Ai sẽ nắm quyền tại Bangladesh thời gian tới?

Theo trang Firstpost, chính quyền Bangladesh lâm thời sắp thành lập có thể bao gồm cựu quân nhân, cựu quan chức, cựu thẩm phán và chuyên gia kinh tế.

Đầu tuần qua, Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và lên trực thăng rời khỏi đất nước. Tổng tư lệnh quân đội Waker-Uz-Zaman nhanh chóng có bài phát biểu trước toàn quốc kêu gọi người dân bình tĩnh, tuyên bố sẽ làm việc với tổng thống để thành lập một chính phủ lâm thời.

Biểu tình bùng lên tại Bangladesh từ giữa tháng 7 do sinh viên bất mãn với hạn ngạch viên chức mới. Theo các sinh viên, cơ chế hạn ngạch (phân bổ 1/3 chỉ tiêu cho gia đình cựu chiến binh từng tham gia giành độc lập cho đất nước năm 1971) chỉ đem lại lợi ích cho người ủng hộ đảng Liên đoàn Awami của Thủ tướng Hasina. Trong 2 tuần qua lực lượng biểu tình dần chuyển sang yêu cầu Thủ tướng Hasina từ chức.

Chính phủ lâm thời

Một số đơn vị truyền thông đưa tin tướng Zaman đã gặp nhân vật lãnh đạo đảng Dân tộc Bangladesh (BNP), đảng Jatiya, đảng Jamaat-e-Islami, đại diện giáo viên và sinh viên. Sau đó Tổng thống Mohammed Sahabuddin cũng tổ chức cuộc họp với các nhân vật lãnh đạo ba đảng này cùng đại diện nhiều tổ chức xã hội dân sự.

Cuộc họp ra nghị quyết trả tự do cho chính trị gia BNP Begum Khaleda Zia và tất cả trường hợp bị bắt do tham gia biểu tình chống hạn ngạch viên chức, chia buồn với người thiệt mạng thời gian qua, đồng thời cam kết sớm thành lập chính phủ lâm thời.

Chưa rõ tướng Zaman có đứng đầu chính phủ lâm thời hay không, nhưng truyền thông cho biết nhóm tổ chức biểu tình là Phong trào Sinh viên chống phân biệt đối xử đề xuất để tiến sĩ kinh tế từng đoạt giải Nobel Mohammad Yunus làm cố vấn cấp cao trong chính phủ.

Tiến sĩ Yunus nhận giải Nobel vào năm 2006 nhờ sáng kiến ngân hàng Grameen cho người nghèo vay vốn nhỏ không cần điều kiện bảo đảm. Vì chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Thủ tướng Hasina, tháng 1 năm nay ông Yunus bị buộc tội vi phạm luật lao động nhưng đang được tại ngoại.

Trước thông tin Thủ tướng Hasina từ chức, ông phát biểu: “Bangladesh đã được giải phóng. Giờ đây chúng tôi là quốc gia tự do”. Trang The Print cho biết tiến sĩ Yunus hiện ở Paris nhưng sẽ sớm về nước.

Hai tiến sĩ khác là Salimullah Khan và Asif Nazrul cũng được đề xuất tham gia chính phủ lâm thời. Có thông tin BNP muốn ông Khan đứng đầu chính phủ.

Tiến sĩ Khan chuyên phân tích tình hình chính trị, văn hóa quốc gia lẫn quốc tế, là một trong số nhân vật trí thức hàng đầu của Bangladesh. Tiến sĩ Nazrul cũng là nhà phân tích chính trị và giáo sư luật tại Đại học Dhaka, nổi tiếng với nhiều phát ngôn chỉ trích tình hình chính trị đất nước.

Theo trang News18, tổng cộng có 27 người sẽ tham gia chính phủ lâm thời, đáng chú ý là cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Bangladesh giai đoạn 2012 - 2015 Iqbal Karim Bhuiyan. Vị tướng này cùng 47 sĩ quan về hưu khác vào ngày 4.8 kêu gọi lực lượng vũ trang (do Thủ tướng Hasina triển khai trấn áp biểu tình) rút khỏi đường phố ngay lập tức.

Vài cái tên nổi bật khác là cựu Chánh án tòa tối cao Abdul Wahhab Miah, thiếu tướng về hưu Syed Iftekhar Uddin, cựu Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Debapriya Bhattacharya, nhà báo Matiur Rahman Chowdhury, chuyên gia kinh tế Hossain Zillur Rahman.

Khó khăn phía trước

Báo cáo viên Liên Hợp Quốc Irene Khan cảnh báo: “Công việc phía trước vô cùng khó khăn”. Cây bút phân tích Tanvir Chowdhury của hãng Al Jazeera có cùng quan điểm, đồng thời nhắc nhở người biểu tình đã tỏ rõ quan điểm không dung thứ cho bất cứ chế độ độc tài hay quản lý yếu kém nào.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, trật tự và dân chủ. Tổng thống Sahabuddin cam kết sớm tổ chức bầu cử.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ai-se-nam-quyen-tai-bangladesh-thoi-gian-toi-222420.html