AliPay và WeChat Pay chấp nhận thanh toán các thẻ tín dụng quốc tế tại Trung Quốc

Du khách quốc tế đến Trung Quốc hiện có thể liên kết thẻ tín dụng Visa và Mastercard, JCB, Diners Club hay Discover với các nền tảng thanh toán di động phổ biến nhất Trung Quốc như Alipay và WeChat Pay. Với dịch vụ liên kết này, du khách nước ngoài có thể mua sắm và thanh toán như người dân địa phương ở quốc gia gần như không dùng tiền mặt này.

Khi các ví điện tử như Alipay ngày càng phổ biến, các giao dịch bằng thẻ tín dụng và tiền mặt đã giảm mạnh ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Khi các ví điện tử như Alipay ngày càng phổ biến, các giao dịch bằng thẻ tín dụng và tiền mặt đã giảm mạnh ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Động thái này đánh dấu nỗ lực hồi sinh của Alipay và WeChat Pay trong việc chấp nhận thẻ tín dụng nước ngoài sau khi cung cấp một số quyền truy cập hạn chế cuối năm 2019. Các ví điện tử này nói họ đang hành động theo hướng dẫn và khuyến khích của nhà nước, trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế để thúc đẩy nền kinh tế đang chững lại.

Alipay, ứng dụng thanh toán lớn nhất của Trung Quốc do Ant Group điều hành, hôm 21-7 đã công báo khách nước ngoài có thể liên kết thẻ do Visa, Mastercard, Diners Club và Discover với với ví điện tử Alipay. Theo đó, thay đổi này có hiệu lực ngay lập tức.

“Khi Đại hội thể thao đại học thế giới tổ chức ở Thành Đô và Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu đến gần, khách du lịch nước ngoài đổ về Trung Quốc ngày càng nhiều. Họ có thể cần sử dụng thanh toán di động cho các nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Các vận động viên và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới có thể sử dụng Alipay trên toàn quốc để tận hưởng nhiều dịch vụ tiện ích khác nhau như mua sắm, đón taxi, đi tàu điện ngầm và tham quan các danh lam thắng cảnh”, thông cáo của Ant viết. Khoản phí thanh toán Alipay thu là 3%.

Trước đó một ngày, Tencent – công ty sở hữu ứng dụng thanh toán phổ biến thứ hai là WeChat Pay, cũng đưa ra thông báo tương tự. WeChat Pay có tên chính thức là Weixin Pay tại Trung Quốc.

Tencent nói người dùng ví điện tự WeChat Pay hiện có thể liên kết thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ do Visa, Mastercard, JCB hoặc Discover phát hành để thanh toán tại hàng chục triệu điểm thanh toán ở Trung Quốc. WeChat Pay hiện chấp nhận thanh toán các khoản chi lên tới 6.000 nhân dân tệ (835 đô la Mỹ). Ví điện tử này thu phí 3% đối với các giao dịch hơn 200 nhân dân tệ vá đặt ra giới hạn thanh toán hàng năm là 60.000 nhân dân tệ.

Cuộc đua giành thị phần không chỉ diễn ra giữa các ví điện tử khổng lồ của Trung Quốc. Visa và Master cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để nhập cuộc.

Tháng 6-2023, Dennis Chang, Phó Chủ tịch đồng thời là người phụ trách thị trường thẻ Trung Quốc mở rộng của Mastercard, thông báo rằng chủ thẻ Mastercard có thể “thanh toán như người địa phương” ở Trung Quốc bằng cách liên kết thẻ của họ với ứng dụng Alipay và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại hàng chục triệu điểm chấp nhận thẻ. Mastercard cho biết động thái này được mở rộng dựa trên mối quan hệ đối tác được thiết lập vào năm 2019 giữa hai công ty. Một tuần sau, Phó Chủ tịch Chen Qiru của Tencent Financial Technology phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân rằng Tencent sẽ “mở cửa WeChat Pay” cho các tổ chức thẻ quốc tế từ tháng 7 này.

Với động thái này, từ nay du khách quốc tế đến Trung Quốc đã dễ dàng hơn trong việc chi tiêu sử dụng các thẻ quốc tế mà họ đang có mà không cần phải mở một tài khoản ở một ngân hàng tại Trung Quốc và mua một thêm một số điện thoại địa phương để đăng ký làm “một thẻ chi tiêu” trong thời gian lưu trú ở quốc gia này.

Hiện Trung Quốc gần như là một xã hội không dùng tiền mặt với 434.000 tỉ đô la Mỹ được thanh toán qua các giao dịch điện tử. Hơn 80% giao dịch tiêu dùng hàng ngày diễn ra trên nền tảng di động, theo số liệu từ hãng thanh toán thẻ UnionPay của Trung Quốc. Alipay và WeChat Pay chiếm ưu thế trong các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, chiếm tổng cộng 91% thị phần.

Theo Nikkei Asia, CNN, Reuters

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/alipay-va-wechat-pay-chap-nhan-thanh-toan-cac-the-tin-dung-quoc-te-tai-trung-quoc/