Ait Benhaddou - Ngôi làng cổ bước ra từ thế giới phim ảnh

Ma-rốc đã khiến không ít người ngạc nhiên và thích thú với thành phố cảng thanh lịch Tangier, Casablanca mộng mơ trong phim ảnh hay Fez nằm sâu trong lục địa và Marrakesh rộng lớn, hừng hực sức sống. Tuy nhiên, Ait Benhaddou, mới là nơi đãi ngộ du khách một cách xứng đáng sau quãng đường dài thắt tim, nơi thực sự ấn tượng theo một cách khác.

Ait Benhaddou được công nhận là di sản thế giới.

Ait Benhaddou được công nhận là di sản thế giới.

Ngôi làng nằm về phía Đông Nam Ma-rốc này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1987, cũng là năm bộ phim The Living Daylights được quay tại đây. Ait Benhaddou còn là phim trường của nhiều bộ phim nổi tiếng như Lawrence of Arabia, Chiến tranh giữa các vì sao, Gladiator…

Cách Ouarzazate khoảng 30km và ẩn mình dưới chân núi High Atlas, Ait Benhaddou là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu tại Ma-rốc. Ngôi làng được ghi dấu trong tâm trí của du khách quốc tế bởi những công trình kiến trúc mang phong cách đặc biệt được gọi là Ksar - một nhóm các tòa nhà bằng đất được bao quanh bởi những bức tường cao.

Đây vốn là một không gian sống truyền thống của người bản địa trên sa mạc Sahara. Tiêu biểu nhất là những ngôi nhà Kasbah được xây bằng đất, cao 3 - 4 tầng. Bên trong các bức tường bùn cao là 6 khu vực Ksar và mỗi Ksar như thế có khoảng 8 gia đình sinh sống.

Những ngôi nhà không quá cầu kỳ nhưng các tầng trên cao thì lại được trang trí với hoa văn dày đặc và chi tiết. Đặc biệt, khối tháp ở đầu các bức tường được xây dựng hoàn toàn bằng gạch và đất bùn theo lối truyền thống. Các tháp này được làm công phu hơn khi chủ nhà là những người có của ăn của để. Nhiều khối tháp trông như những chiếc vương miện. Nhưng vì tất cả đều làm bằng đất nên qua thời gian và mưa gió, nhiều ngôi nhà ở đây trở nên cũ kỹ, trông như phế tích.

Càng lên cao, khung cảnh của làng càng đẹp và thơ mộng. Những ngôi Kasbah nhìn từ trên cao dưới nắng vàng rực rỡ lại càng thêm quyến rũ. Đối với nhiều du khách, thời điểm đẹp nhất ở Ait Bebhaddou chính là vào buổi chiều muộn và hoàng hôn. Có lẽ, nhiều người sẵn sàng đánh đổi nhiều thú vui khác để được đứng trên đỉnh của Ait Bebhaddou và phóng tầm mắt ra xa thưởng thức khoảnh khắc tuyệt đẹp trong ngày.

Anh Mohamed là một nghệ nhân vẽ tranh lửa đã sống ở đây 30 năm. Với những công cụ thô sơ đơn giản, qua bàn tay khéo léo của mình, anh đã tạo nên những bức tranh tuyệt đẹp về văn hóa và khung cảnh Ma-rốc. Anh chia sẻ, cái khó chính là cách tạo phần “hồn” cho bức tranh lửa. Điều này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và niềm đam mê của người nghệ sĩ. Chỉ với hai màu chủ đạo là màu trắng của giấy và màu vàng nâu của mực bị đốt cháy, Mohamed đã tạo được những nét tối sáng, đậm nhạt, làm cho bức tranh có chiều sâu và mang một ấn tượng riêng.

Dường như sự giản dị của loại hình tranh lửa lại rất phù hợp để thể hiện những khung cảnh cổ xưa nên thơ, trữ tình, qua đó giúp du khách cảm nhận và hiểu biết thêm về những địa danh nổi tiếng của Ma-rốc ngày trước. Anh chia sẻ rằng vẽ tranh lửa đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác bởi không thể tẩy xóa nếu vẽ sai. Vì thế, trước tiên người nghệ sĩ phải có tình yêu với từng nét vẽ, sau đó mới cần tới sự chuyên cần và chịu khó.

Kết thúc chuyến trải nghiệm lý thú tại Ait Benhaddou bằng vị trà nóng hổi đựng trong tách bạc tại một quán trà địa phương quả là sảng khoái. Người Ma-rốc thường tiếp khách bằng ba loại trà với hương vị và ý nghĩa riêng. Hoàng hôn ở đây như muốn níu kéo bước chân du khách ở lại với nơi này thêm nữa.

Ở Ma-rốc đâu đâu cũng có trà, kasbah, nhưng chính ở Ait Benhaddou lại là nơi để người ta mơ ước một lần được quay trở lại bởi sức quyến rũ tỏa ra từ không gian cổ kính không trộn lẫn với bất kỳ nơi nào khác.

Theo Thu Hường/Petrotimes

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/ait-benhaddou-ngoi-lang-co-buoc-ra-tu-the-gioi-phim-anh/20211124090349257