'Ðại thụ' của buôn làng

Tại sóc Bù Xiết, xã Ðoàn Kết, huyện Bù Ðăng (Bình Phước), già làng Ðiểu Chon được bà con ví như 'đại thụ' của buôn làng.

Già làng Ðiểu Chon thường xuyên tranh thủ thời gian tìm hiểu các văn bản, quy định về pháp luật.

Già làng Ðiểu Chon thường xuyên tranh thủ thời gian tìm hiểu các văn bản, quy định về pháp luật.

Tại sóc Bù Xiết, xã Ðoàn Kết, huyện Bù Ðăng (Bình Phước), già làng Ðiểu Chon được bà con ví như “đại thụ” của buôn làng.

Vốn là người lính Cụ Hồ, khi trở về cuộc sống đời thường, già làng Ðiểu Chon là tấm gương làm kinh tế giỏi và mẫu mực trong công việc, cùng chính quyền các cấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bình yên cho buôn làng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, già làng Ðiểu Chon tham gia du kích và vinh dự trở thành trinh sát cơ động tỉnh Sông Bé (Trung đội 1, Ðại đội 1, Tiểu đoàn 304). Ông được giao nắm thông tin địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ biên giới huyện Lộc Ninh, Bù Ðốp trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và truy quét tàn quân phun-rô ở các xã Nghĩa Trung, Thống Nhất, Ðồng Nai, Thọ Sơn của huyện Bù Ðăng ngày nay. “Những ngày là lính, phụ cấp 5 đồng/tháng. Nhiệm vụ nguy hiểm và cái chết luôn rình rập. Giờ nhớ lại những kỷ niệm xưa tôi không bao giờ quên và rất tự hào”, già làng Ðiểu Chon kể lại. Năm 1982, Ðiểu Chon xuất ngũ nhưng ông vẫn sống đúng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Từ việc lớn, việc nhỏ trong sóc, bà con đều tin tưởng nhờ ông hướng dẫn, giúp đỡ, phân xử. Mỗi khi dân làng có xích mích, nhờ tiếng nói của già Chon, mọi chuyện đều được hòa giải thành công cho nên già luôn được bà con dân làng tin yêu. Già làng Ðiểu Chon cho biết: “Mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau, những vấn đề bà con vướng mắc thường liên quan đến phong tục. Nhiều trường hợp bà con vô tình vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức. Là người hiểu biết hơn, tôi thấy mình có trách nhiệm phải dẫn dắt để đồng bào đi đúng hướng, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Năm nay, già làng Ðiểu Chon đã bước sang tuổi 63, nhưng ông vẫn tranh thủ thời gian để bổ sung kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự, hình sự... Già làng Ðiểu Chon tâm niệm, đọc sách giúp rèn luyện trí nhớ, bổ sung thêm nguồn kiến thức để tuyên truyền cho bà con, phải am hiểu được pháp luật, nắm chắc phong tục của đồng bào, hương ước, quy ước… thì mới hòa giải, phân giải thấu tình đạt lý, đồng bào mới nghe theo. Già Chon còn tích cực vận động bà con trong buôn, sóc không để con em mình bỏ học, chịu khó tìm tòi tiếp thu những kinh nghiệm sản xuất mới để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới; xóa bỏ những hủ tục, cùng nhau xây dựng buôn, sóc văn hóa… Ngoài thời gian dành cho cộng đồng, già Chon chăm chỉ tạo dựng cơ nghiệp. Hiện, già làng Ðiểu Chon sở hữu 12 ha điều xen cà-phê, năm sào lúa, ba sào sầu riêng. Nhờ chăm chỉ lao động cộng với việc chịu khó tìm hiểu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, hằng năm mang lại cho già thu nhập 200 triệu đồng.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Ma Ly Phước cho biết: Những năm qua, già làng Ðiểu Chon nói riêng và các già làng, người có uy tín trong cộng đồng ở Bình Phước nói chung đã đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật ở cộng đồng. Với uy tín của mình, không ít già làng, người có uy tín đã hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong nhân dân, qua đó, góp phần giữ gìn an ninh - trật tự thôn, ấp, xây dựng tình đoàn kết trong buôn làng.

Bài và ảnh: Nhất Sơn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-toc-mien-nui/ai-thu-cua-buon-lang-608665/