Ai sướng hơn ai?...
Quán cà phê vào sáng chủ nhật khá nhộn nhịp, thường vậy, hai ngày cuối tuần luôn đông hơn các ngày khác trong tuần. Lâu lắm rồi, tôi mới ngồi cà phê với bạn. Có thể do tôi có thói quen ít giao du, nên nhiều khi cả tháng không hề ngồi cà phê.
Cuộc cà phê hôm đó, tôi ngồi cùng một người anh làm nghề bán sách cũ, và hai người bạn của anh ấy. Đương nhiên, với tôi, hai người đó là hai người lần đầu gặp gỡ. Anh bán sách cũ thì tôi hay gặp, vì tôi vẫn thường lui tới quán sách cũ của anh.
Người đầu tiên tôi gặp là một người anh làm trên Bộ, tuổi gần năm mươi, nhưng trông trẻ và khá điển trai. Sau một hồi nói Đông nói Tây, anh tự giới thiệu tên, và hỏi tôi là có vợ chưa. Tôi thì vừa ba bảy, và mới cưới vợ hồi tháng trước. Tôi tự giới thiệu, và có một chút ngần ngại về việc cưới vợ muộn của mình.
Thú thực, ở tuổi ba mươi bảy, bạn bè của tôi (ở quê) đã có vợ và hai đứa con lớn lắm rồi, có khi có người bạn con đã sắp vào đại học. Vậy mà bây giờ tôi mới cưới vợ. Rồi chẳng biết bao giờ có con?
Tôi là một người đam mê văn chương nói riêng, và nghệ thuật nói chung, nên chuộng cách sống tự do, không thích gò bó, và đương nhiên, chuyện có vợ sớm là một nỗi cực hình (vì tôi không thể theo đuổi được ước mơ của tuổi trẻ).
Nhưng sau cùng tôi cũng cưới vợ (phải cưới vợ), vì cuộc sống cần phải thế. Một người, dù làm gì và sống ở đâu, thì cũng phải có vợ có con!
Ông anh bán sách cũ bảo: Cậu này có vợ trễ, nên sau này hơi vất vả tí.
Ông anh làm trên Bộ phát ngôn: Nó muộn gì bằng tôi?
À quên, ông này mới là trễ, chứ cậu còn sớm chán. Anh bán sách vỗ vai tôi, và chêm thêm.
Tôi khá tò mò. Nên mới hỏi cụ thể. Hóa ra ông anh làm trên Bộ cũng vừa cưới vợ xong, trước tôi mấy tháng.
Vậy là anh lên bốn mươi bảy mới cưới vợ. Anh lại than vãn với tôi về việc lấy vợ muộn, sau này nhọc (cực).
Vậy ở đây anh Hưng là sướng nhất. Hưng là người bán sách cũ, chỗ quen biết của tôi. Ba anh em cùng cười. Thì vừa lúc đó anh Dũng bước vào.
Anh Dũng là một trong hai người bạn của anh Hưng (tôi vừa nhắc ở trên). Thế là anh Hưng lại chỉ vào anh Dũng, và bảo: Ông này mới sướng nhất!
Tôi lại tò mò hỏi chuyện. Thì ra anh Dũng đã có vợ từ rất lâu rồi, hai con cũng lớn cả rồi, và cũng đã ly di vợ rồi.
Ồ. Thế hóa ra anh Dũng trở về với thời trai tân! Tôi nói đùa.
Cuộc cà phê của bốn người đàn ông, ba người sinh năm bảy sáu (bốn tám tuổi), và tôi sinh năm tám bảy (ba bảy tuổi) xoay quanh chủ đề “ai sướng hơn ai”.
Hôn nhân là chuyện hạnh phúc của một đời người, và chuyện lập gia đình là điều tất yếu của mỗi người, trong dòng chảy văn hóa cổ truyền ngàn năm của dân tộc.
Trai lớn lên lấy vợ, gái lớn lên gả chồng, đó là quy luật muôn thuở. Nhưng chẳng hiểu vì sao, thời đại ngày nay nhiều người lấy vợ muộn (như trong bốn người đây thì tôi và anh Quang (anh làm trên Bộ) lấy vợ muộn)?
Riêng cá nhân tôi vì cả tuổi trẻ tôi gặp nhiều thất bại, và nhiều truân chuyên, cũng như con đường tôi đi (con đường nghệ thuật) quá gập gềnh, nên chuyện kết hôn (cưới vợ) với tôi là một điều gì đó rất xa xôi.
Nhưng anh Quang, việc làm ổn định và có địa vị thế, sao lại lấy vợ muộn?
Ông già nói quá, không thì anh ở vậy cho sướng hơn. Anh có tư tưởng không lập gia đình, sống một mình cho tự do, và “sướng”. Nhưng lấy vợ, cũng có cái sướng mà? Tôi vừa hỏi anh, vừa quay mặt lại phía anh Hưng.
Sướng nhất thì chỉ có ông này. Anh Hưng lại chỉ anh Dũng. Hắn sướng từ lúc trẻ, cho đến bây giờ, ly dị vợ rồi thì tha hồ mà kiếm tìm mấy em trẻ. Anh Hưng vừa nói đùa vừa nói thật.
Tôi không nói gì, chỉ biết cười. Đúng là sướng khổ khó nói quá...
"Choa (chúng tôi) mà sướng chi. Có vợ sớm, lo mù con mắt", anh Dũng cười hì hì.
Mấy anh em miền Trung với nhau, kể cũng vui, nghĩ gì nói đó.
Cuộc sống nghĩ cũng lạ, trong bốn anh em ngồi cùng nhau, người thì có vợ rất sớm (mới qua hai mươi), người ở mức vừa vừa (gần ba mươi), người lấy vợ muộn (ba mươi bảy), người lấy vợ rất muộn (bốn mươi bảy). Đúng là hữu duyên gặp nhau thật thú vị. Nhưng cuộc đời mà, nào có biết ai sướng hơn ai?...
Tôi thì vẫn đinh ninh, rằng mình sẽ không lấy vợ, vì để giữ trọn vẹn niềm đam mê cho nghệ thuật (phim, âm nhạc, văn chương).
Tôi vẫn nghĩ, một người được sống tự do và làm điều mình thích, mới là sướng nhất. Điều này, anh Quang đồng ý với tôi (dù công việc của anh ấy là trên Bộ - thuộc loại hình công việc khô khan và nhàm chán).
Chẳng biết sao một người thiên về lĩnh vực cần nhiều cảm xúc, và một người làm công việc cần hạn chế cảm xúc, lại có sự đồng cảm với nhau?...
Vấn đề này, anh Dũng phản đối dữ dội. Anh Hưng thì im im, trầm ngâm nghĩ ngợi.
Anh Dũng lên tiếng: Chỉ có mấy kẻ sống hơi chỉ biết nghĩ đến bản thân mới có cách suy nghĩ đó. Việt Nam có một văn hóa khác, không thể theo Tây được?...
Nhưng anh Quang lại không hề nhắc đến chuyện mình đã ly dị vợ, mặc dù có thể chuyện lấy vợ hay không chẳng liên quan gì đến chuyện ly dị hay không.
Và buổi cà phê hôm đó, hơn hai tiếng, chúng tôi chỉ nói mãi một nội dung về việc: Có nên lập gia đình hay không? Có nên có con không? Và việc sướng hay cực cứ quẩn qua quẩn lại.
Vậy đó, đôi khi cánh mày râu ngồi cùng nhau cũng có khối chuyện để nói. Mà đôi khi cái sự nói đó, để tranh luận theo quan điểm của mình, về một câu hỏi ngắn ngủn: Ai sướng hơn ai?...
Mà cuộc đời thì, như cái vốn dĩ của nó: Chẳng biết ai sướng hơn ai!...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ai-suong-hon-ai-a656175.html