AI sẽ là một trong những lĩnh vực Việt Nam sớm bắt kịp thế giới

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ và sớm bắt kịp với trình độ của thế giới.

Nhận định trên được ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Ngày trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI Day) với chủ đề “AI – tái thiết thực tại” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 5/12.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại sự kiện AI Day, ảnh Bùi An.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại sự kiện AI Day, ảnh Bùi An.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp AI Day được tổ chức và trở thành hội nghị khoa học thường niên quy mô hàng đầu trong lĩnh vực AI của thế giới và Việt Nam. Sự kiện thu hút hơn 30 chuyên gia là các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đến từ khắp nơi trên thế giới cùng hơn 100 đại diện doanh nghiệp và 1.500 khách mời trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất và chế tạo trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc VinAI cho biết, AI Day 2023 với trọng tâm là AI tạo sinh, được kỳ vọng sẽ là cầu nối trí tuệ Việt với những tiến bộ của tương lai. Đây cũng là sứ mệnh hàng đầu, là mục tiêu của ngày trí tuệ nhân tạo mỗi năm, nhằm đưa cộng đồng AI Việt ngày một phát triển, vươn ra thế giới.

Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, AI Day 2023 với chủ đề “AI - Tái thiết thực tại” cho thấy chúng ta đang đứng trước tiềm năng không giới hạn của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI), một trong những công cụ sẽ giúp nâng cao năng suất lao động trí óc của con người một cách mạnh mẽ trong thời gian tới. Sự phát triển của Generative AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà thực sự sẽ thay đổi cơ bản cách con người nghiên cứu, làm việc, sáng tạo nội dung và được dự đoán sẽ đóng góp hàng nghìn tỷ USD vào kinh tế toàn cầu hàng năm.

Trong làn sóng phát triển của công nghệ AI, Việt Nam cũng đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI. Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Sau 2 năm triển khai, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ, trong đó ghi nhận năm 2022 Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021.

Các chuyên gia thảo luận tại sự kiện. Ảnh: Lê Mỹ

Các chuyên gia thảo luận tại sự kiện. Ảnh: Lê Mỹ

Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp đạt những thành tựu đáng ghi nhận về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sánh ngang nhiều công ty tên tuổi đến từ các nước phát triển. Điều này càng chứng tỏ năng lực và vị thế của chuyên gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI.

Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng, AI sẽ là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ và sớm bắt kịp với trình độ của thế giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng cộng đồng AI nói riêng, và cộng đồng khoa học công nghệ nói chung để phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, năng động, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Bên cạnh những giá trị về công nghệ và kinh tế, Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng đề nghị những người làm AI tại Việt Nam cùng đánh giá những tác động về xã hội, trong đó có các vấn đề về đạo đức và các quyền riêng tư. Đây sẽ là những thông tin quý giá cho cộng đồng AI và cơ quan quản lý Việt Nam để tiếp tục có những phương hướng hoạch định, phát triển công nghệ AI trong tương lai.

Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển AI tạo sinh, chính là việc phát triển mô hình ngôn ngữ lớn. Tại sự kiện, các chuyên gia đến từ Google, Đại học Stanford và NewYork đều có các bài trình bày liên quan đến vấn đề này.

Theo đó, một trong những vấn đề đặt ra khi phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn hiện nay, đó chính là khi ứng dụng vẫn còn xuất hiện những câu trả lời ảo tưởng, không chính xác. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra là phải có những bước huấn luyện về dữ liệu đầu vào để các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT có thể đưa ra những câu trả lời đúng, không ảo tưởng. Bên cạnh đó, cần phải có sự điều chỉnh các mô hình ngôn ngữ lớn phù hợp với yêu cầu sử dụng, có sự giám sát của con người để chúng có thể đưa ra các câu trả lời chính xác và tốt hơn.

Lê Mỹ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tri-tue-nhan-tao-se-la-mot-trong-nhung-linh-vuc-viet-nam-som-bat-kip-the-gioi-2223241.html