'Alô là có!'

Chia sẻ áp lực công việc phòng, chống dịch với tuyến trên, gần đây nhiều địa phương ở Bình Phước đã thành lập trạm y tế lưu động tại một số xã, phường, thị trấn. Không chỉ vậy, ngay sau khi đưa vào vận hành các trạm y tế lưu động này còn cho thấy sự cơ động, kịp thời, thần tốc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở từng địa bàn khu dân cư.

Bác sĩ Bùi Thị Minh Thuận, Trưởng trạm Y tế lưu động số 1 phường Long Phước, TX Phước Long thăm khám cho trường hợp điều trị Covid-19 tại nhà

Bác sĩ Bùi Thị Minh Thuận, Trưởng trạm Y tế lưu động số 1 phường Long Phước, TX Phước Long thăm khám cho trường hợp điều trị Covid-19 tại nhà

Kể từ khi được Trung tâm Y tế TX. Phước Long phân công về nhận nhiệm vụ Trưởng trạm Y tế lưu động số 1 tại phường Long Phước, điện thoại của bác sĩ Bùi Thị Minh Thuận thường xuyên đổ chuông nhận các cuộc gọi của người dân, trường hợp liên quan đến Covid-19 trên địa bàn do cần sự hỗ trợ về y tế. Ngay khi đang trao đổi với chúng tôi thì bác sĩ Thuận cũng bất chợt nhận cuộc gọi của 1 trường hợp đang thực hiện điều trị Covid-19 tại nhà. Nắm nhanh thông tin người vừa gọi đến, bác sĩ Thuận lập tức lên đường.

Chúng tôi theo chân bác sĩ Thuận len lỏi trong từng con hẻm mới đến ngôi nhà có người vừa gọi nhờ sự hỗ trợ. Sau khi thăm khám, đo thân nhiệt cho người bệnh, vẫn trong trang phục bảo hộ kín bưng, bác sĩ Thuận chia sẻ: Trước đây, tôi cũng thuộc đội truy vết, lấy mẫu của Trung tâm Y tế thị xã. Khi được điều về phụ trách trạm y tế lưu động, tôi thấy công việc có phần tất bật hơn. Nhất là hiện nay, khi có chủ trương điều trị F0 không triệu chứng tại nhà thì việc nhanh chóng có mặt hỗ trợ bệnh nhân có ý nghĩa không chỉ về chuyên môn mà còn tạo sự an tâm cho chính người bệnh.

Chị T.T.T, người đang điều trị Covid-19 tại nhà vừa được bác sĩ Thuận thăm khám, lạc quan cho biết: Tôi thấy việc điều trị Covid-19 tại nhà như hiện nay rất hợp lý, nhất là có các bác sĩ lưu động đến thăm khám thì người bệnh vô cùng an tâm. Chỉ cần gọi điện thoại là các bác sĩ có mặt rất nhanh, tôi thật sự biết ơn sự tận tình này. Điều đó giúp người bệnh sớm hồi phục sức khỏe hơn!

Không chỉ hỗ trợ, chăm sóc y tế đối với trường hợp liên quan đến Covid-19 mà các trạm y tế lưu động tại Phước Long còn đảm đương luôn một số nhiệm vụ trước đây Trung tâm Y tế thị xã phải làm, như điều tra truy vết, thẩm định điều kiện điều trị hoặc cách ly tại nhà đối với tất cả trường hợp thuộc địa bàn phụ trách. Sự chia sẻ công việc của các trạm y tế lưu động đã giúp sức tích cực cho ngành y tế tuyến trên vốn đang có dấu hiệu quá tải trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh. Thế nhưng, để đảm đương được trách nhiệm nặng nề như vậy thì đội ngũ y tế lưu động cũng phải nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trong công việc.

Khi có trạm y tế lưu động thì công tác phòng, chống dịch của phường càng thuận lợi hơn, bởi sự nhanh nhạy, kịp thời là yếu tố hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch. Hơn nữa, công tác phối hợp giữa trạm y tế lưu động với chính quyền cũng rất hiệu quả... Đặc biệt, sau khi trạm y tế lưu động đi vào hoạt động thì người dân rất đồng tình và đó chính là sự khẳng định thực tế nhất.

Ông LẠI TẤT THẮNG, Phó chủ tịch UBND phường Phước Bình

Vừa thực hiện xong khảo sát điều kiện điều trị tại nhà cho 1 gia đình F0 mới phát hiện, bác sĩ Ngô Ngọc Cẩn, Trưởng trạm Y tế lưu động số 2 phường Phước Bình, TX. Phước Long chia sẻ: Từ khi được điều về phụ trách trạm y tế lưu động, tôi phải đảm đương nhiều nhiệm vụ chống dịch hơn nên đi sớm, về khuya là điều hết sức bình thường… Qua đó, vừa giúp đồng nghiệp tuyến trên bớt áp lực và cũng hỗ trợ tốt nhất cho địa phương trong công tác chống dịch, từ đó chúng tôi càng có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo mô hình hoạt động của 4 trạm y tế lưu động hiện có tại Phước Long, mỗi trạm có 6 nhân sự phụ trách, trong đó có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng được điều từ Trung tâm Y tế thị xã xuống và 3 nhân sự do khu phố, xã, phường nơi trạm đứng chân phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Sự kết hợp này cho thấy, các trạm y tế lưu động hoạt động rất hiệu quả bởi các nhân sự vừa thông thuộc địa bàn, nắm chắc từng đối tượng và còn đảm bảo được yêu cầu chuyên môn y tế cần thiết.

Với phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi xã, phường là một pháo đài chống dịch…”, việc vận hành trạm y tế lưu động cho thấy Bình Phước đang có bước đi nhằm kiên cố hóa các “pháo đài” để thích ứng tốt nhất công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới hiện nay!

Nguyễn Tấn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/128812/alo-la-co