AIPA 41: Thúc đẩy vai trò Nghị sĩ nữ nhằm bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ

Trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41), chiều 8/9 đã diễn ra Hội nghị nữ Nghị sĩ AIPA (WAIPA) theo hình thức trực tuyến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ban Thư ký AIPA và các nữ Nghị sĩ đại diện Nghị viện các nước thành viên AIPA.

Việt Nam nỗ lực đảm bảo bình đẳng giới thực chất

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm. Năm 2019, Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động và một số luật liên quan để những quy định về lao động - việc làm đối với lao động nữ tập trung vào việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ.

“Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và ‘không ai bị bỏ lại phía sau’”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Thay mặt đoàn nữ Nghị sĩ Việt Nam dự Hội nghị, bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu chia sẻ, thời gian qua, Việt Nam đã tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nhưng vẫn còn sự chênh lệch giữa nam giới và nữ giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và thu nhập bình đẳng. Trong quý II/2020, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam trong độ tuổi; tỷ lệ nữ thất nghiệp là 2,4% cao hơn so với nam giới (2,14%); thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,1 triệu đồng, cao hơn lao động nữ 1,4 lần (4,3 triệu đồng).

Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát được Covid-19, nhưng đại dịch đã tác động lớn đến thị trường lao động, đến người lao động trong đó có lao động nữ. Để ứng phó với đại dịch, các nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia quá trình xem xét và thông qua gói hỗ trợ tài chính cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; phát huy vai trò là người đại biểu của Nhân dân, kịp thời động viên cử tri và Nhân dân tích cực hưởng ứng, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát việc thực hiện các chính sách ứng phó với đại dịch và hỗ trợ hậu Covid-19; chủ động điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, phương thức làm việc để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của tình hình.

Tại Hội nghị, bên cạnh những khuyến nghị đã được Việt Nam đưa vào dự thảo Nghị quyết, đoàn Việt Nam kiến nghị tăng cường các hoạt động nghị viện, lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách, thực hiện chức năng đại diện, hỗ trợ nâng cao năng lực của phụ nữ sẵn sàng ứng phó với đại dịch và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tình huống khẩn cấp; tăng cường nguồn lực, thực hiện bình đẳng giới hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có vấn đề việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập đối với lao động nữ.

Nghị viện các nước thành viên cần đoàn kết, hợp tác, cùng hành động, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh - xã hội cho người dân; đồng thời, cần có các biện pháp hỗ trợ cho lao động nữ và những người yếu thế trong xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch. Các Nghị viện thành viên và các Nghị sĩ cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn trong việc hoạch định và hoàn thiện chính sách việc làm đối với lao động nữ, mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc cho phụ nữ, tạo điều kiện trao đổi cởi mở các ý tưởng với phụ nữ, nâng cao tính minh bạch trong hoạch định chính sách.

Cùng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất cơ chế hợp tác

Thúc đẩy việc làm bền vững và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm, là một trong những thước đo sự tiến bộ xã hội của một quốc gia, được ghi nhận trong nhiều văn kiện thế giới và khu vực. Chương trình phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030 đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2030, đạt được viêc làm đầy đủ, năng suất và công việc tử tế cho tất cả phụ nữ và nam giới,... và trả lương bình đẳng cho những công việc có cùng giá trị”.

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong 20 năm qua, những số liệu mới cập nhật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc. Đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ, gần 510 triệu người, tức 40% số lao động nữ toàn cầu, hiện đang làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên. Xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030.

Tại Hội nghị, đại diện đoàn Nghị sĩ các nước đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò của nữ Nghị sỹ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm và thu nhập; đề xuất cơ chế hợp tác nghị viện ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để thúc đẩy việc làm và thu nhập của lao động nữ, nhất là trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19.

Hội nghị cũng đã thảo luận và thống nhất thông qua Nghị quyết “Thúc đẩy vai trò của nữ Nghị sỹ nhằm bảo đảm việc làm bền vững và thu nhập cho lao động nữ”.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/aipa-41-thuc-day-vai-tro-nghi-si-nu-nham-bao-dam-viec-lam-va-thu-nhap-cua-lao-dong-nu-123284.html