Ai quyết định giá của Bitcoin, Dogecoin?

Các loại tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum hay Dogecoin đã tăng giá theo cách mà không ai có thể dự đoán được trong một năm qua.

Thị trường tiền mã hóa đã bùng nổ và phát triển mạnh mẽ và rất nhiều đồng tiền đã tăng giá trong đại dịch Covid-19. Nguy cơ lạm phát, tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng là những lý do khiến cho coin tăng giá cao kỷ lục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản để đồng tiền ảo được chấp nhận và được áp dụng rộng rãi.

Theo Wall Street Journal, cuộc chạy đua tiền mã hóa đã khiến cho cả những nhà giao dịch lạc quan nhất cũng phải đặt câu hỏi: liệu nó có thể kéo dài được bao lâu.

Sức mạnh của mạng xã hội và tâm lý nhà đầu tư

Các nhà đầu tư tiền mã hóa có một ví dụ để nhìn vào: giá cổ phiếu Gamestop tăng phi lý vào đầu năm nay. Cổ phiếu Gamestop đã gây ra hậu quả tài chính nghiêm trọng cho một số quỹ phòng hộ. Điều đó khiến thị trường nhận ra các nhà đầu tư nhỏ lẻ ngày càng quan trọng.

Những diễn đàn như Reddit, hàng loạt nền tảng giao dịch mới nổi và sự lên tiếng của những nhân vật tên tuổi như Elon Musk càng khiến thị trường như lên đồng. Đại dịch toàn cầu khiến cho mọi người dành nhiều thời gian ở nhà và sử dụng máy tính nhiều hơn, nên nhu cầu đầu tư tiền mã hóa cũng tăng cao.

 Những "cá voi" trên thị trường Bitcoin không phải yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới thị trường. Ảnh: Telegraph.

Những "cá voi" trên thị trường Bitcoin không phải yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới thị trường. Ảnh: Telegraph.

Trong làn sóng tiền mã hóa hiện nay, Bitcoin không còn là đồng tiền duy nhất tạo được ảnh hưởng. Trào lưu NFT và tài chính phi tập trung (DeFi) dựa trên mạng lưới Ethereum khiến đồng tiền này ngày càng quan trọng. Trong khi đó, những trò đùa như Dogecoin cũng trở thành một khoản đầu tư đáng cân nhắc khi liên tục được Elon Musk và các nhà đầu tư cá nhân cổ vũ.

Tuy được tạo ra như một trò đùa để châm biếm và chế nhạo Bitcoin hay Ethereum, Dogecoin vẫn tăng giá cả trăm lần trong năm nay. Dù đã giảm mạnh trong tuần qua, giá Dogecoin vẫn tăng khoảng 10 lần so với thời điểm đầu tháng 4. Tổng giá trị thị trường của Dogecoin lúc cao nhất lên tới hơn 80 tỷ USD, cao hơn cả hãng xe Ford và mạng xã hội Twitter.

Sự chú ý đối với Dogecoin ngày càng cao một phần do sự ủng hộ của những người nổi tiếng như tỷ phú Elon Musk và rapper Snoop Dogg. Họ đã biến người dùng mạng xã hội thành những nhà đầu tư, khuyến khích người mới tham gia cuộc chiến đầu tư công nghệ với mục tiêu đẩy mức giá mỗi Dogecoin lên tới 1 USD.

 Yếu tố tâm lý khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào mua Dogecoin, làm giá trị đồng tiền mã hóa này tăng mạnh. Ảnh: Zuma Press.

Yếu tố tâm lý khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào mua Dogecoin, làm giá trị đồng tiền mã hóa này tăng mạnh. Ảnh: Zuma Press.

Những người sáng tạo Dogecoin không hề muốn gắn nó vào bất kỳ giá trị nào. Dù vậy, những người đầu cơ lại khiến giá trị của Dogecoin tăng mạnh hoàn toàn dựa trên những nền tảng mạng xã hội. Điều đó có thể khiến các nhà đầu tư dễ bị thua lỗ và biến động giá mạnh khi sự ủng hộ giảm dần.

Sự biến động dữ dội của Dogecoin cũng là một lời cảnh báo đối với các nhà đầu tư Bitcoin. Mặc dù những người ủng hộ tiền điện tử này chỉ ra tiện ích của nó như một phương tiện bảo vệ lạm phát hoặc lưu trữ giá trị, nhưng Bitcoin cũng không có lịch sử lâu dài và giá trị tích lũy qua nhiều thế kỷ. Theo Wall Street Journal, tới nay giá trị lớn nhất của Bitcoin vẫn nằm ở yếu tố tâm lý. Khi yếu tố đó không còn đủ mạnh, Bitcoin sẽ mất đi sự thu hút.

Bitcoin không được bất kỳ ngân hàng trung ương nào phát hành, chứng thực, do vậy sẽ rất khó để nó có thể được chấp nhận trên toàn thế giới. Theo thống kê từ sàn giao dịch tiền điện tử OKEx, số lượng giao dịch Bitcoin quy mô lớn, thường do các tổ chức tài chính thực hiện, đã giảm nhẹ trong quý I/2021. Lượng tiền đổ vào tiền mã hóa trên các sàn giao dịch cũng giảm dần so với đỉnh vào tháng 1.

Điều đó cho thấy sức hút của thị trường Bitcoin dường như đang giảm dần.

Giao dịch ngày càng dễ hơn

Tiền điện tử đang trở thành xu hướng khi giao dịch trên Internet. Trong năm qua, những sàn giao dịch như Robinhood, Coinbase ngày càng được chú ý. Trong khi Coinbase tập trung vào những loại tiền điện tử top đầu và ngó lơ những trò đùa như Dogecoin, thì Robinhood lại thu hút nhà đầu tư mới vào thị trường và đi theo lời khuyên của tỷ phú Elon Musk.

Khi những nhà đầu tư đổ xô vào thị trường này, ngày càng có nhiều nền tảng cung cấp dịch vụ và các hình thức đầu tư mới như các loại giao dịch phái sinh. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch phái sinh đã vượt quá giao dịch giao ngay. Có những ngày số tiền giao dịch phái sinh với các loại tiền mã hóa lên tới hơn 200 tỷ USD.

 Lượng bài viết nhắc đến Dogecoin trên Twitter lớn hơn nhiều lần so với Bitcoin, Ethereum. Ảnh: BitInfoCharts.

Lượng bài viết nhắc đến Dogecoin trên Twitter lớn hơn nhiều lần so với Bitcoin, Ethereum. Ảnh: BitInfoCharts.

Việc các công cụ phái sinh phát triển là rất quan trọng, bởi nhà đầu tư có thể sử dụng các công cụ và đòn bẩy để tăng hiệu quả đầu tư.

Nhờ sự gia tăng của Bitcoin, Ethereum và Dogecoin, giá trị của tổng thị trường tiền mã hóa lúc cao nhất đã vượt 2.000 tỷ USD, so với chỉ 260 tỷ USD một năm trước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại để thị trường tiền mã hóa phát triển.

Mặc dù các loại tiền mã hóa đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, tuy nhiên chúng vẫn là một phần nhỏ của thị trường toàn cầu và chưa được hoàn toàn chấp nhận như cổ phiếu, trái phiếu và vàng. Bitcoin dù ra đời từ năm 2009 vẫn còn thời gian rất dài để có thể đạt được sự chấp nhận và lưu hành như một hình thức thanh toán. Việc chi tiêu Bitcoin không hề dễ dàng và thường chỉ giới hạn ở những mặt hàng cao cấp nên khá bất tiện với nhiều người.

 Nhiều cơ quan quản lý tài chính trên thế giới muốn hạn chế Bitcoin.

Nhiều cơ quan quản lý tài chính trên thế giới muốn hạn chế Bitcoin.

Một trong những trở ngại lớn nhất với Bitcoin là phí giao dịch đắt đỏ, thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng. Người dùng trả phí cao hơn có thể chuyển giao dịch của họ lên phía trước hàng đợi xử lý. Phí sẽ tăng vọt khi tiền điện tử bùng nổ và khi thanh toán, người dùng sẽ phải hạn chế sử dụng Bitcoin cho các giao dịch nhỏ.

Trong vài năm qua, công ty đã công bố kế hoạch chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán, sau đó đã lặng lẽ loại bỏ chúng. Ngay cả tỷ phú Elon Musk cũng tuyên bố Tesla sẽ tạm ngừng việc mua xe bằng Bitcoin, dù lý do ông đưa ra là việc khai thác Bitcoin đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Ảnh hưởng môi trường có thể khiến việc khai thác Bitcoin gặp khó trong thời gian tới. Khi Trung Quốc cấm cửa dần các ngành công nghiệp tiêu tốn quá nhiều năng lượng và phát khí thải carbon, những trang trại đào coin nước này có thể sẽ phải đổi chỗ. Điều đó có thể làm toàn bộ mạng lưới Bitcoin xáo trộn.

Thùy Trang

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-gia-bitcoin-dogecoin-bien-dong-kho-luong-post1217863.html