AKP: Ukraine có thể tham gia Hiệp ước TAC của ASEAN

ASEAN đang xúc tiến quy trình nội khối nhằm cho phép Ukraine tham gia ký văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC).

Lễ ký kết văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tại Phnom Penh, Campuchia ngày 3/8/2022. (Ảnh: Tuấn Anh)

Lễ ký kết văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tại Phnom Penh, Campuchia ngày 3/8/2022. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) ngày 22/10, Ukraine có thể sẽ ký kết tham gia TAC với các quốc gia thành viên ASEAN vào thời điểm Campuchia đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 và các hội nghị liên quan tháng 11 tới.

AKP dẫn lời ông Chum Sounry, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia cho biết, ASEAN đang xúc tiến quy trình nội khối nhằm cho phép Ukraine tham gia ký văn kiện gia nhập TAC.

Ông cũng khẳng định, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba có thể tham dự hội nghị cấp cao sắp tới.

Trả lời câu hỏi về việc ASEAN có kế hoạch tổ chức cuộc gặp song phương giữa Nga và Ukraine hay không, ông Chum Sounry cho biết với tư cách nước chủ nhà, ngoài hội nghị cấp cao, Campuchia sẽ cung cấp địa điểm cho bất kỳ cuộc gặp song phương nào nhưng "chúng tôi sẽ không can dự vận động cho bất kỳ sự dàn xếp nào".

Theo AKP, Ukraine có nguyện vọng trở thành thành viên TAC từ tháng 8 năm nay, cùng thời điểm với 6 quốc gia khác là Oman, Qatar, Hy Lạp, Hà Lan, Đan Mạch và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước này, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại thủ đô Phnom Penh.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do Ukraine nộp đề xuất chậm nên Chủ tịch ASEAN 2022 Campuchia và Ban Thư ký ASEAN không thể xử lý kịp thời.

Ngoại trưởng Ukraine Dmhytro Kuleba hôm 24/9 đã đăng trên Twitter rằng việc gia nhập TAC là một trong những mục tiêu của chiến lược châu Á của Ukraine.

“Chúng tôi mong đợi một chương mới trong quan hệ Ukraine-ASEAN”, ông viết.

TAC là hiệp ước hòa bình được ký kết năm 1976 giữa các quốc gia thành viên ASEAN nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử về quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, thúc đẩy hòa bình, quan hệ hữu nghị và hợp tác vĩnh viễn dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, nguyên tắc không can thiệp và giải quyết hòa bình tranh chấp.

Nguyễn Hoàng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/akp-ukraine-co-the-tham-gia-hiep-uoc-tac-cua-asean-203040.html