Ai sẽ là chủ sở hữu hợp pháp của những tác phẩm do AI tạo ra?

Sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có sở hữu trí tuệ (SHTT). Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là ai sẽ là chủ sở hữu hợp pháp của những tác phẩm do AI tạo ra?

AI ngày càng trở thành công cụ sáng tạo hiệu quả, có thể tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc, mã lập trình và thậm chí là những thiết kế công nghiệp phức tạp. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện nay ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc công nhận AI là tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm.

Ông Jerry Dimos, Giám đốc doanh thu tại Process Street (Mỹ) nhận xét: "AI làm mờ ranh giới giữa tác giả, quyền sở hữu và tính nguyên bản. Nếu không được luật pháp định hướng rõ ràng, AI sẽ gây ra nhiều xung đột và tranh chấp trong lĩnh vực bản quyền, sáng chế, nhãn hiệu thương mại".

Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (sửa đổi 2022), chỉ có con người mới được công nhận là tác giả với nguyên tắc “người trực tiếp sáng tạo tác phẩm”. Do đó, AI chưa được xem là chủ thể của quyền tác giả.

Tại Mỹ, Cục Bản quyền Hoa Kỳ chỉ công nhận các tác phẩm có đóng góp sáng tạo rõ rệt từ con người. Trong khi đó, Anh lại công nhận người thiết kế hoặc lập trình hệ thống tạo tác phẩm AI là tác giả theo Luật Bản quyền, Kiểu dáng và Sáng chế năm 1988.

Ở châu Âu, EU AI Act 2024 đã quy định chặt chẽ về trách nhiệm minh bạch, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu gắn nhãn các nội dung do AI tạo ra, đồng thời cấm những hệ thống AI gây tổn hại đáng kể đến cá nhân hoặc cộng đồng.

Một câu hỏi gây tranh cãi mạnh mẽ là việc AI được huấn luyện trên các dữ liệu có bản quyền có vi phạm quyền SHTT hay không. Nhiều tác giả, nghệ sĩ và nhà xuất bản đã khởi kiện các công ty AI vì cho rằng tác phẩm của họ bị sử dụng mà chưa có sự đồng ý.

Một số tòa án trên thế giới đã yêu cầu các công ty AI bồi thường hoặc gỡ bỏ sản phẩm bị cáo buộc vi phạm khỏi nền tảng. Tuy vậy, vẫn còn thiếu cơ chế kiểm soát thống nhất giữa các quốc gia.

Để thích ứng với kỷ nguyên AI,
Việt Nam cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các hướng:

Xây dựng khung pháp lý cụ thể về quyền SHTT với sản phẩm do AI tạo ra; làm rõ vai trò và quyền lợi của các bên liên quan.

Thành lập cơ quan giám sát AI: Theo dõi, giám sát việc ứng dụng AI và ngăn chặn các nguy cơ lạm dụng.

Đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo: Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về AI và SHTT, gắn kết với thực tiễn doanh nghiệp.

Hợp tác quốc tế: Chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn AI để cập nhật chính sách, học hỏi và kết nối với các mô hình quản lý tiên tiến toàn cầu.

AI mang lại những cơ hội phát triển kinh tế chưa từng có, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về pháp lý và đạo đức. Việt Nam cần chủ động trong việc hoàn thiện luật pháp, nâng cao năng lực quản lý và định hướng phát triển có trách nhiệm với công nghệ mới.

Như ông Jerry Dimos cảnh báo: "Nếu không có những quy định phù hợp, sự sáng tạo do AI mang lại có thể trở thành con dao hai lưỡi, vừa thúc đẩy đổi mới, vừa đe dọa quyền lợi hợp pháp của người sáng tạo con người".

Việt Nam không nên đứng ngoài xu thế toàn cầu này, mà cần sớm định vị rõ vai trò của mình trong việc xây dựng hành lang pháp lý an toàn và hiệu quả cho một tương lai đồng hành cùng AI.

Bình Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ai-se-la-chu-so-huu-hop-phap-cua-nhung-tac-pham-do-ai-tao-ra-164385.html