Alexander đại đế được ca tụng hay nguyền rủa?
Ở Ba Tư, Alexander Đại đế từ lâu đã được người dân coi như một vị anh hùng lẫn một kẻ tàn bạo.
Dưới sức ảnh hưởng của các nghệ nhân Hy Lạp, những hình ảnh đầu tiên của Phật đã xuất hiện trong bộ y phục giống như thần Appolo của Hy Lạp. Hậu duệ của các chiến binh Macedonia và Hy Lạp vẫn tiếp tục sinh sống nơi các thành phố Alexandria mà Đại đế đã cho xây dựng ở phương Đông. Số đông đàn ông quyết định ở lại cư trú đều kết hôn với phụ nữ bản địa và tạo ra một nền văn hóa giao thoa sống động.
Những cuộc khai quật ở Ai Khanum bên sông Oxus đã tìm ra được dấu tích của một thành phố tráng lệ với nhà hát kiểu Hy Lạp, một sân thi đấu và một xưởng đúc những đồng tiền có chữ Hy Lạp. Theo thời gian, đế chế Maurya mất dần quyền kiểm soát khu vực phía trên thung lũng sông Ấn vào tay các thành bang của vương quốc Hy Lạp - Bactria dưới quyền của một người nói tiếng Hy Lạp, là hậu duệ của thần dân của Vua Alexander.

Hầu hết các tranh vẽ Alexander đại đế đều mô tả các cuộc chiến. Ảnh: History Hit.
Những người cầm quyền như Demetrius I vẫn duy trì mối liên hệ với Aegea song có khuynh hướng cai trị độc lập ở Bactria và Sogdiana với triều thần bao gồm cả người Hy Lạp và người bản địa. Ngay cả khi cuộc nổi dậy của người Parthia ở Ba Tư đã cắt đứt mối tương giao giữa Hy Lạp - Bactria và Địa Trung Hải thì hậu duệ của các chiến binh và các lái buôn từ thời Vua Alexander vẫn sinh sôi mạnh mẽ.
Kẻ mạnh nhất trong số những người Hy Lạp thống trị ở phương Đông là Menander, được sinh ra ở khu vực gần Kabul, đã chinh phục miền Punjab và xâm chiếm đồng bằng sông Hằng. Ông quyết định trở thành một Phật tử dù nắm trong tay bao chiến công hiển hách và đã hỗ trợ cho việc kết hợp hai nền văn hóa - nghệ thuật Hy Lạp và Ấn Độ tồn tại lâu dài sau sự sụp đổ của các vương quốc Hy Lạp - Bactria sau hai trăm năm từ thời Vua Alexander qua đời.
Ở Ba Tư, Alexander Đại đế từ lâu đã được người dân coi như một vị anh hùng lẫn một kẻ tàn bạo. Trong thiên sử thi Shahnameh viết vào thời trung cổ, Vua Alexander (hay Iskandar) được người ở khu vực Trung Đông biết đến như là một hoàng tử Iran, dòng dõi hoàng gia, thân phận cao quý song đồng thời cũng bị phỉ báng là kẻ đã tiêu diệt quyền lực của Ba Tư.
Sau đó khoảng thời gian ngắn có cuốn Iskandarnameh (cuốn sách về Alexander) đã mô tả Hoàng đế như một vị vua lý tưởng có xuất thân từ Hy Lạp, một triết gia, một nhà khoa học đồng thời là một chiến binh, người đã kết hôn với nàng Roxane và con gái của Darius Đại đế rồi chiếm lấy ngôi báu, sau đó chu du tới Trung Hoa và đến Mecca. Song đối với người Zoroastria vẫn theo tôn giáo cũ của các hoàng đế Ba Tư, Alexander là một nhân vật đáng bị nguyền rủa, kẻ đã phá hủy các sách thánh và nhấn chìm thế gian trong bể máu.
Vụ cháy ở cung điện Persepolis không thể rơi vào quên lãng vì cho đến ngày nay lòng họ vẫn hướng về ngọn lửa thiêng của thần Ahuramazda. Ngay cả giữa những người theo đạo Hồi ngày nay ở Iran, Alexander Đại đế là một nhân vật xuất hiện trong các cuộc diễu hành địa phương cùng với những gương mặt vô lại độc ác khác trong dòng lịch sử thế giới, trong đó có Chú Sam, còn các bà mẹ thường dọa những đứa trẻ nghịch ngợm rằng Iskandar sẽ bắt chúng đi nếu chúng là những đứa trẻ hư.
Khắp miền Trung Đông, các di sản mà Alexander Đại đế gây dựng đều có sức ảnh hưởng lâu dài. Kinh Koran nhắc đến ngài với cái tên Dhul-Qarnayn, nghĩa là “người hai sừng”, gợi nhớ lại chân dung đúc nổi của Hoàng đế trên đồng tiền cổ khi ngài đội cặp sừng giống như người cha thần thánh của ngài - Zeus-Ammon. Theo những ghi chép của ngôn sứ Mohammed, ngài là một vị vua - triết gia đã “được Thượng Đế trao cho sức mạnh trên mặt đất và các phương cách để đạt được mọi thứ.” Các môn học mà Vua Alexander truyền bá trong khu vực vẫn được lưu giữ tốt và chứng tỏ tầm ảnh hưởng đặc biệt trong dòng lịch sử tri thức của Hồi giáo Shia.
Nguồn Znews: https://znews.vn/alexander-dai-de-duoc-ca-tung-hay-nguyen-rua-post1542364.html