhưng em nhìn nó lại thấy vừa mắt hơn mọi khi.
Ở cơ quan, em có nhóm bạn tâm đầu ý hợp. Chị biết đấy, chúng em đâu phải là những người trẻ thông thường, em cảm thấy chúng em cực kỳ tài giỏi và mang trong mình một khả năng có thể trở thành một trạm phát thanh không giới hạn, hoạt động trên cơ sở tình nguyện và không cần trả lương.
Nghe câu chuyện ngoài lề của chúng em mỗi ngày, mọi người có thể biết được tình hình Trung Đông, biến động của giá vàng giá đô la trong ngày, ai sắp lên làm tổng thống Mỹ, ai sắp trở thành hoa hậu. Thậm chí, gia đình nào tan vỡ, chuẩn bị tan vỡ, ai cặp bồ với ai, ai đánh ghen với ai, chúng em cũng biết hết, thậm chí còn biết cặn kẽ.… Chị đừng hỏi tại sao chúng em lại biết được những điều đó. Có những cái thuộc về năng khiếu thì không thể giải thích được.
Mấy hôm nay, chúng em đang có một chuyện đau đầu, đó là trong nhóm bạn mấy đứa chơi với nhau, được sếp giao thực hiện chung một công việc, nhưng đứa nào cũng bảo là mình quan trọng hơn đứa kia, cần phải được làm nhóm trưởng. Em tự đề cử mình làm nhóm trưởng để chỉ huy chúng nó, nhưng chúng nó không phục em. Mà để đứa khác làm nhóm trưởng, em lại thấy không phục. Chúng em ngang tài ngang sức, thành ra chuyện này cứ cãi nhau mãi mà không giải quyết được, nên cũng có ảnh hưởng đôi chút đến công việc.
Em cũng chỉ chia sẻ với chị cho vui vậy thôi, chứ khả năng như em mà còn cảm thấy việc này khó, thì chị cũng chả giải quyết được đâu. Thôi em còn bận lướt face xem có gì ngứa mắt để mai còn có chất liệu buôn chuyện với mấy đứa bạn, kẻo lại thua chúng nó. Hôm nào rảnh, em lại buôn chuyện với chị sau."
Đó là chia sẻ của một thính giả gửi về cho Hường. Cảm giác mà người ta hay gọi là “GATO” (tức là ghen ăn tức ở), có lẽ cũng là một cảm xúc tự nhiên. Hường cũng đã từng nhiều lần như vậy. Nhưng chỉ có một điều, từ khi nhận ra sự có mặt của nó, Hường thấy rằng, nó tác động quá mạnh đến cuộc sống của chính mình, khiến mình mất nhiều thời gian, tâm trí và sức lực để suy nghĩ về nó, bị nó chi phối mỗi ngày, rất ảnh hưởng đến công việc. Thành ra phải nghĩ cách để kiểm soát nó, mà đến giờ vẫn chưa thấy thành công mấy.
Hường cảm ơn bạn thính giả đã gửi về cho Hường một câu chuyện ý nghĩa. Hường không có ý kiến gì về “tài năng thiên phú” của em cả. Cái gì nó được gọi là “năng khiếu”, mà chủ nhân cảm thấy hài lòng thì cứ kệ nó vậy đi, miễn là đừng để nó ảnh hưởng đến công việc chung. Còn cái gì mà không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới thì ta cứ kệ nó vậy. Nhưng Hường lại rất quan tâm đến câu em hỏi: Trong một nhóm, một tổ chức, thì ai quan trọng hơn ai?
Mang câu hỏi này đi hỏi một người bạn xem có câu trả lời cho mình không, thì người bạn cũng không có câu trả lời. Anh ấy chỉ chuyển cho Hường một câu chuyện để Hường đọc. Câu chuyện về ổ khóa và chìa khóa:
Một đêm nọ, ổ khóa đánh thức chìa khóa dậy rồi trách móc:
“Ngày nào tôi cũng vất vả giữ nhà cho chủ nhân, thế mà chủ nhân lại thích anh, lúc nào cũng mang theo anh bên mình, thật ghen tỵ với anh quá!”.
Còn chìa khóa cũng không phục:
“Ngày nào anh cũng ở nhà, chơi bời thoải mái, thật là nhàn hạ chứ không như tôi cứ lặn lội gió mưa vô cùng cực khổ, tôi càng ghen tỵ với anh hơn đấy!”.
Có một lần, chìa khóa cũng muốn được hưởng thụ cảm giác nhàn hạ của ổ khóa nên tự mình giấu mình đi.
Sau khi chủ nhân về không tìm thấy chìa khóa nên tức giận phá hỏng ổ khóa rồi vứt nó vào thùng rác.
Sau khi vào phòng, chủ nhân lại tìm thấy chìa, ông ta lại tức giận nói rằng: “Ổ khóa vứt rồi giờ giữ lại nhà ngươi còn có ích gì nữa”. Nói xong, chủ nhân liền vứt luôn chìa vào thùng rác.
Trong thùng rác, ổ khóa và chìa khóa gặp lại nhau, cả hai cùng than thở: “Hôm nay cả hai chúng ta đều rơi vào hoàn cảnh như thế này là vì chúng ta không nhận ra giá trị cũng như công sức của đối phương mà lại đứng núi này trông núi nọ, lúc nào cũng tính toán chi li, đố kỵ lẫn nhau, nghi ngờ lẫn nhau”.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ai-quan-trong-hon-ai-197152.htm