Câu hỏi lớn sau cái chết của lãnh đạo quyền lực nhất Hezbollah

Cái chết của ông Nasrallah - gương mặt đại diện và bộ não của Hezbollah trong hơn ba thập kỷ - đặt ra câu hỏi liệu lực lượng này có thể đáp trả Israel hay không, và với mức độ nào.

Trong hơn 3 thập kỷ, thủ lĩnh Hassan Nasrallah là người lên kế hoạch và phê duyệt các cuộc tấn công của lực lượng Hezbollah, đồng thời đại diện đàm phán trong các liên minh chính trị. Ông là một nhân vật đáng kính trong mắt các thành viên và người ủng hộ Hezbollah, thường được biết đến qua các bài phát biểu về tính chính nghĩa của cuộc chiến chống Israel, theo New York Times.

Hôm 27/9, ông Nasrallah đã thiệt mạng trong loạt không kích vào khu vực ngoại ô thủ đô Beirut của Israel. Đây là một đòn giáng lớn đối với Hezbollah, đặt ra câu hỏi quan trọng về việc liệu những chỉ huy còn lại của lực lượng này có thể cứng rắn đáp trả Israel hay không.

Hezbollah suy yếu

Từ lâu, Israel đã coi ông Nasrallah là kẻ khủng bố và "bộ não" đứng sau một trong những mối đe dọa an ninh quốc gia cấp bách nhất. Các quan chức Israel mô tả các cuộc tấn công dồn dập suốt hai tuần qua là kiểu chiến dịch "gây sốc và sợ hãi", nhằm nhanh chóng làm Hezbollah suy yếu mà không cần phải điều quân đổ bộ qua biên giới phía bắc.

Sau cái chết của ông Nasrallah, Hezbollah không có lãnh đạo nào khác có thể thay thế ông về cả tầm vóc và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, các quan chức và nhà phân tích Mỹ cảnh báo rằng nỗ lực loại bỏ Hezbollah quá sớm có thể là sai lầm, dẫn chứng cuộc chiến suốt 11 tháng qua giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza. Hamas được cho là lực lượng ít phức tạp hơn, song Israel vẫn chưa đạt được chiến thắng quyết định và đang kéo theo cái giá cực kỳ đắt về sinh mạng.

Các quan chức Mỹ cho biết mạng lưới đường hầm rộng lớn của Hamas đã gây khó khăn cho Israel, và Hezbollah cũng có các mạng lưới riêng. Thực tế, Hamas đã học được cách xây dựng đường hầm từ Hezbollah. Một quan chức thậm chí đã gọi Hezbollah là "ông anh cả" của Hamas.

Israel đã tấn công mạng lưới đường hầm của Hezbollah bằng pháo binh nhưng chỉ gây ít thiệt hại. Nếu tiến hành các cuộc tấn công lớn hơn, Israel sẽ phải sử dụng những quả bom hạng nặng và mạnh hơn, và có khả năng kéo theo một chiến dịch trên bộ để dọn sạch các điểm phóng vũ khí, bà Dana Stroul, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

"Địa hình ở Lebanon rất khác biệt. (Quốc gia này) có địa hình đồi núi nên dễ dàng che giấu mọi thứ hơn. Họ đã khoan sâu vào đá", bà Stroul, hiện là giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, nhận định.

 Binh sĩ Israel đã cho các phóng viên xem một đường hầm của Hamas ở Gaza vào năm 2023. Tương tự Hamas, Hezbollah cũng sở hữu một mạng lưới đường hầm tại Lebanon. Ảnh: New York Times.

Binh sĩ Israel đã cho các phóng viên xem một đường hầm của Hamas ở Gaza vào năm 2023. Tương tự Hamas, Hezbollah cũng sở hữu một mạng lưới đường hầm tại Lebanon. Ảnh: New York Times.

Thiếu tướng Yaacov Ayish, cựu chỉ huy bộ phận tác chiến của quân đội Israel, cũng cho biết trước đây Israel đã phát hiện các đường hầm gần biên giới sâu tới 60 m. Theo ông, việc phá hủy các đường hầm ở miền Nam Lebanon là một quá trình "phức tạp" cần các chất nổ lớn.

Trước khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra vào tháng 10/2023 và lực lượng Hezbollah - do Iran hậu thuẫn - bắt đầu tấn công miền Bắc Israel để thể hiện sự đoàn kết với đồng minh Hamas, Hezbollah được cho là một trong những lực lượng quân sự phi nhà nước được trang bị tốt nhất thế giới.

Nhóm này có hàng chục nghìn chiến binh, kho vũ khí hơn 100.000 tên lửa và đạn đạo, cùng với các trang thiết bị hiện đại như máy bay không người lái, tên lửa dẫn đường chính xác và vũ khí phòng không.

Tuy nhiên, những phản ứng của Hezbollah đối với các cuộc tấn công của Israel trong hai tuần qua không giống như những gì lực lượng này từng đe dọa. Các biệt kích Hezbollah chưa tấn công các cộng đồng Israel, và các tên lửa dẫn đường của nhóm này cũng chưa gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ngoài các cuộc pháo kích bằng tên lửa, nhóm này đã bắn một số tên lửa đạn đạo lớn có thể vươn sâu vào lãnh thổ Israel, song thiệt hại không đáng kể, do bị Israel bắn hạ hoặc rơi vào những khu vực trống.

Điều này cho thấy các cuộc tấn công của Israel vào Hezbollah trong 11 tháng qua - đặc biệt là trong 2 tuần vừa qua - đã khiến nhóm này suy yếu khi phá hủy kho vũ khí, tiêu diệt hoặc gây thương tật cho các chiến binh, và làm gián đoạn hệ thống liên lạc. Theo ước tính của Bộ Y tế Lebanon, các cuộc tấn công đã khiến hơn 700 người thiệt mạng.

Nguy cơ trả đũa

Hiện Hezbollah không tiết lộ năng lực quân sự hay công bố số lượng chiến binh đã thiệt mạng trong những tuần gần đây. Bộ Y tế Lebanon cũng không phân biệt giữa chiến binh và dân thường trong các báo cáo về thương vong.

Dù có một hệ thống phức tạp điều hành nhiều trường học, bệnh viện và cung cấp các dịch vụ xã hội cho người ủng hộ tại Lebanon, Hezbollah vẫn chưa thể tìm ra một lãnh đạo có sức ảnh hưởng như ông Nasrallah.

Ông Nasrallah lãnh đạo Hezbollah từ khi nhóm này chỉ là một lực lượng du kích ngầm chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Israel ở miền Nam Lebanon cho đến năm 2000. Mỹ đã liệt kê Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố vào năm 1997.

Ông Nasrallah dẫn dắt Hezbollah bước vào chính trường Lebanon, giành ghế trong Quốc hội và tham gia các liên minh cầm quyền, chiến đấu đến bế tắc với Israel trong cuộc chiến tàn khốc năm 2006 và mở rộng hoạt động sang các quốc gia khác, tham gia cuộc nội chiến ở Syria, huấn luyện các lực lượng dân quân đồng minh tại Iraq và Yemen. Ông cũng có mối quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo của Hamas và các lực lượng dân quân khác trong khu vực, cũng như với lãnh tụ tối cao của Iran.

 Hình ảnh thủ lĩnh Hassan Nasrallah trên đường phố Beirut vào năm 2017. Ảnh: New York Times.

Hình ảnh thủ lĩnh Hassan Nasrallah trên đường phố Beirut vào năm 2017. Ảnh: New York Times.

Nhiều người ở Lebanon suy đoán rằng lãnh đạo tiếp theo của Hezbollah có thể là ông Hashem Safieddine, một người anh em họ của ông Nasrallah đã sống sót vượt qua các vụ ám sát gần đây. Phó chỉ huy Sheikh Naim Qassim cũng có thể vẫn còn sống.

Các quan chức Mỹ cảnh báo Israel sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu diệt Hezbollah nếu tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ miền Nam Lebanon, nơi nhóm này đặt căn cứ.

Nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định tấn công kho vũ khí chiến lược của Hezbollah - nơi lưu trữ tên lửa đạn đạo, hầu hết được chôn sâu trong các ngọn núi ở Lebanon - thiệt hại đối với dân thường có thể lớn hơn nhiều so với sự tàn phá ở Gaza.

Hiện chưa rõ động thái tiếp theo của Hezbollah và Iran. Tuy nhiên, vụ ám sát ông Nasrallah có thể thúc đẩy Hezbollah hành động quyết liệt hơn so với các cuộc tấn công hạn chế mà nhóm đã tiến hành tính đến nay.

Theo một quan chức an ninh cấp cao của Israel, Hezbollah đã chuẩn bị cho cuộc chiến lớn tiếp theo với Israel kể từ khi cuộc chiến cuối cùng kết thúc vào năm 2006, và được cho là có khả năng phóng hàng trăm quả rocket cùng lúc vào các thành phố lớn của Israel như Tel Aviv và Haifa, khiến hệ thống phòng không của Israel quá tải. Chỉ cần một số rocket vượt qua hệ thống phòng thủ, chúng có thể gây ra thiệt hại khủng khiếp.

Thủ đô Beirut căng thẳng sau vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Việc Israel ám sát lãnh đạo tối cao của lực lượng Hezbollah, Hassan Nasrallah, vào tối 27/9 là một sự leo thang gây sốc trong chiến dịch tấn công của nước này, nhằm vào nhóm quân sự được Iran hậu thuẫn.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-hoi-lon-sau-cai-chet-cua-lanh-dao-quyen-luc-nhat-hezbollah-post1501028.html