AIPA-44: Nâng cao tầm vóc khu vực vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng

Đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) tiếp tục được đánh giá cao. Đặc biệt, các sáng kiến của Việt Nam giải quyết các thách thức của khu vực và thúc đẩy hợp tác, thể hiện tâm huyết đối với các vấn đề quan trọng của ASEAN hiện nay.

Các lãnh đạo tham dự AIPA-44. Ảnh: TTXVN

Các lãnh đạo tham dự AIPA-44. Ảnh: TTXVN

Củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN

Vừa qua, tại Thủ đô Jakarta, Indonesia đã diễn ra phiên họp Ban Chấp hành AIPA. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cùng lãnh đạo Nghị viện các nước thảo luận và thông qua chương trình hoạt động của Đại hội đồng AIPA-44; chủ đề, nội dung chương trình nghị sự của Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA, Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA và Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức, Đối thoại với quan sát viên; thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội đồng AIPA-45.

Chủ đề chính của Đại hội đồng AIPA-44 là “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng”. Đây là chủ đề có sự gắn kết và phù hợp với chủ đề chung của ASEAN năm nay là “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Chủ đề này đề cao khả năng thích ứng của các Nghị viện ASEAN trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động, nhấn mạnh đối thoại và tham vấn, tăng cường phối hợp giữa kênh lập pháp và hành pháp, góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quốc hội, Nghị viện các nước cùng đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của Đại hội đồng AIPA-44, thể hiện thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Indonesia, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA 2023 đề cao vai trò của ASEAN và AIPA cũng như các Nghị viện thành viên AIPA trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, tăng cường khả năng chống chịu và phát triển bền vững, bao trùm của khu vực để đưa ASEAN trở thành Tâm điểm tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đáng chú ý, tại chuỗi sự kiện này là phiên họp các Ủy ban của AIPA. Với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam đã tham gia và có những đóng góp quan trọng vào quá trình xem xét và hoàn thiện các dự thảo văn kiện tại các phiên họp này.

Tại phiên họp Ủy ban Chính trị, các nước đã xem xét và thông qua Nghị quyết Báo cáo về cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN - AIPA nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 và Nghị quyết Báo cáo về Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 14. Đồng thời xem xét, đóng góp ý kiến và thông qua 4 dự thảo văn kiện, gồm: Nghị quyết về duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực thông qua đối thoại và hợp tác do Indonesia đề xuất và Việt Nam đồng bảo trợ; Nghị quyết về mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố, bạo lực cực đoan và cực đoan hóa do Malaysia đề xuất; Nghị quyết về vai trò của Nghị viện trong việc giải quyết mối quan hệ an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và an ninh lương thực (WEF) trong ASEAN do Malaysia đề xuất; và Nghị quyết về hợp tác Nghị viện đóng góp cho hòa bình lâu dài tại Myanmar do Indonesia đề xuất.

Tại phiên họp, Việt Nam tái khẳng định quan điểm, lập trường chung của Việt Nam và ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Phiên họp Ủy ban Kinh tế đã xem xét dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy chuyển đổi xanh để tăng trưởng kinh tế, vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế khu vực và đối phó với tham nhũng; thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển nền kinh tế xanh ở ASEAN. Phiên họp Ủy ban Xã hội đã thảo luận về hành động Nghị viện nhằm thúc đẩy việc làm xanh và kỹ năng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế xanh. Phiên họp Ủy ban Tổ chức đã xem xét việc kết nạp Quốc hội Cuba, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Quốc hội Armenia làm quan sát viên của AIPA.

Đề xuất của Việt Nam là kịp thời, đúng đắn

Nổi bật nhất trong các đóng góp của Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA là Việt Nam đề xuất 3 sáng kiến và nghị quyết tại các Ủy ban Kinh tế và Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA.

Theo đó, tại Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA, Việt Nam đề xuất dự thảo Nghị quyết về “Chuyển đổi số do phụ nữ dẫn dắt và vì phụ nữ”. Đề xuất của Việt Nam đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy và tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi số ở mỗi quốc gia, bảo đảm rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau.

Quang cảnh Lễ khai mạc AIPA-44. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh Lễ khai mạc AIPA-44. Ảnh: TTXVN

Tại Ủy ban Kinh tế, Việt Nam đề xuất dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”. Sáng kiến này của Việt Nam đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc tiếp thu, làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến; thúc đẩy chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với các thách thức mới; tăng cường hợp tác hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó, Việt Nam đề xuất dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy áp dụng các hướng dẫn của ASEAN về đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp”, đưa ra khuyến nghị với các Nghị viện AIPA và Chính phủ ASEAN về đầu tư trách nhiệm trong lĩnh vực lương thực, nông-lâm nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và nạn phá rừng.

Các dự thảo Nghị quyết do Việt Nam đề xuất được đánh giá là kịp thời và đúng đắn trong bối cảnh hơn 6% người dân tại Đông Nam Á chịu cảnh thiếu lương thực, trong khi thế giới ngày càng đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững.

Ngoài 3 đề xuất nổi bật nhất này, Việt Nam cũng đóng góp nhiều ý kiến có giá trị, được các nước đánh giá cao. Việt Nam cũng tham gia bảo trợ một số Nghị quyết của các Ủy ban. Đánh giá từ các quan chức AIPA, tại các phiên họp, đoàn Việt Nam đã tham gia với tinh thần chủ động, tích cực, đóng góp xây dựng vào quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn kiện.

Theo Tổng thư ký AIPA Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman, đóng góp của đoàn Việt Nam tại AIPA-44 được đánh giá cao, đặc biệt, 3 đề xuất dự thảo Nghị quyết của Việt Nam nhằm giải quyết các thách thức chính của khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa các Nghị viện thành viên AIPA. Các đề xuất dự thảo Nghị quyết của Việt Nam thể hiện tâm huyết đối với các vấn đề quan trọng của ASEAN hiện nay như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/aipa-44-nang-cao-tam-voc-khu-vuc-vi-mot-asean-on-dinh-va-thinh-vuong-post464766.html