Ám ảnh karaoke ngày Tết: Hàng xóm 'gánh mẹ' từ sáng tới đêm
Hát karaoke tại nhà là phương thức giải trí được rất nhiều người yêu thích dịp Tết, nhưng dường như điều này gây ra không ít phiền toái cho hàng xóm xung quanh.
Một nhà hát cả xóm phải nghe
"Điên đầu vì karaoke Tết" là lời than thở của không ít người Việt cứ sau mỗi dịp lễ Tết dài ngày. Với sự phát triển của công nghệ, ngày nay, các thiết bị âm thanh, nhất là dàn karaoke "tại gia", giá "mềm" được nhiều người ưa chuộng.
Tuy rằng hát karaoke chỉ diễn ra trong nhà nhưng sức ảnh hưởng của nó không phải nhỏ thậm chí cả xóm xung quanh đều phải "chịu" theo hình thức giải trí này của mỗi gia đình. Đây cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người khi hàng xóm suốt ngày "cất lời ca, tiếng hát".
Những ngày này, trên mạng xã hội, không ít người bày tỏ nỗi niềm bị hàng xóm làm phiền bởi những liên khúc bất tận, như "cho con gánh mẹ, gánh từ sáng tới khuya vẫn không cho mẹ xuống", "vùng lá me bay bay từ trưa tới giờ vẫn chưa hết lá", "ngày nào cũng "đập vỡ cây đàn" mà đập cả mấy ngày không thấy vỡ" hay "đắp hoài vẫn chưa hết cuộc tình"...
Dưới những bài đăng là hàng loạt các bình luận than thở, bức xúc của khá nhiều người. Điều đó cho thấy, karaoke tự phát đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của riêng ai.
Những tưởng trở về nhà sau một năm đi học xa nhà thì sẽ được tận hưởng một cái Tết dễ chịu, nhưng Nguyễn Tuyết Minh, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội lại bị hàng xóm tra tấn lỗ tai mỗi ngày. Nữ sinh viên cho biết "đặc sản" karaoke ở quê cô là bolero, nhạc trữ tình remix.
"Mỗi lần nghe thấy âm thanh "1, 2, 3 alo alo..." vang lên. Khi ấy, em biết ngay là dàn âm thanh đã được khởi động và lại ra ban công đóng chặt cửa như một phản xạ tự nhiên", Minh nói và cho biết, cứ đến Tết là các nhà hàng xóm tụ tập bạn bè hát karaoke tới 10h, 11h khuya mới chịu tắt.
Còn với Lê Thùy Vân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội: "Mỗi lần về quê vào dịp lễ Tết em rất sợ việc hàng xóm hát karaoke. Lúc nào rảnh hoặc có bạn bè, người thân tới chơi, ăn uống, họ đều rủ nhau ca hát. Em không mong hàng xóm hát hay chỉ mong hát đúng nhịp, đúng nhạc… nhưng đâu phải ai cũng biết hát, họ cứ lấy hết sức bình sinh cố gào lên thật to".
Cùng "cảnh ngộ", anh Bùi Quang Minh (ở Thanh Hóa) lắc đầu ngao ngán: "Những năm trước, thấy nhà bên soạn mâm cỗ, bật loa karaoke là cả nhà tôi phải rủ nhau đi tìm nơi chúc Tết để tránh được lúc nào hay lúc đó. Năm nay, được về sớm nghỉ ngơi nhưng từ 26 Tết đến giờ xóm trên, xóm dưới thay nhau tiệc tùng mở loa hát karaoke tại nhà từ sáng tới tối khiến tôi thấy rất mệt mỏi".
Nói về việc quy định người dân chỉ được hát đến 22h, công suất cũng có chuẩn nhưng anh Minh vẫn ngần ngại, vì cho rằng ngày Tết, đầu năm lại qua nhắc chuyện quy định hay gọi công an báo cáo là điều chẳng ai muốn làm. "Lịch sự với hàng xóm nên thành ra những người xung quanh đành chịu trận đợi đến 22h đêm mới tìm được sự bình yên", người đàn ông thở dài.
Bi kịch từ chiếc micro
Việc hát karaoke đã trở nên quen thuộc với nhiều gia đình từ nông thôn cho đến thành thị. Sẽ không có gì căng thẳng nếu việc hát karaoke có chừng mực và điểm dừng, còn không thì sẽ xảy ra những vụ việc vô cùng đáng tiếc. Đã có nhiều vụ ẩu đả, án mạng, vào tù, ra viện chỉ vì vấn nạn hát karaoke gây ồn.
Cuối năm 2023, Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Lê Thành Tài (37 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) mức án chung thân về tội “Giết người”.
Được biết, khi đi làm về mệt, nghe nhóm thanh niên cùng dãy trọ đang tụ tập hát karaoke ồn ào, Tài đi qua nhắc nhở dẫn đến mâu thuẫn với nhóm thanh niên kia. Trong lúc xô xát, Tài rút dao đâm, khiến một người thiệt mạng.Cuối năm 2023, Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Lê Thành Tài (37 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) mức án chung thân về tội "Giết người".
Tại phiên tòa, Tài khai không có chủ đích đâm ai hết. Bị cáo mang theo dao đi nhắc nhở là để "thị uy", buộc nhóm thanh niên kết thúc việc hát hò ồn ào, không ngờ mọi việc diễn ra ngoài dự tính.
Vụ việc trên không phải là duy nhất, trước đó đã từng có hàng loạt bi kịch chỉ vì người không thể chịu nổi tiếng ồn, người khó chịu vì đang hát thì bị nhắc nhở.
Đầu năm 2023, ông M. (ở Tuy Phước, Bình Định) được con trai mua cho dàn loa karaoke để giải khuây. Từ đó trở đi, ông M. thường xuyên bật nhạc to, thậm chí vào giờ nghỉ trưa.
Vì gia đình có con gái mới sinh đang ở cữ cần yên tĩnh, ông T. đã lời qua tiếng lại với ông M. Chẳng ai chịu ai, nhân lúc ông M. ở sau nhà, ông T. sang nhà tạt nước để phá hỏng dàn loa. Xót của, ông M. lao vào đánh nhau với ông T. Hậu quả, ông M. bị gãy tay và mích xương bàn chân, riêng ông T. thì bị gãy sống mũi. Sự việc trên khiến cả xóm xôn xao.
Hay như trường hợp Nguyễn Khắc Bình ở Thanh Hóa. Do đêm đã khuya, việc hát karaoke gây ồn ào, ảnh hưởng đến nhà mình nên anh Bình có sang nhắc nhở, tuy nhiên anh H. không nghe vẫn tiếp tục ca hát.
Bực tức, anh Bình đã dập cầu dao điện nhà anh H. nên hai bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi vã. Do không kiềm chế được cơn nóng giận, anh Bình đã dùng gậy sắt đánh hàng xóm dẫn đến viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi.
Việc hàng xóm vì mải mê "giải trí" mà làm phiền những người xung quanh đã khiến nhiều người bức xúc. Những khó chịu ấy dồn nén lại và có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu mỗi bên thiếu kiềm chế.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam cho rằng, karaoke là một trong những hình thức giải trí thư giãn. Nó sẽ là lành mạnh nếu chúng ta thực sự có ý thức để không ảnh hưởng đến người khác.
"Sở dĩ nhiều vụ xô xát xảy ra từ nguồn cơn do karaoke tự phát bởi theo quan niệm số đông trong cộng đồng đây dường như là "chuyện nhỏ". Tuy nhiên, tiếng ồn nói chung và âm thanh từ karaoke rất dễ gây ức chế cho những người "bị nghe", mà bản thân người hát không hề ý thức được rằng người khác đang phải chịu đựng mình", chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia tâm lý, khi gặp cảnh karaoke "tra tấn", trước hết mỗi người nên tìm cách thích hợp để góp ý trên tinh thần thiện chí, hợp tình hợp lý. Bên cạnh đó chúng ta có thể có ý kiến phản ánh để cơ quan chức năng can thiệp, nhắc nhở.
"Tôi cho rằng, để giảm thiểu tác hại và những hệ lụy từ karaoke, bên cạnh mặt tuyên truyền, giáo dục người dân, cơ quan quản lý cần chế tài phạt nặng, xử lý nghiêm để hạn chế tình trạng này", bà Hà nhấn mạnh.