'AIR - Theo đuổi một huyền thoại' - tầm nhìn vĩ đại của người mẹ

Bộ phim 'AIR - Theo đuổi một huyền thoại' (tựa gốc: 'AIR') kể lại quá trình ra đời của thương hiệu giày thể thao toàn cầu Air Jordan. Sự phối hợp ăn ý của dàn sao gồm Matt Damon, Ben Affleck, Jason Bateman, Viola Davis, Chris Tucker… tạo nên một tác phẩm điện ảnh đầy cảm xúc và đáng nhớ.

Cuối thập niên 1980, Nike vẫn là đàn em so với Adidas và Converse. Còn ngôi sao bóng rổ đang lên Michael Jordan (sinh năm 1963) luôn thi đấu với đôi giày Adidas và đi dạo với thương hiệu Converse. Vì vậy chưa bao giờ Jordan nghĩ đến chuyện sẽ ký hợp đồng quảng cáo với Nike. Nhưng đội ngũ nhân viên tài ba và đầy tâm huyết của hãng Nike sau đó đã tạo nên cú bắt tay ngoạn mục nhất trong lịch sử cạnh tranh giữa những thương hiệu thể thao.

“AIR” quy tụ dàn diễn viên thực lực của Hollywood

“AIR” quy tụ dàn diễn viên thực lực của Hollywood

Tầm nhìn vĩ đại

Tất cả các hãng sản xuất đồ thể thao đều “săn lùng” những ngôi sao hàng đầu thế giới để quảng bá cho thương hiệu của mình. Michael Jordan bấy giờ mới 18 tuổi, nổi lên như một vận động viên trẻ sáng giá trên sân bóng rổ khi bắt đầu thi đấu ở giải chuyên nghiệp NBA. Để có được chữ ký của Jordan, giám đốc điều hành huyền thoại Sonny Vaccaro (Matt Damon đóng) của Nike tìm cách tiếp cận với mẹ của cầu thủ này vì biết Jordan là một người rất thương yêu mẹ. Với sự tường minh của mình, bà Deloris Jordan (Viola Davis đóng) nhận ra không phải Adidas hay Converse - 2 “ông lớn” đang quá bận bịu với những ngôi sao sẵn có của họ lúc đó - mà chính Nike mới là hãng làm nên bước ngoặc cuộc đời của con mình.

Những nhân viên Nike đứng trước mặt bà Deloris thể hiện được “tham vọng trở thành vĩ đại” và sẵn sàng đương đầu rủi ro, trong khi những “ông lớn” thể thao khác chỉ muốn có sự an toàn trong kinh doanh tiếp thị. Có lúc, bản hợp đồng tưởng như không thể tiến hành khi nhà Michael đưa ra một điều kiện chưa từng có tiền lệ. Đó là Nike phải trích doanh thu trên mỗi đôi giày bán được nếu như Jordan trở thành nhà vô địch nước Mỹ. Quyết định theo đuổi chữ ký của Michael Jordan cũng tạo nên nhiều ý kiến phản đối trong nội bộ Nike do quá tốn kém và có điều khoản chưa từng có tiền lệ.

Khai thác tâm lý nhân vật sâu sắc

Đạo diễn “AIR” là Ben Affleck cũng đóng một vai quan trọng trong phim. Đó là Phil Knight - vị CEO đầy quyết đoán của Nike và là nhân vật quan trọng ở thượng tầng công ty ủng hộ các nhân viên của mình. Ngôi sao Matt Damon vào vai Sonny Vaccaro - giám đốc điều hành và phát triển thương hiệu cho Nike - chính là người đặt viên gạch đầu tiên cho “dự án Jordan” mà cho đến nay nó vẫn còn được duy trì. “AIR - Theo đuổi một huyền thoại” được xây dựng xoay quanh nhân vật cốt lõi này và chính anh là khởi nguồn cho tất cả những cơn hỉ nộ trong phim.

Phim “AIR” cho thấy, sự hợp tác suôn sẻ giữa Michael Jordan và hãng Nike đã viết nên trang sử mới về sự kết hợp quảng bá thương hiệu trong kinh doanh, làm thay đổi cách thức mà ngành sản xuất giày thể thao vận hành cho tới ngày nay.

Phần diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên da màu Viola Davis trong vai người mẹ Deloris của Jordan tạo nhiều cảm xúc nhất cho người xem. Còn Jason Bateman (vai Rob Strasser) và Chris Tucker (Howard White) là bộ đôi chấm phá cho những khoảng lặng cần thiết trong phim. Có 2 cuộc hội thoại ngắn ngủi nhưng rất đắt giá giữa Deloris và Sonny trong “AIR”. Nó thể hiện được tầm nhìn của một công ty (Sonny - đại diện Nike) và tấm lòng của một người mẹ (Deloris - đại diện cho Jordan). Một giám đốc điều hành hết lòng phục vụ công ty và một người mẹ biết cách đưa tài năng của con mình ra thế giới một cách khéo léo nhất.

“Jordan mà không có Jordan”

Nếu khán giả mong chờ sẽ thưởng thức một bộ phim có nhiều hình ảnh của Michael Jordan tung hoành với quả bóng rổ trên màn ảnh rộng, có lẽ sẽ thất vọng vì “AIR” không đặt trọng tâm về vận động viên vĩ đại này. Bộ phim là cuộc đấu tranh phía sau của những người có ảnh hưởng đến sự nghiệp của Michael Jordan. Phim cho thấy đằng sau hào quang thành công của một siêu sao còn có rất nhiều gương mặt đóng góp, hỗ trợ thầm lặng khác.

“AIR - Theo đuổi một huyền thoại” là một bộ phim không phức tạp song lại giúp khán giả “bùng cháy” cảm xúc từ đầu đến cuối với chất liệu ban đầu chỉ từ… một đôi giày. Nhờ người mẹ đầy khôn ngoan của Jordan mở ra tiền lệ mới trong hợp đồng quảng cáo giữa các công ty thể thao và vận động viên, các bản hợp đồng về sau này mang lại lợi thế cho vận động viên và họ được nhận hàng tỷ USD. Khi ký hợp đồng với Michael Jordan, Nike hy vọng chỉ bán giày “AIR” được doanh số 3 triệu USD trong năm đầu tiên. Nhưng thực tế, Nike kiếm được đến 162 triệu USD. Không lâu sau cú thắng lớn này, Nike trở thành hãng sản xuất đồ thể thao lớn nhất thế giới. Còn đối với Jordan, hợp đồng với Nike giúp anh kiếm được 1,3 tỷ USD tính đến năm 2020. Dĩ nhiên số tiền chảy vào túi cựu siêu sao 60 tuổi này sẽ còn nhiều hơn nữa vì thời gian vẫn còn phía trước.

Thiết kế giày bóng rổ phiên bản “Air Jordan” được cách điệu từ hình ảnh của chính Jordan nhảy lên không trung và ném bóng vào rổ. Không chỉ là những đôi giày trên sân bóng, “Air Jordan” trở thành một biểu tượng của thể thao chuyên nghiệp lẫn văn hóa đường phố. Sản phẩm này góp phần thay đổi làng thể thao đại chúng, tạo ra một tầm nhìn mới cho ngành công nghiệp giày thể thao. Trước đây, người ta coi “giày chỉ là giày” cho đến khi có người đi nó. Sau khi “Air Jordan” ra đời, người ta nói “giày chỉ là giày cho đến khi Jordan mang nó”. Bạn có thể nhìn thấy giới bình dân lẫn nghệ sĩ mang mẫu giày “Air Jordan” ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/air-theo-duoi-mot-huyen-thoai-tam-nhin-vi-dai-cua-nguoi-me-post537074.antd